Tinh hoa Việt

Nhiếp ảnh gia Hoài Vũ Bender: Quan điểm nghệ thuật làm nên sự khác biệt

Phi Hà 07/11/2024 16:36

Trong chương trình Hà Nội mở số 9 (do Art Culture Hanoi tổ chức) có tên Xa quen gần lạ (Far Yet Near, Strange Yet Dear) diễn ra mới đây tại Hà Nội, hai nhiếp ảnh gia Hoài Vũ-Bender và Nam Hoàng dẫn dắt người tham gia khám phá một Hà Nội vừa quen thuộc, vừa mới lạ thông qua ống kính nhiếp ảnh và trải nghiệm chụp ảnh những người lạ tình cờ gặp gỡ trên đường phố. Kết quả của workshop-tour, người tham gia sẽ có cơ hội được chọn lọc vào triển lãm tổng kết dự án Hà Nội Mở tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội diễn ra từ 9-17/11/2024.

Hoai Vu anh 2
Hoai Vu anh 2

Nhiếp ảnh gia Hoài Vũ Bender, người Việt hiện sống ở Đức, đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế về ảnh trẻ sơ sinh (newborn), ảnh bầu, ảnh gia đình và fine-art nghệ thuật. Cô cũng tham gia nhiều chương trình nghệ thuật tại Đức; và là đồng tổ chức các chương trình talkshow về ngành ảnh trẻ sơ sinh, mẹ bầu và gia đình Việt Nam và tổ chức, phiên dịch cho các workshop của nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế tại Việt Nam. Hoài Vũ-Bender còn tham gia các chương trình cộng đồng, kết nối Việt Nam và quốc tế như Live Music from Kids to Kids, do viện Goethe tài trợ tại Hà Nội 2022. “Xa quen gần lạ” cũng là tên dự án nhiếp ảnh cá nhân của Hoài Vũ-Bender, đang được cô thực hiện giữa Việt Nam và Đức để tìm kiếm cho mình những sáng tạo mới trong nhiếp ảnh nghệ thuật.

PV: Chị là một trong số những nghệ sĩ gốc Việt đầu tiên tham gia nghệ thuật chụp ảnh trẻ sơ sinh, bà bầu, fine-art và có những thành tựu. Nhưng nghề nghiệp ban đầu lựa chọn, lại không phải là nhiếp ảnh?

HOÀI VŨ-BENDER: Hồi tôi còn nhỏ, bố tôi có một cái máy ảnh phim. Tôi cũng nghịch ngợm với cái máy ảnh đó, bắt đầu những bức ảnh đầu tiên. Nhưng chỉ là những bức ảnh gia đình chụp vui khi đi du lịch, như nhiều đứa trẻ khác. Và bố, không phải nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, cũng giải thích một số điều cơ bản về ảnh. Hoàn toàn không có khái niệm mình sẽ theo nghề này hay như thế nào, vì tôi đi học rồi làm biên dịch viên chương trình tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam.Tôi cũng học một số khóa nhiếp ảnh cơ bản ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Nhưng sau đó cứ chụp theo bản năng, vui vậy thôi.

Sau này ở Đức, khi đã bắt đầu đi sâu vào nghề, tôi đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu, để học trên mạng và sau đó là học trực tiếp từ những nhiếp ảnh gia hàng đầu thế giới.

Ban đầu có thể bản năng. Nhưng muốn làm nghề thì bản năng không đủ, mình phải trau dồi về kỹ thuật. Mình phải có kỹ thuật để nắm bắt được tất cả những khoảnh khắc, để kể được câu chuyện của nhân vật. Ở một góc khác, kỹ thuật ai cũng có thể làm được, nếu người ta học và chịu khó khám phá. Còn quan điểm về nghệ thuật sẽ đem lại những phong cách khác nhau và nó thực sự làm nên sự khác biệt.

Hoai 7
Hoai 7

Có rất nhiều thể loại ảnh để theo đuổi, tại sao Hoài lại chọn ảnh gia đình, trẻ em và fine-art?

