Hàng ngày siêu thị vẫn nhẹ nhàng móc túi người tiêu dùng nhưng nhiều người không biết. Trong khi đó, cách “cân điêu” tại chợ truyền thống thì vẫn diễn ra phổ biến. Đã thế lại còn chuyện hàng đóng gói thiếu cân...
Nhiều siêu thị tự ý làm tròn số tiền phải trả của khách hàng.
Siêu thị làm tròn số
Một khách hàng chìa ngay tờ hóa đơn bán lẻ khi mua tại siêu thị Đức Thành trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) nói: Thịt ba chỉ 32.340 đồng, thịt nạc xay 21.210 đồng, bánh baget ngắn 3000 đồng. Tổng tiền phải trả: 56.550 đồng. Khi chị đưa 60.000 thì số tiền được trả lại 3000. Trong khi đó hóa đơn thanh toán vẫn ghi: tiền còn dư 3450 đồng. Như vậy siêu thị đã nhẹ nhàng móc túi 450 đồng. Nhưng chính vị khách này cũng cho rằng, vì chỉ có 450 đồng nên không chú ý, và đây cũng không phải là lần đầu siêu thị làm tròn số.
Trước đó nữa, vị khách này kể, đi mua hành hay mua rau gia vị cũng thường xuyên phải trả 3000 đồng, hay 2000 đồng khi mà hóa đơn chỉ ghi 2.800 đồng, hoặc 1.600 đồng.
Nhiều khách hàng khác cũng cho rằng, ít khi đi siêu thị được mua tròn số tiền. Do vậy cứ khoảng số tiền dưới 1000 đồng ít khi được siêu thị phụ lại tiền thừa.
Một khách hàng lẻ khác đến mua đồ ở siêu thị Fivimart cũng nói, mỗi lần đi mua hàng, chị chỉ chú ý tổng tiền trên hóa đơn và trả, phần lẻ cũng không mấy quan tâm. Chẳng hạn chị mua hộp sữa đậu nành có giá niêm yết 20.400 đồng, khi chị đưa 21.000 đồng thì được nhân viên trả lại tiền thừa 500 đồng. Vị khách hàng này 100 đồng cũng không thể làm khó siêu thị.
Như vậy, với cách siêu thị đang trả tiền thừa cho khách hàng theo cách “ăn bớt” cho thấy, trung bình mỗi ngày siêu thị đón hàng nghìn lượt khách, nếu làm phép nhân, hệ thống siêu thu được khoản tiền không nhỏ.
Việc đi siêu thị mà thường được siêu thị trả thêm 1 chiếc kẹo thay vì 500 đồng là điều rất phổ biến. Hiện nay, nhiều hệ thống siêu thị lấy lí do không có tiền lẻ, nên trả lại tiền thừa cho khách hàng bằng vài ba cái kẹo thay vì trả lại 200 đồng, 500 đồng.
Chợ truyền thống làm tròn cân
Nếu như khách hàng đang bị móc túi tiền lẻ khi đi siêu thị thì ra chợ truyền thống lại đối diện chiêu móc túi khác là “cân điêu”.
Chị Nguyễn Huyền Thương (phố Chùa Láng) nói, đi chợ ít khi được cân đúng. Đặc biệt là mua thực phẩm ở các gánh hàng rong. Chị Thương kể, trả tiền 20.000 đồng/kg cà chua, thấy chủ hàng cân có 8 quả tôi chạy sang hàng bán thịt cân lại thì chỉ được 9 lạng cà chua.
Tại các chợ truyền thống, giá một mặt hàng hoa quả, hay rau xanh củ quả rất phong phú. Chỉ nói riêng mặt hàng cà chua, có sạp bán 20.000 đồng, có người bán 18.000 đồng thậm chí mặc cả 15.000 đồng cũng bán. Nhưng mỗi giá là một cách cân khác nhau.
