Bộ KH&CN vừa phê duyệt danh mục 6 đề tài KHCN cấp quốc gia đặt hàng để tuyển chọn thực hiện trong kế hoạch năm 2016. So với năm đầu tiên, năm 2015, số lượng nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia được đặt hàng các cá nhân, tổ chức thực hiện tăng gấp 2 lần.
Sạt lở ở biển Cửa Đại (Quảng Nam).
Cụ thể, các nhiệm vụ gồm: Nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên đất vùng đồng bằng sông Hồng và đề xuất các giải pháp chủ động ứng phó; Nghiên cứu tổng thể sông Trường Giang và vùng phụ cận phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam; Nghiên cứu đề xuất giải pháp kiểm soát xâm nhập mặn cho thành phố Đà Nẵng; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ trong sản xuất phân vi sinh vật dạng hạt và phân bón lá và nghiên cứu thiết kế, chế tạo khuôn mẫu cho một số chi tiết ôtô tải.
Trong số này, đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ trong sản xuất vi sinh vật dạng hạt và phân bón là đã được đưa ra tuyển chọn để đặt hàng năm 2015.
Với mục tiêu nâng cao năng lực, làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo khuôn mẫu dùng trong công nghiệp ôtô, Bộ KH&CN đặt ra yêu cầu cụ thể là tạo ra được quy trình tổng quát về thiết kế công nghệ (công nghệ tạo hình kim loại và công nghệ tạo hình chất dẻo), quy trình chế tạo khuôn mẫu phụ tùng ôtô. Phải chế tạo ra được quy trình công nghệ để chế tạo ra 3 bộ khuôn cho 3 chi tiết phụ tùng ôtô tải, gồm: Cùm treo trước ống xả, khung xương nệm ngồi ghế lái, mặt vô lăng. Các chi tiết phải có chất lượng tương đương, đủ điều kiện lắp lẫn với sản phẩm ôtô tải cùng loại nhập khẩu của chính hãng từ Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Bộ tài liệu thiết kế hệ thống thiết bị công nghệ đồng bộ sản xuất khuôn mẫu phụ tùng ô tô đáp ứng mục tiêu từng bước tham gia hệ thống cung ứng các linh kiện, phụ tùng trong chuỗi giá trị toàn cầu của công nghiệp ôtô thế giới. Bộ KH&CN kỳ vọng đề tài này được nghiệm thu sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và năng lực cạnh tranh của các nhà sản xuất ôtô Việt Nam.
Ngoài ra, một nhiệm vụ được Bộ KHCN giao trực tiếp cho Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam là nghiên cứu đánh giá độ nguy hiểm và phân vùng động đất lãnh thổ Việt Nam và vùng biển kế cận tỷ lệ 1:500.000.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, với cơ chế đặt hàng nghiên cứu này, Bộ KH&CN và các đơn vị có liên quan sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận kết quả của đề tài khi nghiên cứu thành công. Đồng thời sẽ có nguồn lực đầu tư để tiếp tục hoàn thiện, đưa vào đời sống, tránh tình trạng nghiên cứu xong “đắp chiếu” vì thiếu nhà đầu tư vốn là bài toán đau đầu với nhiều nhà khoa học hiện nay.
Từ ngày 15/2/2016, Thông tư liên tịch số 27 giữa Bộ KHCN và Bộ Tài chính sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, các nhà khoa học được tuyển chọn sẽ có cơ chế rất thông thoáng trong việc chi tiêu cho các nhiệm vụ khoa học. Tuy nhiên, nếu không nghiên cứu được sản phẩm như yêu cầu đặt hàng, nhà khoa học có thể phải hoàn tiền tới 100%.