- Tôi nghĩ mỗi người chỉ có thể làm được một cách tốt nhất trong một lĩnh vực hẹp. Tôi không muốn mình trở thành một người có thể chụp được tất cả mọi thứ, nhưng đều làng nhàng. Theo tôi, mỗi một thể loại ảnh lại cần có sự đầu tư và thậm chí là có những năng khiếu riêng.

Thực ra ở Đức khi tôi bắt đầu chụp, cũng đã rất nhiều người hỏi “Tại sao em lại chọn ảnh gia đình?”. Ở thời điểm đó, những studio ở Đức hầu như người ta cũng chụp tất cả các đề tài, thể loại khác nhau. Lúc đó, đem lại lợi nhuận nhất cho tất cả các nhiếp ảnh gia là ảnh cưới. Người ta không đầu tư nhiều cho ảnh gia đình hay trẻ em.

Nhưng tôi chọn, thứ nhất vì ở thời điểm đó nó phù hợp với thời gian của mình - một người mẹ có con nhỏ. Thứ hai, thực ra cũng là một người mẹ, nên tôi nghĩ mình có những cảm xúc nhất định khi chụp những đứa trẻ, những gia đình. Chúng ta chỉ có thể xuất sắc một cái gì đó. Khi ngành đi càng hẹp, chúng ta sẽ càng có cơ hội để đầu tư nhiều hơn để học và đi sâu hơn, để có thể phát triển đến cao nhất có thể.

Thực tế càng ngày người ta càng quan tâm nhiều hơn đến ảnh gia đình. Mới khoảng những năm 2018-2019, khi chúng tôi trở về thăm Việt Nam, nhiếp ảnh gia Jenny Hạnh Nguyễn (ở Italia) và tôi bắt đầu hình thành group ảnh newborn, ảnh bầu và ảnh gia đình Việt Nam, cũng không có mấy bạn nhiếp ảnh ở Việt Nam quan tâm tới lĩnh vực này. Nhưng sau đó chúng tôi đã tạo nên một cộng đồng mỗi ngày một phát triển hơn, và bây giờ nó rất mạnh, thậm chí phát triển độc lập so với cộng đồng chụp ảnh cưới.

Tôi thấy rằng, ảnh gia đình là mãi mãi. Những cái album gia đình dày hơn mãi. Tôi có rất nhiều cảm xúc mỗi khi các gia đình quay trở lại với mình và mỗi một đứa con trong gia đình của họ cứ lớn dần lên. Mình trở thành người luôn luôn ghi dấu ấn cho những thay đổi và sự lớn lên của những gia đình đó.

Chị từng nói rằng, chị đến với ảnh nghệ thuật lúc đầu vì thích chụp cho các con của mình, rồi sau nữa, vì những cảm xúc mà việc chụp ảnh cho các nhân vật mang lại?

- Điều tôi cảm thấy vui thực sự, đấy là đem lại niềm vui lớn cho những người phụ nữ. Có những người đến chụp ảnh bầu, chỉ nghĩ rằng ghi lại dấu ấn vào thời điểm này để cho con mình được biết, nhưng tâm thế vẫn tự ti, xấu hổ, rằng “cơ thể của tôi không được đẹp, tôi lên cân lắm, da tôi xấu quá vv và vv”… Tôi đã phải khuyến khích họ, để họ thể hiện được sự tự hào từ sâu thẳm khi đang mang nặng một sinh linh, một mầm sống đáng yêu trong cơ thể mình. Họ bước vào studio của tôi với một tâm thế khác, nhưng khi họ bước ra lại trở thành một người hoàn toàn tự tin và thấy yêu bản thân họ hơn. Tôi vui, vì không chỉ là những bức ảnh, mà mình đem lại cho nhân vật một cảm xúc, một trải nghiệm rất đặc biệt…

Có thể thấy sự khác biệt trong những bức ảnh của chị: lũ trẻ rất tự nhiên bộc lộ vẻ đẹp của chúng.