Tình trạng cân điêu cũng đang diễn ra phổ biến ở các chợ truyền thống, chợ cóc, và chợ lẻ. Đáng nói là người mua không có cách gì bắt bẻ được, vì có ai đi chợ lại “thủ” sẵn một cái cân bên mình để cân lại đâu.
Nhìn chung, kiểu “gian lận thương mại” này là khá phổ biến, người mua biết nhưng đành chịu, còn người bán cứ thản nhiên “cân điêu”.
Hàng đóng gói thiếu cân
Một số khách hàng thời bận rộn đã chọn phương pháp mua hàng đóng gói sẵn, nhưng dường như cũng không phải tối ưu.
Thanh tra Bộ KH-CN cho biết, trong đợt thanh tra chuyên ngành năm 2015, thanh tra 2.867 cơ sở thì có 556 đơn vị vi phạm, chiếm tỷ lệ 19,5%. Vi phạm về đo lường chiếm tỷ lệ lớn với 364 lượt vi phạm, chiếm 51% số lượt hành vi vi phạm. Cụ thể, hành vi không ghi lượng hàng đóng gói sẵn, không ghi, ghi không đúng đơn vị đo pháp định là 42 lượt, chiếm 6% số lượt hành vi vi phạm.
Ngoài ra, thanh tra Bộ KH-CN còn phát hiện một tỷ lệ không nhỏ hàng hóa vi phạm về quy định nhãn hàng hóa, chất lượng hàng đóng gói sẵn không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; không công bố tiêu chuẩn áp dụng và các hành vi liên quan đến sở hữu trí tuệ, mã số mã vạch... Đáng chú ý, có sản phẩm lại đóng gói thừa so với trọng lượng ghi trên nhãn mác, chứng tỏ sự tùy tiện của nhà sản xuất.
Theo thanh tra Bộ KH-CN, gian lận đo lường đối với hàng đóng gói sẵn diễn ra phổ biến ở hầu khắp các nhóm hàng được đóng bao gói sẵn. Trong đó, các nhóm hàng có tỷ lệ vi phạm cao nhất qua đợt thanh tra thực tế là: Rượu, bia nước giải khát, nước uống (25%); Nông sản, sản phẩm từ nông sản (24%); Phân bón (23%); Sơn, bột bả tường (21%); Bánh, mứt, kẹo, đường (20%); Xi măng (20%); Khí đốt hóa lỏng LPG (20%); Thuốc bảo vệ thực vật (19%)...
Điều này đồng nghĩa với việc trung bình cứ 4-5 sản phẩm được thanh tra thì có 1 sản phẩm bị đong thiếu. Tỷ lệ này khá lớn và người tiêu dùng bị móc túi quá nhiều.
Đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết, cơ quan này có nhận được đơn khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến vi phạm về đo lường. Tuy nhiên, những khiếu nại này vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ.
“Người tiêu dùng vẫn có tâm lý ngại khiếu nại, thay vào đó là tự mình tẩy chay hàng hóa gian lận đo lường mà không kiên quyết theo vấn đề đến cùng. Trong khi đó, đa số người tiêu dùng có niềm tin vào hàng đóng gói sẵn, ít kiểm tra lại nên quyền lợi bị xâm hại mà không biết. Để đảm bảo quyền lợi, người dân nên cẩn trọng kiểm tra hàng trước khi thanh toán và có thể nhờ các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng đòi quyền lợi”- vị đại diện cho hay.
Cũng theo vị đại diện này, nên công khai danh tính các doanh nghiệp, hàng hóa vi phạm để người tiêu dùng cảnh giác, đồng thời nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, ngăn chặn vi phạm tái diễn. Hiện nay, nhiều chợ dân sinh đã đặt cân đối chứng để người mua kiểm tra lại trọng lượng. Các siêu thị cũng có cân để người mua kiểm chứng. Vì vậy, bên cạnh việc quan tâm đến hạn sử dụng, thương hiệu, người tiêu dùng cũng cần kiểm tra trọng lượng hàng để tránh bị thiệt.