Đã được một năm kể từ khi Quốc hội Anh “bật đèn xanh” cho Lực lượng Không quân Hoàng gia (RAF) nước này tham gia không kích Iraq nhằm tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Đằng sau hàng vô số nhiệm vụ đó là những con số khiến người ta phải kinh ngạc.
Một chiếc UAV lớp Reaper của không quân Hoàng gia Anh
tham gia liên minh chống IS. (Nguồn: PA).
Anh sẵn sàng hợp tác Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Nga để chống lại phiến quân IS. Trả lời báo giới ngày 27/9, đại diện của Thủ tướng Anh nói: “Chúng tôi cho rằng IS là mối đe dọa nghiêm trọng đối với cả Nga lẫn châu Âu cũng như tất cả các nước trên toàn thế giới. Vì thế, chúng ta cần tìm ra cách thức hợp tác trong vấn đề này… Hiện Thủ tướng Cameron đang nghiên cứu khả năng tấn công IS”. |
Một lực lượng gồm 8 chiếc phi cơ chiến đấu lớp Tornado, đáp tại căn cứ Akrotiri của Anh ở Cyprus, cùng 10 chiếc phi cơ không người lái (UAV) lớp Reaper, tại một căn cứ không quân ở khu vực Trung Đông, tính đến nay đã thực hiện trên 1.300 nhiệm vụ tấn công nhằm vào IS, trong đó có trên 300 cuộc không kích.
Chi phí để thực hiện các cuộc tấn công bằng vũ khí có độ chuẩn xác cao là rất lớn, khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Có tổng cộng 93 tên lửa lớp Brimstone đã được khai hỏa – mỗi trái có giá trên 100.000 bảng Anh – 244 quả bom Paveway IV đã được thả - mỗi quả có giá trên 20.000 bảng Anh – cùng 212 tên lửa Hellfire – mỗi quả có giá khoảng 70.000 bảng Anh.
Với từng đó hỏa lực đã được bắn đi, Bộ Quốc phòng Anh ước tính rằng họ đã tiêu diệt được khoảng 330 tay súng của IS. Tuy nhiên, họ cũng buộc phải thừa nhận rằng con số này chưa chính xác bởi Anh không có bộ binh tham gia chiến dịch chống IS để có thể đánh giá về các chiến dịch tấn công.
Bộ Quốc phòng Anh cũng cho biết các chiến dịch của họ không hề gây thương vong cho thường dân. Và dù là một phần trong liên minh chống IS mà Mỹ dẫn đầu, nhưng dường như đóng góp của nước Anh đang bị chính nước Mỹ coi nhẹ. Thực tế cho thấy đóng góp của họ đứng thứ hai trong liên minh này, và không chỉ được tính toán bằng số lượng các cuộc không kích, mà còn bằng hiệu quả của chúng.
Đó là còn chưa kể RAF hiện đang thực hiện trên 30% các nhiệm vụ do thám tình báo của liên minh chống IS, không chỉ ở Iraq mà còn trên cả lãnh thổ Syria.
Do thám được xem là một trong những nhiệm vụ tốt nhất mà nước Anh sát vai cùng Mỹ đang thực hiện trong chiến dịch chống IS. Lớp máy bay do thám thường được RAF sử dụng là lớp Sentinel, dùng để thu thập tin tức tình báo về các hoạt động của phiến quân IS trên lãnh thổ Syria.
Chiếc Sentinel tuy có kích cỡ nhỏ nhưng lại được cải tiến bằng các bộ cảm ứng cùng radar mạnh mẽ, có thể kiểm soát được một khu vực rộng hàng nghìn mét vuông. Mỗi chiếc Sentinel bao gồm đội ngũ từ 3-5 thành viên phi hành đoàn chuyên trách về quan sát các chương trình theo dõi trên máy tính và phân tích thông tin.
Mỗi chiếc Sentinel đều đóng vai trò như một pháo đài kiểm soát một khu vực rộng lớn trên mặt đất. Một khi phát hiện ra bất cứ điều gì khả nghi, nó có thể xác định vị trí của mục tiêu, phân tích thông tin mục tiêu và đánh tín hiệu cho các máy bay tiêm kích hoặc UAV chiến đấu khác đến để thăm dò, hay tiêu diệt mục tiêu.
Những chiếc Sentinel thường hoạt động ở khu vực biên giới giữa Iraq và Syria để phát hiện các mục tiêu phiến quân IS. Và một trong những trọng tâm của nó là theo dõi hoạt động của các mỏ dầu khí mà IS đang chiếm đóng – một trong những nguồn thu lợi bất chính lớn nhất của tổ chức phiến quân này.
Mỗi khi phát hiện một đoàn xe tải chở dầu của IS, những chiếc Sentinel này sẽ định vị mục tiêu và bay theo sau chúng. Thường thì các đoàn xe này băng qua biên giới Iraq-Syria để tiếp nhiên liệu cho các căn cứ của IS nằm ở lãnh thổ của hai nước này.
Việc thực hiện những nhiệm vụ như vậy thường rất khó bởi Sentinel không thể tấn công các mục tiêu do lo ngại bắn trúng phải thường dân. IS đối phó với lực lượng không kích bằng cách luôn mang theo rất nhiều người dân trên các xe chở dầu để làm lá chắn sống cho chúng. Bên cạnh đó, tấn công vào các mỏ dầu cũng có thể gây nên ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường. Và đây chính là một trong số những vấn đề thách thức trong cuộc chiến chống IS từ trên không mà RAF phải đối mặt.
Hầu hết các phi công trên những chiếc Sentinel đều lắc đầu khi nói về nhiệm vụ ở Syria, nhưng đối với các nhiệm vụ ở Iraq thì lại dễ dàng hơn nhiều khi họ có thể trực tiếp tham gia vào các cuộc chiến. Tính đến nay, liên minh chống IS đã giành lại được ¼ số lãnh thổ mà tổ chức phiến quân này từng chiếm đóng ở Iraq.
RAF cho hay nếu tình hình vẫn tiến triển như ở Iraq thì có lẽ họ có thể sớm kết thúc cuộc chiến này. Nhưng đối với Syria thì câu trả lời là không thể. Ngoài ra, tình hình ở Syria ngày càng trở nên phức tạp hơn khi khả năng tấn công nhầm hoặc đụng độ với máy bay của chính phủ nước này cũng rất cao.
Hiện nay Chính phủ Anh đang mong muốn họ sẽ có khả năng nhiều hơn trong các chiến dịch không kích ở Syria nhằm tiêu diệt phiến quân IS. Điều này được lý giải là do các nhiệm vụ ở dọc biên giới Syria-Iraq thường chỉ để thu thập tin tức tình báo chứ không trực tiếp tiêu diệt được tổ chức phiến quân này. Thậm chí một số quan chức của RAF còn nói rằng, làm sao chúng ta có thể giải quyết cuộc khủng hoảng ở mặt đất khi còn đang ở trên không?