Từ tháng 5/2019, những người làm công tác Mặt trận tại huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã xây dựng cho mình mô hình Tổ tự quản kiểu mẫu - hay Tổ tự quản toàn diện. Thực tế cho thấy, mô hình này đã phát huy hiệu quả, trên cơ sở đó xây dựng đề án để nhân rộng ra toàn tỉnh.
Tổ tự quản kiểu mẫu số 4, khối 1A, thị trấn Thanh Chương (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) với mô hình “Khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp”.
Hiện trong tổng số 40 xã, thị trấn của huyện Thanh Chương, đã có rất nhiều mô hình tự quản khác nhau trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh trật tự (ANTT), bảo vệ môi trường… đang được duy trì hoạt động tại các khu dân cư của 506 xã, thị trấn. Một số mô hình đã mang lại hiệu quả như: “Tiếng kẻng an ninh”, “Dòng họ tự quản về ANTT”, “Xứ đạo yên bình”, “Khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp”, “Dân vận khéo giảm nghèo bền vững”, “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, các mô hình xây dựng cánh đồng lớn nhằm hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế…
Trong đó, lĩnh vực ANTT có 3.329 mô hình, lĩnh vực bảo vệ môi trường có 780 mô hình, lĩnh vực văn hóa - xã hội có 424 mô hình; lĩnh vực kinh tế có 382 mô hình, lĩnh vực phát huy dân chủ có 446 mô hình. Nhìn chung các mô hình tự quản đã phát huy được tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo cảnh quan môi trường văn minh, sạch đẹp, duy trì nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Sơn - Chủ tịch MTTQ huyện Thanh Chương, qua khảo sát thực tế tại cơ sở, MTTQ huyện Thanh Chương thấy rằng mô hình nhiều nhưng hiệu quả chưa cao, một số mô hình tự quản ở khu dân cư còn hình thức, còn chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ và các thành viên giữa các tổ tự quản. Điển hình như cùng nội dung bảo vệ môi trường nhưng có nhiều mô hình như: “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Tuyến đường đảm bảo vệ sinh môi trường”,… Cùng là đảm bảo ANTT thì có “Khu dân cư tự quản đảm bảo ANTT”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Xứ đạo bình yên”… Còn trên lĩnh vực phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo bền vững cũng có quá nhiều các mô hình tương tự.
“Thậm chí có nơi chưa phân biệt được mô hình tự quản với các phong trào, phần việc, các cuộc vận động khác. Một số mô hình hoạt động không có hiệu quả, có mô hình chỉ dừng lại ở lễ phát động ra mắt. Như vậy, có thể nói dù việc xây dựng, tổ chức các hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư là hết sức cần thiết, nhưng vấn đề là làm thế nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các mô hình tự quản, phát huy được dân chủ, tạo sự đồng thuận xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trong gian đoạn hiện nay đã và đang là vấn đề được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ cơ sở đến huyện quan tâm”- ông Sơn cho biết.
Để mô hình tự quản hoạt động mang tính lâu dài, bền vững, có vai trò quan trọng trong cộng đồng dân cư, MTTQ huyện Thanh Chương đã ban hành Kế hoạch số 09/KH-MTTQ-BTT, ngày 4/5/2019 về việc xây dựng “Tổ tự quản kiểu mẫu” thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở với 10 tiêu chí thiết thực nhằm tiếp tục phát huy truyền thống thi đua yêu nước, ý thức tự giác, tinh thần sáng tạo của đội ngũ cán bộ Mặt trận, tinh thần tự chủ của các tầng lớp nhân dân, các cụm dân cư.
Theo Chủ tịch MTTQ huyện Thanh Chương, các mô hình Tổ tự quản có màu sắc riêng của Mặt trận, các tiêu chí về xây dựng Tổ tự quản kiểu mẫu đã được Mặt trận huyện “phôi thai” từ năm 2018 và bắt đầu thực hiện từ tháng 5/2019 với 10 tiêu chí về xây dựng Tổ tự quản kiểu mẫu như “Giúp nhau phát triển kinh tế”, “Không còn hộ đói, nghèo”; “Không gây mất đoàn kết trong thôn, xóm, khối, bản”; “Không có người vi phạm pháp luật, vi phạm chính sách Dân số kế hoạch hóa gia đình”… Theo đó, “Tổ tự quản kiểu mẫu” hoạt động dân chủ, đúng pháp luật, đúng quy ước và hương ước của thôn, xóm, khối, bản đề ra... để thực hiện tốt 5 nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Tính đến 11/2019, MTTQ các xã, thị trấn đã xây dựng được 404 tổ tự quản kiểu mẫu, làm điểm và tổ chức lễ ra mắt cho 205 tổ tự quản kiểu mẫu ở trong cộng đồng dân cư của 40 xã, thị trấn.
Nói về mô hình này, ông Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cho rằng, đây là cách làm hay, mô hình Tổ tự quản toàn diện phát huy được tính tự nguyện của người dân, bởi nó dựa trên tinh thần tự nguyện, nhưng tính hiệu quả lại rất cao. Nếu như trước kia, các tổ dân cư do các tổ chức hội ở cơ sở chủ trì thường hay trùng lắp thì nay người dân sẽ thành lập Tổ tự quản toàn diện hơn, sâu sát và hiệu quả hơn.