Ngày 19/10, tại khu vực đất đá sạt lở ở nghĩa trang Hòa Sơn, Đà Nẵng, nhiều gia đình, tộc họ vẫn thẫn thờ tìm mộ phần người thân. Việc này có một phần nguyên nhân từ việc trồng, khai thác cây keo lá tràm của người dân.
Gần một tuần sau trận mưa lớn vào chiều và đêm 14/10, những cụ ông, cụ bà, trai tráng, dâu rể của các dòng tộc vẫn mải miết tìm mộ phần người thân giữa ngổn ngang đất đá, bia mộ và những kim tĩnh (vách ngăn huyệt mộ) bị nước đẩy trôi.
Bên đống bia mộ, quan, quách lẫn lộn với đất đá, ông Huỳnh Văn Thể ở phường Hòa Khê, quận Thanh Khê tự an ủi, còn được ri là quý lắm rồi! Hỏi còn những gì, ông Thể thở dài bảo còn cái hũ xương! Tuy nhiên chính ông cũng không chắc chắn đó là những gì còn sót lại của người thân. Xót thương những mộ phần bất hạnh chưa có người đến kiếm tìm, ông Thể cùng một số người tự nguyện đi mua quách về liệm, đặt tạm trên đất đá hoang tàn.
Một người thanh niên đứng bên miệng hố sâu nơi 2 ngôi mộ tụt xuống cho biết tên là Nguyễn Hữu Vũ Tuấn (30 tuổi) trú tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Sáng 15/10, khi biết nơi an táng người thân ở nghĩa trang Hòa Sơn bị sạt lở, anh cùng gia đình bươn bả chạy lên thì mộ phần cha và chú ruột đã bị san bằng không còn dấu vết...
Trao đổi với chúng tôi vào ngày 19/10, ông Trần Văn Nam, Trưởng ban, Ban nghĩa trang TP Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có 6 dòng tộc liên hệ để phối hợp tìm kiếm mộ phần người thân.
Trước đó vào ngày 18/10, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã đến thị sát khu vực sạt lở, vùi lấp. Báo cáo tại hiện trường với Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện tại cơ quan chức năng đã thống kê có 610 ngôi mộ bị đất đá từ trên cao tràn xuống, vùi lấp, hư hại, trôi trượt khỏi vị trí an táng ban đầu. Khu vực sạt lở rộng trên 22.243 m2 với tổng lượng đất đá tràn xuống là 15.754 m3.
Ông Nam đề xuất với Bí thư Thành ủy phương án thu hồi đất trồng cây keo lá tràm ở sườn núi bên trên nghĩa trang để hình thành rừng phòng hộ với các loại cây thích hợp. Theo ông Lê Quang Nam, vụ sạt lở nghĩa trang Hòa Sơn sau trận mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 5 trong đêm 14 và rạng sáng 15/10 có nguyên nhân từ việc trồng cây keo lá tràm của người dân. Cây keo lá tràm từ các diện tích rừng sản xuất của người dân không có tác dụng giữ đất, giữ nước mà còn khiến đất đá bị bở ra theo các chu kỳ khai thác 5 năm/lần. Thêm vào đó, để đưa gỗ khai thác ra khỏi hiện trường, người dân phải mở đường.
Liên quan đến đề xuất thu hồi đất trồng cây keo lá tràm ở nghĩa trang Hòa Sơn của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam, ngày 19/10 chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Duy Phương - Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn. Ông Phương cho biết, hiện tại chưa thể thống kê được diện tích bởi người dân 3 xã Hòa Sơn, Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam cùng trồng rừng (keo lá tràm) ở khu vực này.
Chia buồn sâu sắc với gia đình có mộ phần bị đất đá sạt lở, vùi lấp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu cơ quan có trách nhiệm liên hệ ngay với các dòng họ, gia đình để thống nhất phương án khắc phục. Ông Quảng thống nhất với đề xuất của cơ quan chức năng thành lập Tổ công tác liên ngành, khắc phục hậu quả trong thời gian từ nay đến cuối tháng 10.