Những năm qua, nhờ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, công tác đào tạo nghề trên địa bàn ngày càng được nâng cao chất lượng, người lao động sau khi được giải quyết việc làm có thu nhập ổn định, đời sống từng bước được cải thiện…
Mô hình dạy nghề may gia công cho lao động nông thôn .
Những năm qua Thốt Nốt được xem là địa phương quan tâm nhiều tới công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Theo UBND quận Thốt Nốt, hàng năm quận phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố, các ban ngành đoàn thể tổ chức các buổi tư vấn giới thiệu việc làm cho các đối tượng là các thanh thiếu niên, người lao động trên địa bàn quận. Ngoài ra trong các buổi tư vấn cũng lồng ghép trong nội dung tư vấn về cách chọn nghề, các chính sách ưu đãi, đối tượng loại được hưởng thụ chính sách của nhà nước cho người lao động nông thôn muốn tham gia học nghề.
Ghi nhận từ địa phương, từ khi thực hiện Đề án 1956 -“Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, gọi tắt là Đề án- các cấp lãnh đạo, các ban ngành và các đoàn thể quận Thốt Nốt đặc biệt quan tâm thực hiện, xem đây là chỉ tiêu xếp loại đánh giá hàng năm. Hàng năm Phòng LĐTB&XH tham mưu UBND quận, chỉ đạo hướng dẫn các phường thống kê, khảo sát nhu cầu cần mở các lớp nghề phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, các phường phải chuẩn bị được danh sách các học viên của từng lớp, phân công trách nhiệm cho các ban ngành tại địa phương để tham gia tư vấn tuyển sinh, có kế hoạch tạo việc làm cho người lao động sau khi kết thúc khoá học.
Từ khi thực hiện Đề án, nhận thức của người lao động về công tác dạy nghề được quan tâm hơn, người lao động cũng tích cực tham gia đăng ký học nghề.
Nhìn chung việc triển khai Đề án đã đạt được hiệu quả bước đầu. Đa số học viên sau học nghề đã tìm được việc làm. Hầu hết học viên lớp nghề nông nghiệp đã tạo được việc làm, áp dụng kiến thức được học vào trong công việc lao động sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Tại lớp nghề đan dây nhựa tại phường Trung Nhứt, thời gian học chỉ cần 1 tháng 15 ngày, các học viên được trang bị kiến thức cơ bản về thực hành đan dây nhựa, với các sản phẩm chủ yếu là giỏ xách dây. Trong quá trình học nghề, học viên được hỗ trợ chi phí về nguyên vật liệu thực hành và tiền ăn hàng ngày; sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề được Hợp tác xã Quốc Noãn nhận cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm do chị em làm ra.
Ra đời năm 2008, Hợp tác xã (HTX) giống nông nghiệp Thốt Nốt quận Thốt Nốt từ xuất phát điểm thấp và yếu đến nay đã có cơ ngơi nhà xưởng khang trang, đầy đủ các hệ thống lò sấy, máy tách hạt, hệ thống đóng gói phục vụ sản xuất giống. Sản phẩm lúa giống của HTX đã được cấp giấy chứng nhận thương hiệu từ năm 2012. Ông Nguyễn Minh Phương, Chủ nhiệm HTX giống nông nghiệp Thốt Nốt, cho biết: “17 xã viên, với diện tích canh tác 50 ha làm lúa giống đã có đầu ra ổn định sản phẩm cho lợi nhuận tăng khoảng 20% so với sản xuất lúa hàng hóa trước đây. HTX còn liên kết thêm với nhiều nông dân để sản xuất giống, giúp các nông hộ nâng cao hiệu quả sản xuất. Mỗi năm HTX chúng tôi sản xuất và cung ứng trên 800 tấn lúa giống các loại cho thị trường tại thành phố và các tỉnh lân cận”. Trung tâm Thương mại và Dịch vụ lúa giống Bá Khem ở phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt kết nối với 100 hộ dân để sản xuất lúa giống với tổng sản lượng lúa giống làm ra đạt trên dưới 1.000 tấn/ năm. Ông Hồ Bá Khiêm sau khi học xong lớp nghề nông nghiệp đã mạnh dạn mở cơ sở sản xuất lúa giống, nâng cao thu nhập cho các nông hộ tham gia liên kết, tạo việc làm thường xuyên cho 15-20 người, những lúc cao điểm mùa vụ lên đến hơn 50 người…
Mục tiêu mà quận Thốt Nốt đề ra đến hết năm 2019 và năm 2020, đào tạo nghề từ 750 đến 850 lao động nông thôn/năm, trong đó, năm 2019 đào tạo 18 lớp phi nông nghiệp cho 630 người; 5 lớp nông nghiệp cho 175 người. Tỷ lệ có việc làm qua đào tạo đạt 75%.
Chia sẻ về phương hướng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn địa bàn quận Thốt Nốt, bà Lê Thị Thuý Hằng - Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt - cho biết: Tiếp tục tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh và năng lực dạy nghề của các cơ sở dạy nghề, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức đánh giá, nhân rộng các mô hình có hiệu quả trên địa bàn. Lồng ghép các chương trình dự án, huy động các nguồn kinh phí để thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường mối quan hệ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc phối hợp với đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động nông thôn...