Ông Nguyễn Hải Nam - Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, thời gian qua Sở Y tế TPHCM đã chủ động nắm bắt thông tin về các bệnh viện, phòng khám, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ và người hành nghề có dấu hiệu vi phạm để tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý.
77 quyết định xử phạt
Các kênh thông tin bao gồm: hoạt động đánh giá chất lượng bệnh viện, phòng khám, các đợt thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, theo chuyên đề, kiểm tra đột xuất; công tác tiếp dân, đơn thư, phản ánh của báo chí và người dân.
5 tháng đầu năm, Thanh tra Sở Y tế kiểm tra 67 cơ sở, ra 77 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt gần 4,5 tỷ đồng. Tước giấy phép hoạt động có thời hạn đối với 2 cơ sở, tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn đối với 5 cá nhân. Đình chỉ hoạt động 33 cơ sở, buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo đối với 17 cơ sở. Các lỗi vi phạm chủ yếu bao gồm: khám chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh. Cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu. Thậm chí, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động...
3 ngày kiểm tra đột xuất mới đây, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã ra quyết định tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn với hàng loạt bác sĩ tại các phòng khám tư trên địa bàn. Các bác sĩ bị “điểm tên” gồm: Phạm Thị Thanh Thủy (Phòng khám đa khoa Hoàn Cầu, quận 5); Trương Quang Thái, Ngô Quang Huy, Phạm Anh Tuấn (Phòng khám đa khoa Nam Việt, quận 10); Chung Quang Huy và Phạm Trung Hòa (Phòng khám đa khoa Đại Việt, quận 11). Các bác sĩ trên đều có hành vi lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án theo mẫu quy định của Bộ Y tế. Ngoài bị tước chứng chỉ hành nghề 2 tháng, cơ quan chức năng còn phạt mỗi bác sĩ 2 triệu đồng.
Riêng đối với Phòng khám đa khoa Đại Việt với hành vi không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật về sổ khám bệnh, nên bị xử phạt 4 triệu đồng. Phòng khám đa khoa Văn Kiệt do niêm yết giá khám chữa bệnh không đầy đủ, không đăng ký người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định, bị phạt 12 triệu đồng. Ngoài ra, phòng khám này bị tước giấy phép hoạt động 3 tháng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 2 tháng với người chịu trách nhiệm chuyên môn.
Xử phạt nghiêm là cần thiết
Chia sẻ về sai phạm mà một số bác sĩ mắc phải, bác sĩ Nguyễn Duy Thế - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện 175 TPHCM cho rằng, hồ sơ bệnh án một bệnh nhân là tài liệu cực kì quan trọng trong quy trình khám chữa bệnh, được Bộ Y tế quy định nghiêm ngặt. Trong đó, phải cập nhật đầy đủ, từ bệnh sử, tiền sử, những triệu chứng khi bệnh nhân nhập viện, cũng như tất cả các phương án đã điều trị, các kết quả xét nghiệm, hội chẩn, kỹ thuật áp dụng… Chính vì vậy mà hồ sơ bệnh án như một cuốn sổ nhật ký y tế và mang tính pháp lý. Khi có vấn đề gì xảy ra liên quan tới bệnh nhân, cơ quan pháp luật căn cứ vào đó để xử lý, giải quyết. Do vậy việc xử phạt nghiêm là rất cần thiết.
Cũng theo bác sĩ Thế, nghề Y liên quan tới tính mạng con người, bất kỳ sai phạm nào về mặt pháp lý đã quy định thì hình thức xử lý chỉ có là đúng hay sai. Việc phạt này là cần thiết vì liên quan trực tiếp tới tính mạng người bệnh. Giới chuyên môn chỉ rõ, sau thời gian bị ngừng hành nghề, rất cần xem xét có đủ tiêu chuẩn cho phép hành nghề lại hay không. Hoạt động của cơ sở y tế có bác sĩ bị tước chứng chỉ hành nghề phải được giám sát để tránh sai phạm.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM cho biết: Hành vi lập hồ sơ bệnh án không đầy đủ là hành vi vi phạm điểm a Khoản 1 Điều 40 Nghị định 117/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng và có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 1 tháng đến 3 tháng”. Mặc dù thời gian tước chứng chỉ hành nghề chỉ tối đa là 3 tháng nhưng nếu trong khoảng thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề mà các bác sĩ này lại tiếp tục thực hiện khám bệnh, chữa bệnh thì sẽ bị xem xét xử phạt theo điểm b Khoản 7 Điều 38 Nghị định 117. Những cá nhân này sẽ bị phạt tiền với mức phạt cao hơn là từ 30 triệu đến 40 triệu đồng, đồng thời gia tăng thời hạn tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề lên mức 22 tháng đến 24 tháng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.
Cơ sở khám chữa bệnh sử dụng người hành nghề đang trong thời hạn bị thu hồi chứng chỉ hành nghề cũng sẽ bị xem xét xử phạt theo điểm a Khoản 4 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Mức phạt tiền đối với cá nhân là từ 20 triệu đến 30 triệu đồng, mức phạt tiền của tổ chức vi phạm bằng 2 lần mức quy định. Chủ thể vi phạm cũng sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ 2 tháng đến 4 tháng.