Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế trong trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý dự án đầu tư công trình tại một số gói thầu cao tốc Bắc - Nam.
Từ ngày 6/6/2022 đến ngày 30/7/2022, Đoàn Kiểm toán nhà nước thuộc Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành IV đã thực hiện cuộc kiểm toán Hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Dự án 1); Đoạn Nha Trang - Cam Lâm (Dự án 2); Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Dự án 3) thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Kết quả kiểm toán đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý dự án đầu tư công trình, một số vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, các vấn đề phát sinh khi triển khai thực hiện dự án.
Cụ thể, theo KTNN, các dự án được đầu tư theo hình thức khác nhau: Dự án 1 đầu tư theo hình thức đầu tư công (sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước); Dự án 2 và 3 đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn nhà đầu tư.
Tổng số kiến nghị xử lý tài chính được KTNN đưa ra đối với 03 dự án là 22,038 tỷ đồng, trong đó với Dự án 1 là 17,793 tỷ đồng; Dự án 2 là 2,336 tỷ đồng và Dự án 3 là 1,727 tỷ đồng. Tổng số kiến nghị xử lý khác được KTNN xác định là 36,198 tỷ đồng, trong đó với Dự án 1 là 16,412 tỷ đồng và Dự án 3 là 19,785 tỷ đồng.
Cũng theo KTNN, tại dự án 2 và 3, đoàn Kiểm toán chỉ kiểm toán phần vốn góp của Nhà nước trong dự án BOT, không kiểm toán phần vốn thực hiện dự án BOT của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT.
Nhiều bất cập tại 3 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Đáng chú ý, cơ quan kiểm toán đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác khảo sát, lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế; công tác dự toán; việc phân bổ vốn; tiến độ dự án và nghiệm thu, thanh toán các gói thầu…
Cụ thể, công tác khảo sát, lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế cả 3 dự án còn tồn tại trong việc thiết kế mặt cắt ngang đường bề rộng nền 17m theo Quyết định số 5109/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2014 có chiều rộng dải an toàn lề ngoài hai bên chưa phù hợp với quy định tại Tiêu chuẩn TCVN 5729:2012; chưa đánh giá mức độ nguy hiểm để lựa chọn chiều cao dải phân cách, cấp lan can phòng hộ phù hợp để tận dụng tại giai đoạn hoàn thiện.
Ở Dự án 1, chưa thỏa thuận xây dựng trạm biến áp và đường dây (trước công tơ) để cấp điện cho các hệ thống điện, chiếu sáng giao thông của dự án theo quy định tại Nghị định 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ; chưa nghiên cứu phương án tận dụng tối đa vật liệu đá cấp 4 đào nền đường trong quá trình triển khai dự án, chưa áp dụng TCCS 29:2020/TCĐBVN Nền đường đắp đá - thiết kế, thi công và nghiệm thu ngày 16/3/2020 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành để thiết kế nền đường đắp đá.
Tại Dự án 2 và 3, việc đầu tư xây dựng các trạm thu phí bao gồm 1 làn thu phí một dừng chưa phù hợp theo quy định tại Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng chính phủ về việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.
Công tác dự toán còn tồn tại một số sai sót về khối lượng, định mức đơn giá làm tăng dự toán gần 169,9 tỷ đồng, trong đó: Dự án 1 là 29, 42 tỷ đồng, Dự án 2 là 21,13 tỷ đồng, Dự án 3 là 119,3 tỷ đồng. Kết quả so sánh giá gói thầu sau kiểm toán một số gói thầu thuộc Dự án 1 thấp hơn giá trúng thầu.
Ngoài ra, các chuyên gia của tổ chuyên gia đấu thầu do Ban Quản lý dự án (QLDA) Đường Hồ Chí Minh và Ban QLDA 85 thành lập chỉ có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu xây lắp và tư vấn, chưa có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Tại dự án 2, có tình trạng phân bổ vốn hỗ trợ một phần chi phí xây dựng vào chi phí thiết bị; còn ở dự án 3 thì phân bổ vốn hỗ trợ một phần chi phí xây dựng vào cả chi phí thiết bị, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí quản lý dự án và chi phí khác. Ở cả 2 dự án này, khi thanh toán hợp đồng BOT, chi phí dự phòng được phân bổ vào đơn giá các hạng mục là chưa phù hợp với hồ sơ mời thầu, hồ sơ đấu thầu.
Về tiến độ, ở dự án 2 đã chậm 20 tháng và chậm 15 tháng ở dự án 3 so với Quyết định phê duyệt dự án.
Ngoài ra, công tác nghiệm thu, thanh toán các gói thầu còn một số tồn tại, sai sót trong việc tính toán khối lượng nghiệm thu, chưa đủ điều kiện để kiểm toán xác nhận chi phí một số hạng mục do chưa có đầy đủ hồ sơ, thủ tục làm căn cứ xác định giá trị 325 tỷ đồng…
KTNN kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách
Bên cạnh một số tồn tại, hạn chế nêu trên, Đoàn KTNN chuyên ngành IV cũng chỉ ra một số vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, các vấn đề phát sinh khi triển khai thực hiện dự án.
