Một cô gái người Anh đã mất mạng sau khi thử trò chơi cảm giác mạnh. Cô là Bungee Jumping, đã nhảy Bungee trên một cây cầu cổ tại Tây Ban Nha hồi tháng 7 vừa qua. Đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp bị thương hoặc tử nạn vì môn thể thao mà chỉ cần tính toán sai lệch một li cũng có thể khiến bạn rơi vào tay tử thần… thay vì hòa mình vào cảm giác tự do bất tận.
Nhiều người lầm tưởng tìm được cảm giác tự do hoàn toàn
từ trò mạo hiểm nhảy Bungee.
Nhảy bungee- hay một số nơi viết là bungy- được coi là môn thể thao mà trong đó người chơi phải nhảy tự do từ một nơi có độ cao trong khi được buộc một sợi dây có tính đàn hồi cỡ lớn quanh người. Nơi nhảy thường là nơi có thể buộc dây vào một chỗ cố định, như một tòa nhà, một cây cầu hoặc một cần trục. Người chơi không thể nhảy bungee từ những nơi không cố định, như một khinh khí cầu hay trực thăng.
Cái thú của trò chơi cảm giác mạnh này chính là nhấm nháp cái cảm giác được rơi tự do từ trên cao và sau đó bị giật ngược lại lên trên nhờ độ đàn hồi của dây an toàn. Khi một người thực hiện một cú nhảy bungee, sợi dây buộc họ căng ra đến giới hạn và người chơi sẽ lại được giật ngược lên không trung khi sợi dây co lại; và cứ thế tiếp tục nhảy nhiều lần cho đến khi động lực từ cú nhảy bị triệt tiêu hoàn toàn.
Khởi nguồn từ một truyền thuyết
Nhảy bungee bắt nguồn từ việc một nhóm thổ dân trên quần đảo Vanutatu, thuộc Thái Bình Dương, tự thả mình từ trên cao xuống trong khi quanh người chỉ được buộc một vài loại dây leo. Tục lệ “thả mình” này có khởi nguồn từ hàng trăm, có khi hàng nghìn năm trước.
Người dân trên đảo Pentecost thường kháo nhau về một truyền thuyết, rằng từng có một người phụ nữ trên đảo do luôn bị chồng đánh đập nên đã phải bỏ chạy khỏi nhà. Mỗi lần chạy trốn, người phụ nữ nọ đều bị bắt lại và lại chịu những trận đòn thập tử nhất sinh. Cuối cùng, cô đã tìm đến cái chết bằng cách nhảy từ một cây cao, trong khi người chồng vẫn đuổi theo sau.
Khi đứng trên ngọn cây, cô đã thách thức người chồng nhảy cùng và cười nhạo về sự hèn nhát của anh này. Người phụ nữ thông minh bí mật buộc một đoạn dây leo vào chân mình và nhảy cùng chồng. Trong khi người chồng tàn bạo chết vì cú ngã thì người vợ đáng thương lại an toàn do được dây leo giữ lại.
Kể từ đó, tục “thả mình” được người dân trên đảo tổ chức thường niên, và chủ yếu là dành cho phụ nữ, sau đó thu hút nhiều đàn ông tham gia nhằm chứng tỏ lòng dũng cảm của mình đối với những người phụ nữ. Và đến sau này thì trò mạo hiểm này chủ yếu là dành cho đàn ông, và người dân trên đảo bỏ ra khoảng 10 ngày trước kỳ lễ hội để xây dựng tòa tháp cao thực hiện nghi thức nhảy.
Trong khoảng những năm 1970, nghi lễ đặc biệt trên đảo Pentecost đã đến tai CLB Thể thao Mạo hiểm của Đại học Oxford (Anh) và những thành viên của CLB này đã thử nghiệm vài cú nhảy để làm phim tư liệu. Một người tên AJ Hackett sau đó bắt gặp đoạn phim này và có ý tưởng tạo ra một môn thể thao mạo hiểm. Hackett sau đó phối hợp với bạn mình là vận động viên trượt tuyết Henry van Asch để cùng phát triển môn nhảy bungee trở thành môn thể thao hiện đại như ngày nay.
Loại dây được sử dụng làm dây an toàn trong nhảy bungee.
Cần gì để chơi Bungee?
Thứ duy nhất và cũng là quan trọng nhất níu kéo sinh mạng của người chơi nhảy bungee chính là sợi dây buộc ở chân họ. Loại dây này từ xưa đến nay vẫn là loại dây cao su có tính đàn hồi cao, đến nay vẫn được các nhà tổ chức tin dùng, loại dây này được công ty thể thao chuyên dụng sản xuất và được bện rất chắc chắn, có khả năng chống sốc.
Sợi dây bungee gồm rất nhiều lớp sợi latec được bao chặt bởi một lớp vỏ cứng bên ngoài. Lớp vỏ cứng này được áp dụng trong trường hợp lớp sợi latec đã được kéo dãn từ trước, nhằm tăng độ nảy cho những cú nhảy bungee. Lớp vỏ bọc dây bên ngoài cũng giúp cho độ chịu lực của dây bền hơn. Một số nhà tổ chức khác, trong đó có cả AJ Hackett và các nhà tổ chức ở Nam bán cầu, thì lại ưa chuộng loại dây không có lớp bọc để tạo cảm giác uyển chuyển và những cú nảy lâu hơn cho người chơi bungee.
