Nhất thể hóa các chức danh công vụ đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm bởi thực hiện tốt việc này sẽ giúp tinh giản bộ máy, giảm sự chồng chéo, lãng phí thời gian và đặc biệt là giảm gánh nặng ngân sách chi trả cho khu vực làm công ăn lương. Ngân sách đang phải gồng mình chi trả cho một bộ máy hành chính được đánh giá là cồng kềnh, luôn phải đặt trong mục tiêu cải cách và tinh giản để gọn nhẹ và hiệu quả hơn.
Các đại biểu tại kỳ họp Quốc hội. (Ảnh minh họa).
Tại kỳ họp Quốc hội giữa năm 2015, nhiều đại biểu đã chất vấn Chính phủ liên quan đến con số 30% công chức trong bộ máy nhà nước không làm tròn trách nhiệm, vốn từng được gọi với cái tên “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.
Con số 30% công chức “có cũng được mà không có cũng được”, đặt lãnh đạo nhiều địa phương trước nhu cầu bức bách về tinh giản bộ máy, giảm tối đa chức danh công vụ chồng chéo, không hiệu quả. Quảng Ninh và Quảng Bình là 2 tỉnh đang thực hiện nhất thể hóa (NTH) chức danh Đảng, chính quyền căn cứ trên thực tiễn tồn tại nhiều năm ở địa phương.
Trong tham luận mang tiêu đề “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở từ thực tiễn của Quảng Ninh” tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (diễn ra từ ngày 20 đến 28/1/2016), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng đề cập đến thực tế khiến lãnh đạo địa phương phải trăn trở, đó là bộ máy cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ trồng chéo. “Có chức năng được giao cho nhiều cơ quan đơn vị cùng thực hiện nhưng không quy trách nhiệm giải quyết đến cùng. Quyền, thẩm quyền không gắn với nghĩa vụ và chế độ trách nhiệm. Cùng một ngành nhưng vừa có phòng chuyên môn, vừa có chi cục quản lý cùng tên, cùng chức năng; trên cùng địa bàn có nhiều đơn vị thực hiện một nhiệm vụ. Giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị có nhiều chức năng, nhiệm vụ tương đồng có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau nhưng thiếu tính thống nhất làm nảy sinh tình trạng buông lỏng, bỏ sót hoặc phát sinh khâu trung gian (tổ chức của cấp ủy - nội vụ của chính quyền; kiểm tra giám sát của Đảng với thanh tra Chính phủ...). Bộ máy nội sinh phục vụ chính mình chiếm tỉ lệ cao (từ 20-35%) trong tổng biên chế. Các đơn vị sự nghiệp quy mô nhỏ, hiệu quả chưa cao, tính tự chủ thấp. Tổ chức hội nhiều (có 994 hội ở cả 3 cấp) nhưng hoạt động chưa mạnh, chưa thể hiện được rõ vị thế, vai trò; tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, việc NTH chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND ở cấp huyện đã được địa phương này thực hiện từ cách đây 20 năm ở huyện đảo Cô Tô. Năm 2015, NTH mở rộng ra toàn tỉnh với gần 50% số xã và các thôn, khu (Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng khu, Trưởng thôn hoặc Trưởng ban Công tác mặt trận). Việc NTH các chức danh đã mang lại hiệu quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, tạo được sự đoàn kết thống nhất. Tiên Yên là huyện đầu tiên của Quảng Ninh triển khai NTH đồng bộ và tương đối toàn diện.
Lãnh đạo địa phương thừa nhận không có sự chồng chéo hay lấn sân giữa vai trò của Đảng với vai trò của chính quyền, trong khi công việc được giải quyết nhanh hơn, sát thực tế hơn. Tổng kết từ thực tiễn, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho rằng NTH các chức danh giúp công chức rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành, nâng cao trình độ, năng lực, khả năng tư duy toàn diện và tính quyết đoán, chịu trách nhiệm trước tập thể...
Khẳng định tính đúng đắn của NTH, ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cho rằng cần có đề án thực hiện NTH một số chức danh của Đảng với Nhà nước, vốn có vị trí, chức năng nhiệm vụ khá tương đồng với nhau. Vừa giảm được biên chế, vừa xây dựng được bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn. Quảng Bình đang thí điểm NTH với mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cấp xã và sẽ đúc kết kinh nghiệm để áp dụng mô hình này ở cấp huyện, sở - ngành. Bí thư nếu kiêm thêm chức Chủ tịch UBND thì sẽ giải quyết kịp thời công việc hơn, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống nhanh hơn, hiệu quả hơn- ông Hoàng Đăng Quang khẳng định
NTH các chức danh công vụ, nhìn từ thực tiễn cũng là phép thử về mối quan hệ của từng cá nhân công chức với cộng đồng. Mối quan hệ này càng sâu sắc hơn ở người làm công ăn lương từ tiền thuế của dân. Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội- khi đề cập đến vai trò phục vụ của công chức (chức danh công vụ) với cộng đồng trên phương tiện thông tin đại chúng đã cho rằng: Ở nước ngoài, công chức được gọi là Civil servant (người phục vụ dân sự). Trong khi ở Việt Nam, công chức vẫn được xem như người có quyền lực. Thay vì lựa chọn thái độ phục vụ nhân dân, nhiều công chức lại coi mình là người có quyền ban phát. Nhiều nước có những bộ quy chế, quy tắc về hành vi ứng xử của công chức rất nghiêm khắc. Qua đó, công chức ý thức rất rõ đồng lương mà họ hưởng được lấy từ thuế của dân nên phải làm cho tốt, cho tròn bổn phận khiến dân hài lòng.
Những quy định về hành vi ứng xử của công chức ở Việt Nam chỉ mới được đề cập đến trong giai đoạn gần đây. “Báo chí đã nói nhiều đến chuyện chạy vào biên chế, chạy chức, chạy quyền để được hưởng đặc quyền. Theo truyền thống của chúng ta, công chức là những ông quan. Tư tưởng này xuyên suốt trong lịch sử Việt Nam mà nếu không thay đổi tận gốc thì rất khó” -Tiến sỹ Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.
Ngân sách đang phải gồng mình chi trả cho một bộ máy hành chính nhà nước được đánh giá công khai là cồng kềnh, nhiều nơi, chiều chỗ hiệu lực hiệu quả không cao; còn tình trạng chồng chéo chức năng dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm... NTH chức danh công vụ hy vọng sẽ như luồng gió mới, một trong những giải pháp để tinh giảm bộ máy, giảm chồng chéo, lãng phí nguồn lực xã hội góp phần phần xây dựng một nền hành chính tinh gọn, hiệu quả, phục vụ nhân dân được tốt hơn.