Theo đó, ở dự án 2 và 3 chưa có hướng dẫn cụ thể về hoàn thuế đối với phần đầu tư của Nhà nước tham gia dự án PPP; chưa có quy định về việc xuất hóa đơn GTGT khi doanh nghiệp dự án thực hiện nghiệm thu thanh toán phần vốn góp Nhà nước trong dự án BOT, chưa có quy định về kê khai nộp thuế GTGT đối với phần giá trị được nghiệm thu, thanh toán thuộc phần vốn Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí xây dựng công trình.
Một số nội dung ở dự án 2 và 3 có sự thay đổi so với chủ trương đầu tư, bao gồm: cCiều dài tuyến, suất đầu tư của dự án, vốn chủ sở hữu nhà đầu tư và vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án; tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chưa phù hợp theo Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/3/2018 của Chính phủ.
Về phương án thiết kế một số hạng mục, còn chưa tối ưu về kinh tế, chưa có lộ trình và thời gian cụ thể về việc triển khai đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ; phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 không bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục mà bố trí so le nhau với bề rộng và chiều dài chưa phù hợp, phương án thiết kế mái dốc 2 mái chưa tính đến việc phải bù vênh tại giai đoạn hoàn chỉnh…
Bên cạnh đó, đối với cả 3 dự án, Bộ GTVT, các Ban QLDA chưa làm việc với các địa phương về việc xây dựng và công bố giá đất đối với các mỏ doanh nghiệp được quyền khai thác theo Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ.
Vì vậy, KTNN đã kiến nghị Bộ GTVT và đơn vị được kiểm toán: Tổ chức rà soát, tổng hợp, thực hiện các giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế, trong đó nổi bật là: Báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về diện tích sử dụng đất cho cả 3 dự án; những nội dung thay đổi so với chủ trương đầu tư được Quốc hội thông qua tại Dự án 2 và 3, như chiều dài từng dự án thành phần, suất đầu tư, tổng mức đầu tư, tỷ lệ vốn chủ sở hữu tại các dự án thành phần…
Tổ chức nghiên cứu sửa đổi, điều chỉnh Quyết định số 5109/QĐ- BGTVT đối với chiều rộng dải an toàn lề ngoài để đảm bảo an toàn tốc độ khai thác 80 km/h theo quy định. Có giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án, đảm bảo hoàn thành đúng các mốc tiến độ theo yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Tiếp tục tổ chức rà soát, tham khảo ý kiến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện đúng quy định đối với phần giá trị chi phí dự phòng và chi phí liên quan đến việc đất được khai thác nhưng chưa đủ điều kiện để kiểm toán xác nhận chi phí.
Chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến những hạn chế, tồn tại, đặc biệt xác định rõ trách nhiệm tập thể và các nhân liên quan đến những hạn chế, tồn tại trong việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán để xử lý theo quy định.
Bộ Tài chính hướng dẫn Bộ GTVT về việc hoàn thuế đối với phần đầu tư của Nhà nước tham gia dự án PPP đối với Dự án 2 và 3; Ban hành văn bản hướng dẫn việc phát hành hóa đơn, kê khai nộp thuế và khấu trừ, hoàn thuế GTGT, phương pháp xây dựng phương án tài chính đối với các dự án BOT có vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình nhằm gia tăng tính hiệu quả về tài chính cho dự án...
KTNN cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ: Chỉ đạo Bộ GTVT và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của KTNN; yêu cầu Bộ GTVT báo cáo Chính phủ về các nội dung nêu trên.
Thủ tướng yêu cầu không chia nhỏ gói thầu
Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến lần thứ 3 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.
Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021 - 2025), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tích cực rà soát, chuẩn bị các công việc lựa chọn nhà thầu, bảo đảm khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 trước ngày 31/12/2022 như Nghị quyết của Chính phủ để giải ngân được nguồn vốn phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 theo yêu cầu của Quốc hội; xác định quy mô gói thầu phù hợp, không chia nhỏ gói thầu, lựa chọn các nhà thầu đủ năng lực để triển khai đáp ứng tiến độ, chất lượng.
Các địa phương phải đẩy nhanh công tác GPMB bảo đảm hoàn thành bàn giao 70% diện tích phục vụ khởi công tháng 12/2022. Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về tiến độ hoàn thành công tác GPMB phục vụ triển khai dự án.
Bộ TN&MT chủ trì phối hợp cùng Bộ GTVT, Bộ Xây dựng và các địa phương khu vực ĐBSCL giải quyết vướng mắc về nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2022. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ này chủ trì hướng dẫn các địa phương tháo gỡ các khó khăn trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thủ tục khai thác mỏ vật liệu, bãi đổ thải, đẩy nhanh tiến độ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm tra khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án, bảo đảm tiến độ yêu cầu.
Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017 - 2020), Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT đẩy mạnh kiểm tra, rà soát, chỉ đạo cụ thể từng gói thầu bảo đảm hoàn thành, đưa vào khai thác đoạn Cam Lộ - La Sơn và thông xe kỹ thuật các đoạn: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây trong năm 2022 theo đúng yêu cầu.
Các nhà thầu phải tập trung nguồn lực tài chính, tăng cường thiết bị, nhân lực, tăng ca, kíp để bù đắp khối lượng đã chậm. Làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, ban QLDA, nhà thầu vi phạm tiến độ, không thực hiện đúng cam kết, lời hứa trước Thủ tướng Chính phủ.