Bộ Nội vụ Nhật Bản đã chính thức thông báo số công dân trên 65 tuổi tại quốc gia này lên mức kỷ lục là 36,27 triệu; chiếm 29,1% tổng dân số. Còn số người trên 75 tuổi là 19,37 triệu, chiếm hơn 15% dân số.
Nhật Bản cũng lần đầu ghi nhận số công dân trên 100 tuổi vượt 90.000 người, ở mức 90.526. Có nghĩa là, cứ 100.000 người Nhật Bản thì 72 người trên 100 tuổi. Còn nhớ, năm 1963, khi số liệu bắt đầu được thống kê, Nhật Bản chỉ ghi nhận 153 người hơn 100 tuổi. Con số này tăng lên 1.000 vào năm 1981, 10.000 vào năm 1998 và 50.000 vào năm 2012.
Như vậy, ở thời điểm hiện tại, Nhật Bản là quốc gia “siêu già”, nghĩa là hơn 20% dân số trên 65 tuổi; xếp sau là Italy với 24,1% và thứ ba là Phần Lan: 23,3%.
Trong khi đó, theo Viện Nghiên cứu quốc gia về dân số và an sinh xã hội Nhật Bản (IPSS), tỷ lệ người trên 65 tuổi ở nước này sẽ lên mức 35,3% vào năm 2040. Điều đáng chú ý là tổng dân số Nhật Bản đạt đỉnh vào năm 2010 với 127 triệu người, tuy nhiên bắt đầu giảm dần. Đến năm 2065, con số này dự kiến giảm xuống còn khoảng 88 triệu người.
Sống lâu, sống khỏe là điểm nổi bật đối với người Nhật Bản. Ở quốc gia này, ngôi làng Ogimi còn được biết đến với cái tên “làng trường thọ”. Ngôi làng nằm ở bờ bắc đảo Okinawa, với tuổi thọ trung bình của người dân lên tới 86,1 tuổi. Tự hào về điều đó, ngay lối vào làng Ogimi có một tấm bia đá khắc dòng chữ bằng tiếng Nhật: “Ở tuổi 80, bạn mới chỉ là một thanh niên. Ở tuổi 90, nếu tổ tiên mời bạn đến thiên đàng, hãy nói họ đợi đến khi bạn 100 tuổi - lúc này, bạn có thể cân nhắc điều đó”.
Đó không hẳn là lối nói phóng đại. Với dân số chỉ khoảng 3.000 người, làng Ogimi đã có tới 15 cụ già sống trên 100 tuổi. Khoảng 170 cụ ở độ tuổi 90.
Vậy điều gì khiến người làng Ogimi sống thọ đến vậy? Giáo sư Craig Willcox - chuyên ngành sức khỏe cộng đồng và lão khoa tại Đại học Quốc tế Okinawa, đã lý giải qua 3 yếu tố chính: Chế độ ăn uống, tập quán xã hội và di truyền.
Về chuyện ăn uống, người làng Ogimi quen ăn nhạt, ít muối, ít mỡ nhưng giàu chất đạm. Về lượng mỡ, họ chỉ ăn bằng 1/4 so với người Âu - Mỹ. Họ cũng ít khi ăn thịt, nhất là thịt đỏ, trong khi lại thường xuyên ăn cá, đậu phụ, rau tươi và hoa quả. Người trong làng tới nay vẫn giữ tập quán canh tác xưa cũ khi tự trồng rau, hoa quả, lương thực để phục vụ nhu cầu, bảo đảm yếu tố xanh, không ô nhiễm, không phải lo ngại về thuốc trừ sâu.
Người làng Ogimi sống theo triết lý đơn giản gọi là “ikigai” - tiếng Nhật có nghĩa là “lý do tồn tại”. Người dân trong làng Ogimi luôn sống tích cực, không đầu hàng, không đánh mất niềm tin trong cuộc sống. Phải biết sống chậm, bởi chính như người dân ở đây quan niệm “đi chậm mới đi được xa” và khi bỏ lại những hối hả, bận rộn ở phía sau mới là lúc con người nhận ra ý nghĩa cuộc sống. Kế đến là không ăn quá no, ăn thấp hơn nhu cầu cơn đói, điều đó sẽ tốt cho sức khỏe, giúp sống thọ hơn. Cũng phải quan tâm đến việc có bạn bè tốt, bởi đây là “liều thuốc cho sức khỏe”, giúp con người có điều kiện chia sẻ cảm xúc, mơ ước, vui cười, nhận lời khuyên bảo.
Những nguyên tắc ikigai khác được dân làng Ogimi tuân thủ còn có việc thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, cười nhiều nhất có thể, tái kết nối với thiên nhiên, coi thiên nhiên là nguồn tái tạo lại năng lượng. Những người hơn 100 tuổi ở làng Ogimi còn cho biết các cụ luôn trồng rau và tự nấu ăn, gặp gỡ bạn bè, và nếu có thể thì đan lát.
Tuy nhiên, bền cạnh niềm vui là được hưởng phú trường thọ, thì Nhật Bản cũng lại lo lắng khi số trẻ sơ sinh tại quốc gia này đã xuống mức thấp nhất trong 22 năm. Trong nửa đầu năm 2022, tổng số trẻ sơ sinh của Nhật Bản, bao gồm trẻ được sinh ra ở Nhật Bản và con mới sinh của những người Nhật Bản ở nước ngoài, đã giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, lần đầu tiên ít hơn 400.000 trẻ kể từ năm 2000. Cụ thể, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6/2022, có 384.942 trẻ sơ sinh trong diện trên, giảm 20.087 trẻ so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở một diễn biến khác liên quan, theo số liệu chính thức, số lượng các cặp kết hôn trong nửa đầu năm 2022 tại Nhật Bản đã tăng 243 cặp so với cùng kỳ năm trước lên 265.593 cặp, nhưng con số này vẫn giảm hơn 50.000 cặp so với năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch bùng phát.