Một trong hai loại chính của dây bungee là loại dây có vỏ bọc. Nó là phiên bản lớn hơn của loại dây truyền thống và có nhiều móc câu, giống như loại dây cao su mà chúng ta hay sử dụng để buộc hành lý lên xe. Loại dây này gồm một vỏ bọc bằng nylon hoặc cotton, phần lõi là dây cao su. Nó có thể giãn ra đến 2,1 lần so với độ dài ban đầu, tùy thuộc vào trọng lượng người nhảy.
Loại còn lại là loại dây thuần cao su, cấu thành từ hơn 1.000 dây cao su riêng lẻ để bện thành một sợi duy nhất. Loại dây này có thể dãn ra tối đa khoảng gấp 2 lần so với loại dây có vỏ bọc, và chủ yếu được sử dụng trong các trường hợp mà người chơi muốn giảm độ sốc khi thực hiện cú nhảy.
Dây bungee cũng có nhiều kiểu buộc. Kiểu buộc truyền thống chính là buộc xung quang mắt cá chân của người chơi, nhưng lại rủi ro hơn đặc biệt sau nhiều trường hợp dây bị tuột ra khỏi chân gây nên những tai nạn thương tâm. Kể từ đó, các nhà tổ chức bắt đầu sử dụng thêm một bộ áo bảo hộ để buộc dây bungee cho người chơi, nhưng chủ yếu dành cho những người mới chơi nhằm mục đích hỗ trợ cho phần dây chính buộc ở chân. Bộ áo bảo hộ này gần giống như áo bảo hộ của dân leo núi.
Cơn khát độ cao
Kể từ khi trở thành một môn thể thao mạo hiểm hiện đại, rất nhiều các kỉ lục đã được lập và bị phá vỡ bởi những người chơi bungee trên toàn thế giới. Người đầu tiên lập kỉ lục thế giới về nhảy bungee ở nơi cao nhất là AJ Hackett từ tháp Macau ở Trung Quốc với độ cao 233m. Tuy nhiên, nó không được thế giới công nhận do cú nhảy này không hoàn toàn đúng nghĩa là nhảy bungee. Hackett thay vì sử dụng dây bungee, đã dùng loại dây thép và trên người được lắp một hệ thống giảm tốc vì lý do an toàn.
Guiness chỉ ghi nhận các cú nhảy từ một địa điểm cố định nhằm bảo đảm độ chính xác của việc đo lường độ cao kỷ lục. Thế nhưng, trong năm 1989, John Kockleman đã thực hiện một cú nhảy từ một khí cầu ở độ cao 670m. Năm 1991, Andrew Salisbury nhảy từ một chiếc trực thăng ở độ cao 2.700m.
Một địa điểm nhảy thách thức nhất đối với giới bungee truyền thống, chứ không phải nhảy từ trực thăng hay khí cầu - đến nay vẫn thuộc về cây cầu Royal Gorge, bang Colorado, nước Mỹ. Cây cầu có độ cao 321m và giữ danh hiệu cây cầu cao nhất thế giới.
Những tai nạn thảm khốc từ bungee
Tuy nhiên, cái danh trò chơi nguy hiểm bậc nhất thế giới đã đem lại không ít tai nạn thảm khốc. Trong lịch sử đã từng xảy ra vô số tai nạn từ nhảy bungee, mà đa số đều kết thúc bằng cái chết thảm khốc. Chỉ tính riêng trong năm 2015 đã có nhiều tai nạn thảm khốc liên quan đến trò chơi nguy hiểm bậc nhất này.
Hôm 20-5, một du khách người Kuwait gặp sự cố, khi dây đai ở cổ chân bị vỡ trong lúc nhảy bungee và ngã nhào xuống đất từ độ cao 61m. Du khách xấu số có tên Abdullah Adel Kadhmbadman thực hiện cú nhảy bungee từ đỉnh cần cẩu bên trên một hồ nước. Đây là nơi nhảy bungee cao nhất ở đảo du lịch Phuket, Thái Lan.
Một vụ tai nạn tương tự cũng xảy ra trong tháng 6 vừa qua, khi một đôi tình nhân trẻ ở Pháp nhảy bungee từ một cần trục ở Audincthun, gần St Omer, thuộc vùng Pas de Calais, miền bắc nước Pháp. Tai nạn do dây buộc khi nhảy từ độ cao 65m khiến cô gái trẻ 28 tuổi thiệt mạng, trong khi bạn trai cô bị thương nặng.
Mới đây nhất, ngày 21/7, cô sinh viên người Anh Kleyo De Abreau đã thiệt mạng trong một cú nhảy bungee trên cầu Tablate gần Grenada, Tây Ban Nha. Nguyên nhân được cho là dây an toàn quá dài, khiến cô bị va đập vào tảng đá phía dưới và chết ngay tức khắc.
Chính vì những tai nạn thảm khốc mà môn nhảy bungee có thể gây nên, những người tham gia môn thể thao này đã đề ra một số nguyên tắc mà người nhảy bungee cần phải thực hiện để tự bảo vệ mạng sống của mình: Luôn kiểm tra kỹ trang thiết bị trước khi nhảy, tính toán chính xác độ dài của dây và không bao giờ dùng đồ cũ.