Bảy ngày sau thảm họa phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai kinh hoàng, quốc đảo Tonga vẫn đang vật lộn với những thử thách từ thiên nhiên.
Đó là tuần mà quốc đảo Tonga biến mất.
Bắt đầu từ những hình ảnh vệ tinh gây sốc về núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai và trận sóng thần sau đó, ánh mắt của thế giới đều hướng về quốc đảo Nam Thái Bình Dương, nơi sinh sống của khoảng 100.000 người. Nhưng ngay khi thế giới đang hồi hộp chờ đợi tin tức từ Tonga, bầu trời nơi đây đã tối sầm lại.
Đây chính là nhật ký một tuần thảm họa của núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai:
Thứ bảy, ngày 15/1: ‘Trời mưa đá’
Không khí khắp quốc đảo Tonga đều có mùi lưu huỳnh, như đã từng xảy ra trong nhiều tuần do núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai đang hoạt động, nằm cách thủ đô Nuku'alofa của Tonga 65 km.
Vào thời điểm 5 giờ 10 phút chiều (giờ địa phương), bốn vụ nổ núi lửa lớn đã làm rung chuyển cả đất nước. Tiếng nổ có thể được nghe thấy từ núi lửa ở Fiji và Vanuatu, thậm chí ở New Zealand, quốc gia cách đó hơn 2.000 km. Vụ nổ đã gây ra những đợt sóng thần cao tới 15m.
Branko Sugar và con trai của ông đang đánh giáo trên một rạn san hô ngoài biển thì núi lửa phun trào và cơn sóng thần ập đến. “Chúng tôi đã dừng thuyền và quan sát. Những cơn sóng lớn đang tiến về phía chúng tôi, lớn hơn bất kỳ con sóng nào tôi từng thấy trong đời”, Sugar nhớ lại.
Ông ngay lập tức quay chiếc thuyền và tăng tốc về phía vùng nước sâu gần Đảo Eueiki: “Con sóng lướt qua chúng tôi và đánh vào hòn đảo chính, thời khắc đó chúng tôi mới nhận ra bản thân đã thoát chết. Nhưng sau đó bầu trời đã bắt đầu mưa. Một trận mưa đá”.
Bầu trời bỗng chốc chuyển sang bóng đêm hoàn toàn, tro bụi bao trùm mọi thứ và đá rơi xuống ngày một nhiều.
Chủ nhật, ngày 16/1: ‘Nuku'alofa bị bao phủ bởi những đám bụi núi lửa dày đặc’
Chủ nhật, một ngày im lặng. Hầu như tất cả phương tiện liên lạc đều bị ngắt, vì rõ ràng là cáp thông tin liên lạc quan trọng dưới biển của Tonga đã bị hư hại.
Jacinda Ardern, thủ tướng New Zealand nói trong một cuộc họp báo rằng, họ vẫn chưa liên lạc được với các khu vực ven biển bên ngoài thủ đô Nuku'alofa. Ardern nhấn mạnh: “Nuku'alofa đang bị bao phủ bởi những đám tro bụi núi lửa dày đặc nhưng mọi điều kiện khác đều rất yên tĩnh và ổn định”.
Trong khi đó, ngọn núi lửa đang tự tạo ra những rung chấn trên khắp thế giới. Sóng lớn và dòng chảy siết đã được ghi nhận ở nhiều khu vực ven biển trên toàn cầu. Hai người đã chết đuối trên một bãi biển ở vùng Lambayeque của Peru sau khi những con sóng cao bất thường được ghi nhận ở đó.
Thứ hai, ngày 17/1: ‘Cái chết đầu tiên’
Đám mây tro khổng lồ bốc lên phía trên Tongatapu, hòn đảo chính của quốc đảo Tonga. Đó là thời điểm đầu tiên bầu trời xanh trở lại. Tiến sĩ Faka'iloatonga Taumoefolau, điều phối viên của Dự án Tòa nhà Quốc hội Tonga, đã đăng tải lên mạng xã hội những hình ảnh và video mà ông quay được.
Một video, được quay vào ngày 17/1, cho thấy các đường phố phủ đầy tro bụi. “Tôi quay lại khung cảnh này vì cho đến thời điểm hiện tại, dường như tôi đã quên mất một ngày sống dưới ánh sáng mặt trời là như thế nào”, ông viết.
Người dân trên khắp thế giới đều đang chờ đợi tin tức trong tuyệt vọng. Cáp thông tin liên lạc đã bị đứt và có thể mất vài tuần nữa các dịch vụ bình thường mới hoạt động trở lại. Seini Taumoepeau, một nhà hoạt động và nghệ sĩ người Úc gốc Tongan mệt mỏi: “Chúng tôi không cảm nhận được bất cứ điều gì cả”.
Hôm 17/1, tin tức về người đầu tiên tử vong vì thảm họa - một phụ nữ người Anh 50 tuổi tên là Angela Glover đã được công bố.
