Tuyến vận tải hành khách công cộng đường thuỷ (thường được gọi là buýt đường sông) số 1 từ Bến Thành (quận 1) đi bến Linh Trung (quận Thủ Đức) đã được đưa vào hoạt động cách đây chừng 2 năm, và TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ phát triển thêm các tuyến số 2 (từ Bến Thành đi Lò Gốm) hay tuyến đi Phú Mỹ Hưng (quận 7), Củ Chi…
Nhưng, thực tế cho thấy hệ thống buýt đường sông đang hoạt động chưa hẳn đã được như ý muốn. Trong khi đó, Hà Nội lại cũng có ý kiến đề nghị mở tuyến xe buýt đường thủy trên sông Hồng.
Hiện tuyến xe buýt đường sông tại TP HCM chủ yếu phục vụ khách du lịch.
Lúc quá vắng, khi quá tải!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những ngày bình thường, tuyến buýt đường sông ở TP HCM rất vắng khách. Ngoài bến đầu tuyến ở khu công viên Bạch Đằng (quận 1) tập trung nhiều người tới uống cà phê, ăn nhẹ ngắm cảnh sông nước thì khách mua vé đi buýt đường sông rất ít. Do nằm ở vị trí đẹp liền bờ sông Sài Gòn lại là nơi giao nhau của nhiều tuyến đường lớn ở trung tâm quận 1 nên khu vực bán cà phê, đồ ăn nhẹ của chủ đầu tư buýt đường sông luôn nhộn nhịp khách ra vào. Tương tự, bãi đậu xe ở đây cũng luôn chật kín khách vì nhu cầu nhiều. Các dịch vụ bán quán cà phê, đồ ăn nhanh hay giữ xe được thành phố ưu tiên đi kèm theo dành cho chủ đầu tư khi bỏ tiền đầu tư xây dựng bến cảng cũng như phương tiện vận chuyển. Ngoài khu vực bến Bạch Đằng, các bến còn lại dọc theo bờ sông Sài Gòn như bến Bình An (gần chân cầu Sài Gòn, quận 2), bến Thanh Đa hay bến Linh Đông… đều rất vắng khách. Gần như cả buổi các bến ở giữa lộ trình không có khách mua vé đi thuyền bởi hầu hết khách chỉ đi từ hai bến đầu (Bạch Đằng) và bến cuối (Hiệp Bình Chánh). Theo lịch trình, cứ 30 phút lại có 1 chuyến buýt đường sông nhưng thực tế nhiều người dân ở khu vực bến Bình An cho biết khi nào có khách mới thấy tàu chạy. Những ngày cuối tuần tàu chạy liên tục nhưng ngày thường, lâu lâu mới thấy.
Ngược lại, những dịp nghỉ lễ cuối tuần, lễ tết, tuyến buýt đường sông này lại thường quá tải, hành khách phải chen lấn, xếp hàng mới mua được vé để đi. Do phương tiện chỉ có 75 chỗ ngồi nên những khách theo đoàn, nhóm phải chờ rất lâu theo thứ tự đặt trước mới đủ chỗ.
Giá vé đi một vòng tuyến buýt đường sông cũng tốn tới 120.000 đồng, cao hơn nhiều so với vé xe buýt đường bộ ở quãng đường tương ứng (10,8 km).
Khó phát triển thêm tuyến khác
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tuyến buýt đường sông không phát triển theo đúng định hướng ban đầu là tín hiệu không thuận. Cụ thể, như tuyến buýt số 1 dài hơn 10 km nhưng được quy hoạch tới 10 bến cảng neo đậu đón trả khách. Đây là số bến quá nhiều khi nhu cầu thực tế của hành khách chỉ đi du lịch sông nước, không cần lên các bến này. Hầu hết hành khách hiện nay đi từ bến Bạch Đằng và trở lại cũng ở bến Bạch Đằng nên việc xây dựng hàng loạt bến sẽ lãng phí, không cần thiết. Từ nhu cầu thực tiễn của hành khách là chỉ đi buýt đường sông để du lịch cũng cho thấy, rất khó để phát triển thêm các tuyến buýt số 2, số 3… vì ngắm sông nước thì chỉ cần một tuyến, hoặc thay đổi lộ trình của tuyến số 1 này chứ không nhất thiết phải cố định như hiện nay. Thế nên, nếu thành phố không thay đổi quy hoạch hoặc có phương án điều chỉnh để thu hút lượng hành khách mới mà vẫn tiếp tục xây dựng các dự án tuyến buýt đường sông theo lộ trình cũ thì rất có thể, các tuyến số 2 hay số 3 sẽ ế khách. Ngay cả khách du lịch cũng không sử dụng.
Bến Bạch Đằng (quận 1, TP HCM) được xem là bến chính của cả hai tuyến buýt đường sông Ảnh: AutoPro.
Theo nhiều người dân, rất khó để sử dụng buýt đường sông làm phương tiện di chuyển hàng ngày, thay thế phương tiện đường bộ bởi ngoài giá vé cao hơn buýt đường bộ thì khoảng thời gian giữa các chuyến cũng quá dài, lên tới 30 phút. Thực tế khoảng cách này còn cao hơn rất nhiều do ít khách đi khung giờ ngày thường. Cuối cùng, buýt đường sông vẫn là phương tiện “đơn độc” vì ngoài bến Bạch Đằng (quận 1), việc kết nối các bến khách với phương tiện đường bộ chưa thuận lợi. Người dân vẫn phải sử dụng 1 phương tiện cá nhân để di chuyển tới bến trước khi lên được buýt đường sông.
Trong khi đó, đại diện chủ đầu tư là ông Nguyễn Kim Toản- Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật cho biết, qua đánh giá sau gần năm hoạt động, lượng khách tham gia phương tiện buýt đường sông vượt cao hơn dự kiến ban đầu. Về vấn đề hành khách chủ yếu là khách du lịch chứ không phải người dân sử dụng vì mục đích đi lại hàng ngày, ông Toản cho rằng Công ty phục vụ tuyến buýt đường sông chỉ cần làm tốt nhiệm vụ, thu hút hành khách còn hành khách sử dụng phương tiện này vì mục đích gì (ngắm cảnh, đi chơi, đi làm, du lịch…) thì Công ty không thể nào kiểm soát được.
Còn theo ông Hà Thanh Sơn- Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thuỷ, thuộc Sở GTVT TP HCM, do mô hình này lần đầu tiên được đưa vào vận hành nên tạo ra sự mới lạ, người dân tìm tới để tham quan, ngắm cảnh là điều bình thường. Có thể, sau một thời gian nữa, nhiều người sẽ coi đây là phương tiện sử dụng hàng ngày để di chuyển. Với lợi thế của hơn 100 tuyến sông, rạch nên tiềm năng để phát triển các tuyến buýt đường thuỷ là rất lớn, miễn là người dân thành phố có nhu cầu thì cơ quan quản lý sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, mở rộng…
Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội mới đây, khi cho ý kiến về nghị quyết về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải, đại biểu Nguyễn Tiến Minh (Bí thư huyện Thường Tín) đã đề xuất TP nên có buýt đường thuỷ nội địa để phát triển du lịch, du khách đi tàu ngắm được Thủ đô. Ý kiến này nhận được sự tán đồng của một số người, trong đó có PGS.TS Đào Trọng Tứ- Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) khi cho rằng việc phát triển hệ thống đường thủy còn gắn với việc củng cố kè bờ của Hà Nội. “Nên phát triển hệ thống buýt đường thủy trên sông Hồng để phát triển du lịch và giảm gánh nặng cho đường bộ”- theo ông Tứ. |