Sinh thời, xuất thân từ binh nghiệp, với phong cách giản dị, một đời gắn bó, hi sinh vì sự nghiệp cách mạng thống nhất của non sông, sự phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Sự ra đi của nguyên Tổng Bí thư, Thượng tướng Lê Khả Phiêu để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với tất cả người dân xứ Thanh nói riêng và người dân cả nước nói chung.
Sáng nay (14/8), trời Thanh Hóa vẫn mưa nặng hạt. Bất chấp thời tiết, từng đoàn người từ khắp nơi đổ về khu Trung tâm Hội nghị 25B, đội mưa đứng nghiêm trang chờ đến lượt vào viếng Thượng tướng Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với người dân xứ Thanh, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu không chỉ là tấm gương sáng của sự giản dị, chân thành - người đã dành cả đời mình cống hiến cho sự thống nhất và phát triển của đất nước mà còn là niềm tự hào của mảnh đất địa linh, nhân kiệt.
Trong không khí trang nghiêm, nhiều người tóc đã bạc trắng ngồi lặng lẽ trông lên màn hình để theo dõi lễ truy điệu và chờ được đến lượt mình được vào dâng một nén hương lòng. Sau lớp khẩu trang nhiều người đã không kìm nén được tiếng nấc của mình.
Trong sự mất mát này, có lẽ những người dành nhiều tình cảm cho nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhiều nhất vẫn là những cựu binh già, cựu Thanh niên xung phong - những người đã gắn đời mình và đi qua 2 cuộc trường chinh thần thánh của dân tộc.
Hôm nay họ về đây không chỉ để tiễn đưa một người con ưu tú của xứ Thanh về nơi vĩnh hằng mà còn là tình cảm chân thành của những người lính dành cho thủ trưởng, người chỉ huy chí thiết từng cùng vào sinh ra tử một thời bão lửa.
Trong chiếc rạp tạm được Ban tang lễ căng phía ngoài sảnh, người cựu binh già Nguyễn Ngọc Tân (73 tuổi), quê huyện Quảng Xương ngồi lặng lẽ hướng ánh mắt buồn rượi vào khu lễ đường.
Biết tin về lễ viếng, từ tinh mơ ông đã thức dậy, bộ quân phục bạc màu được ông lấy từ trong tủ ra, là phẳng phiu từ tối hôm trước. Các huy chương, huy hiệu được con trai ông trang trọng gắn lên ngực áo.
Sang năm nay, ông đã yếu đi nhiều nhưng trước tình cảm của người lính già, gia đình đã không dám ngăn ông đến để viếng người thủ trưởng. Tất thảy mọi người trong nhà đều hiểu, trong ông, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn chiếm một vị trí, tình cảm lớn vì nguyên Tổng Bí thư còn là người lính, người anh trong quân ngũ.
“Vậy là lứa những người con ưu tú, những người lính thời đại Hồ Chí Minh đã lần lượt hoà vào hồn thiêng sông núi cả rồi! Đau lắm nhưng đó là quy luật! Cầu mong nơi cao xanh, anh ấy lại được gặp Bác Hồ, bác Giáp và những người cùng thế hệ đã khuất. Họ lại sẽ cùng nhau độ trì cho non sông này mãi trường tồn với thời gian!”, ông Tân nghẹn ngào.
Với người đồng hương Bùi Ngọc Sạn (78 tuổi), trú tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, hình ảnh nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lại luôn gắn với sự giản dị, tận tụy với xứ Thanh, đất nước qua mỗi lần về thăm quê và qua các phương tiện thông tin đại chúng. Trong niềm tiếc thương vô hạn của ông còn có cả sự tự hào về người con ưu tú của đất Đông Khê.
“Những ngày này, người dân trong xã, trong nhà ai cũng lập một bàn thờ, thắp lên đó những nén tâm nhang để bái vọng, tiễn biệt bác Phiêu. Với chúng tôi, bác Phiêu là niềm tự hào lớn. Thượng tướng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một trong những người con ưu tú tiêu biểu của quê hương Thanh Hóa. Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa mãi mãi tự hào về nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, của Nhân dân. Vị tướng tài ba, có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả, giải phóng Nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi thảm họa diệt vong. Mất mát này là vô cùng…”, ông Sạn nghẹn ngào sau lớp khẩu trang.
Gần 90 năm tuổi đời, hơn 70 năm tuổi Đảng, gần 50 năm công tác trong quân đội, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó nhiều trọng trách. Trải qua các vị trí từ người cán bộ chính trị dạn dày trận mạc ở cấp binh đoàn, trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh và giữ các trọng trách cao trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, được phong quân hàm Thượng tướng vào tháng 7/1992, sau đó được bầu giữ trọng trách cao nhất của Đảng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trên bất kỳ cương vị công tác nào, ông cũng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân, giữ vững khí tiết, phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản, bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, dù bận nhiều công việc của Đảng, Nhà nước, quân đội, nhưng ông luôn gần gũi, chân tình, luôn dành tình cảm, sự quan tâm sâu sắc đối với Thanh Hóa, dõi theo từng bước phát triển của quê hương. Tấm lòng, sự quan tâm của ông với quê hương được thể hiện bằng tình cảm đặc biệt, mong muốn lớn lao vì sự phát triển của quê hương nói riêng và quốc gia, dân tộc nói chung.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã hóa thành mây trời, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng nhân dân cả nước và quê hương Thanh Hóa, cho đồng chí, đồng đội. Ông đã để lại tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Bầu nhiệt huyết và trái tim cộng sản của Thượng tướng luôn sống mãi trong trái tim của các thế hệ cán bộ, đảng viên và người dân Thanh Hóa. Những đóng góp của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho Đảng, cho đất nước, cho quân đội vẫn sẽ mãi là mạch nguồn, tài sản quý báu đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.