Thứ ba, ngày 18/1: ‘Một thảm họa chưa từng có’
Chính phủ đã gọi đây là ‘một thảm họa chưa từng có’, đồng thời xác nhận ba người dân thiệt mạng: Briton Angela Glover – một phụ nữ Anh 50 tuổi cùng một phụ nữ 65 tuổi khác từ đảo Mango và một người đàn ông 49 tuổi từ đảo Nomuka.
Trong khi đó, các bức ảnh chụp từ trên không của Lực lượng phòng vệ New Zealand đã cho thấy quy mô thiệt hại trên khắp các hòn đảo. Một số khu vực không bị ảnh hưởng nhiều nhưng tro bụi cũng đã bao phủ tất cả các bề mặt, trong khi các khu vực khác thì bị ‘tàn phá thảm khốc’. Đối với các hòn đảo xa xôi thuộc Mango, tại đó tất cả các ngôi nhà đều bị phá hủy, và thậm chí ở đảo Fonoifua chỉ còn lại hai ngôi nhà.
Thứ tư, ngày 19/1: Lo sợ về ‘sóng thần Covid-19’
Các chuyến hàng viện trợ đầu tiên được chuyển đến quốc đảo Tonga từ New Zealand trong bối cảnh lo ngại rằng các nỗ lực cứu trợ có thể sẽ vô tình mang lại ‘làn sóng Covid-19’ đến một quốc gia chỉ ghi nhận một trường hợp duy nhất trong toàn bộ đại dịch.
Gần một tuần trôi qua, các cuộc gọi đến Tonga vẫn không kết nối hoặc nếu có, sẽ bị ngắt chỉ sau vài giây. Internet vẫn hầu như không thể truy cập. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số liên lạc đã được khôi phục và các mạng xã hội ở khu vực Thái Bình Dương cũng đã ngập tràn những dòng trạng thái và bài đăng nhẹ nhõm từ những người dân cuối cùng đã có thể liên lạc với gia đình.
Sera Lenora Lala đã viết: “Cuối cùng thì tôi cũng có thể ngủ ngon sau khi nghe thấy giọng nói của cả bố mẹ tôi”.
Một người khác đã viết với những biểu tượng cảm xúc thổn thức: “Tôi đã bỏ lỡ một cuộc gọi vì nghĩ đó là một phóng viên nhưng đó lại là cha tôi. Ông ấy đã để lại lời nhắn rằng bản thân vẫn an toàn, cảm ơn Chúa vì điều đó!”.
Thứ năm, ngày 20/1: ‘Một phép màu’
Một câu chuyện thần kỳ giữa thảm họa về Lisala Folau từ quốc đảo Tonga. Lisala Folau, một thợ mộc khuyết tật nghỉ hưu kể lại rằng ông đã bơi và trôi từ đảo Atata của mình qua hai hòn đảo không có người ở khác để đến hòn đảo chính Tongatapu, với khoảng cách tổng cộng khoảng 13 km.
Ông đã nghe thấy tiếng con trai gọi mình từ bờ biển sau khi thấy ông bị cuốn vào màn đêm, nhưng Lisala lại quyết định không trả lời vì không muốn con trai mạo hiểm tính mạng lao đến cứu cha. Ngay sau đó ông đã nhìn thấy một chiếc thuyền cứu hộ của cảnh sát và điên cuồng vẫy tay, nhưng họ đã không thể nhìn thấy.
Trở lại hiện tại, người dân đã bắt đầu ra đường để hỗ trợ các nỗ lực dọn dẹp những con đường đầy rác và tro bụi. Nhiều người dân thu gom tro núi lửa để làm phân bón cho các đồn điền của họ, và cũng có người làm thành gờ giảm tốc trên đường khuyến khích mọi người lái chậm hơn để xe của họ không rải tro vào nhà dân.
Thứ sáu, ngày 21/1: ‘Tôi yêu bạn’
Khi nhiều nguồn điện hơn được khôi phục trên khắp đất nước và các liên kết vệ tinh được thiết lập, thêm nhiều hình ảnh và video xuất hiện, cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên và cả một quá trình hồi phục không dễ dàng ở phía trước.
Khoảng 20% người dân tại quốc đảo Tonga đang sống dưới mức nghèo khổ và GDP bình quân đầu người của quốc gia này chỉ ở mức trên 5.000 USD. Phần lớn nền kinh tế của đất nước dựa vào kiều hối từ những người Tonga ở nước ngoài gửi tiền về các hòn đảo.
Các gia đình cộng đồng người Tonga ở Úc, New Zealand và Mỹ đã gây quỹ cho các nỗ lực khôi phục trên hòn đảo và chuẩn bị cho việc xây dựng lại, dự kiến sẽ mất khá nhiều năm.
“Cảm ơn vì tất cả tình yêu từ mọi người”, Ana Tupou Panuve, một nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng Dự trữ Quốc gia Tonga đã viết trên mạng xã hội. “Quốc đảo Tonga đang phục hồi cùng rất nhiều sự quan tâm của thế giới. Ofa atu (Tôi yêu bạn)”.