- Đúng vậy. Tôi tôn trọng những cái gì tự nhiên thực sự. Đối với những bức ảnh trẻ em, tôi cảm thấy nó thực sự đẹp khi trẻ em được chạy nhảy, được nô đùa, được nở những nụ cười tươi tắn. Chính vì thế trong những bộ ảnh trẻ em, tôi thường khiến cho trẻ em cảm thấy vui vẻ, chơi với nó, thổi bong bóng với nó, hay nói là: chạy đi, chúng mình thi chạy không nào….Chúng cảm thấy đấy không phải là một buổi chụp ảnh, mà giống như một cuộc dạo chơi trong rừng cùng với nhau, mình đang chơi với cái cô này nhiều hơn là đang bị đứng trước một cái ống kính. Đứng trước ống kính của một người xa lạ chúng sẽ cảm thấy rất sợ hãi. Chính vì thế có những bí quyết nho nhỏ khi cùng chơi với nhau, xóa tan được tất cả những khoảng cách đó thì chắc chắn mình sẽ bắt được những khoảnh khắc và những nụ cười rất đẹp, rất tự nhiên.

Hiện tại, nhiều bạn Việt Nam hay thích ảnh đẹp lung linh giống như app. Nhưng tôi không muốn như vậy. Tôi luôn muốn bức ảnh phải thật nhất có thể.

Phải nói rằng chụp newborn hay fine-art phải đầu tư vào ánh sáng nội rất nhiều. Có gì khác biệt với chị khi chụp ảnh sắp đặt như vậy với ảnh chụp tự nhiên ngoài trời?

-Thực ra tôi luôn chụp song song những bức ảnh có sự sắp đặt và cả những bức ảnh rất tự nhiên. Ví dụ những ảnh gia đình hay ảnh trẻ em chụp ngoài trời: đang chơi, đang có những tương tác… để có được những cảm xúc tự nhiên.

Nhưng ảnh chụp trong studio thường có sự sắp đặt đôi chút. Nhất là đối với những ảnh fine art cổ điển, thiên về chân dung cổ điển, theo phong cách cổ điển của châu Âu, và đặc biệt là theo phong cách của Thời hoàng kim (thời Golden Age) của Hà Lan. Tôi là một fan của những bức tranh của các tác giả thời kì Golden Age Hà Lan, như Rembrandt, Van Gogh hay Johannes Vermeer… Trước đây tôi đã từng học ở Hà Lan. Những bức tranh ở các bảo tàng nghệ thuật Hà Lan đem đến cho tôi nguồn cảm hứng rất sâu sắc.

Nhìn những bức tranh đó, tôi nghĩ tại sao mình không chụp ảnh người hiện đại nhưng mang phong cách cổ điển như thế? Tôi đã phải nghiên cứu rất kỹ, từ màu sắc, đến cách sử dụng ánh sáng của những họa sĩ cổ điển đó. Ví dụ như khám phá với Rembrandt. Khi đi thăm căn phòng của Rembrandt tại Amsterdam, nơi ông ấy ngồi vẽ, giá vẽ đặt ở giữa phòng, ánh sáng cửa sổ hắt từ phía trái, trên cao xuống. Hầu hết tất cả những tác phẩm của Rembrandt đều được sáng tạo ở trong căn phòng này và đều sử dụng duy nhất nguồn ánh sáng đó. Chính vì vậy sau này người ta có một phong cách setting trong ánh sáng, gọi là ánh sáng Rembrandt. Tôi đã áp dụng thử ánh sáng này, để xem những con người hiện đại, trong ánh sáng cổ điển sẽ như thế nào. Ngoài ra tôi cũng học về màu sắc trong các tranh cổ điển của thời kì này, có những pallet màu ra sao, phối hợp với nhau, bố cục như thế nào… Tôi nghĩ là bất kỳ một chi tiết nhỏ nào xuất hiện trong bức ảnh của mình đều phải có chủ đích. Tôi rất hài lòng khi mình đã tạo được một không khí cổ điển với những nhân vật hiện đại, có sự kết hợp rất thú vị.

Xin cảm ơn chị!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiếp ảnh gia Hoài Vũ Bender: Quan điểm nghệ thuật làm nên sự khác biệt