Trong khi nỗi lo “thừa thầy, thiếu thợ” chưa được giải quyết, thì công tác tuyển sinh các ngành đào tạo nghệ thuật vẫn đang loay hoay giải “bài toán” chồng chéo khi có đến 3 Bộ đang quản lý vấn đề này.
Bất cập chồng chéo
Chính thức có hiệu lực từ năm 2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp nhằm mục tiêu chung nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn...
Thế nhưng khi áp dụng vào lĩnh vực nghệ thuật lại đang tạo ra vô số những bất cập. Mới đây, hàng loạt các trường đào tạo nghệ thuật trực thuộc Bộ VHTTDL đã đồng loạt kêu cứu xung quanh những “rối ren” này. Đơn cử như lĩnh vực múa hiện nay thì các diễn viên cần đào tạo từ bậc sơ cấp nhưng theo Luật không cho phép các học viện làm điều này.
Theo TS Trần Văn Hải- quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam: Lĩnh vực nghệ thuật có đặc thù là phải đào tạo từ nhỏ, lúc 6 tuổi hay muộn là 10 tuổi, đi từ sơ cấp đến trung cấp, trung cấp chuyên nghiệp rồi lên cao đẳng, đại học. Nếu 18 tuổi mới tuyển sinh và đào tạo diễn viên múa trình độ đại học thì không thể bởi lúc đó cơ thể đã cứng. Diễn viên múa phải học 3-7 năm nhưng đi biểu diễn đến khoảng 35 tuổi là phải chuyển nghề do cơ thể không còn đáp ứng các yêu cầu chuyên môn.
Vì vậy, việc thay đổi diễn viên phải thường xuyên. Để có nguồn, nhà trường phải đào tạo từ bậc sơ cấp, trung cấp. Nếu giờ chỉ đào tạo đại học, tức tập trung vào biên đạo múa, huấn luyện viên, các nhà hát mang tầm quốc gia, nơi thường tuyển diễn viên chuyên nghiệp, nhân lực chất lượng cao từ trường Múa, sẽ không thể tuyển được.
Không chỉ ngành múa, mà theo quy định của Luật về thời gian tổ chức đào tạo đối với các lĩnh vực đào tạo năng khiếu lại cào bằng như các lĩnh vực khác hiện nay là vô cùng bất hợp lý. Chưa kể, vấn đề đồng thời tổ chức đào tạo bậc đại học và các bậc thấp hơn trong lĩnh vực nghệ thuật; Quy định về giảng dạy và chế độ đối với giáo viên, giảng viên tham gia giảng dạy áp dụng chưa hợp lý với ngành nghệ thuật...
Theo báo cáo thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) cho biết khi hiện tại Bộ GDĐT và Bộ LĐTBXH cùng quản lý nhà nước đối với một cơ sở giáo dục như Học viện Âm nhạc quốc gia, Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội…
Thực tế này dễ dẫn đến sự chồng chéo về thực hiện chính sách và các quy định về quy trình đào tạo, chương trình đào tạo, mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, về đội ngũ giảng viên, giáo viên và chế độ làm việc, chế độ chính sách ưu đãi đối với giảng viên, học sinh, sinh viên; việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, vấn đề đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp...
Cần có chính sách đặc thù
Nhìn chung, sau một thời gian đi vào thực tiễn Luật Giáo dục nghề nghiệp với các chuyên ngành đào tạo nghệ thuật tạo ra vô số rào cản trong việc phát triển và rất cần một “lối mở”.
Xung quanh vấn đề này, theo GS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cho biết, hệ đào tạo Trung cấp âm nhạc hiện nay tại Học viện là mô hình được thiết kế trên cơ sở kế thừa từ mô hình đào tạo của các nước XHCN. Bởi nó thể hiện được tính ưu việt và hiệu quả cao, có chất lượng tốt, đáp ứng cho nguồn tuyển sinh đại học trong suốt 64 năm phát triển của Học viện. Chính vì vậy, trong giai đoạn trước mắt thì việc đào tạo hệ trung cấp vẫn rất cần thiết.
Cũng theo ông Tuấn, chỉ cần nhìn vào 5 năm trở lại đây, số lượng hơn 200 giải thưởng cao tại các cuộc thi tài năng âm nhạc chuyên nghiệp ở khu vực và thế giới mà học sinh hệ trung cấp của Học viện đạt được đã chứng minh việc đào tạo bậc trung cấp là hoàn toàn phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
Còn nếu thực hiện đúng theo yêu cầu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) thì việc đào tạo hệ trung cấp của Học viện sẽ không còn nữa, trong khi nguồn học sinh thuộc hệ này chiếm đến 70% số học sinh đang đào tạo tại Học viện. Vì thế, Học viện và nhiều cơ sở đào tạo ngành nghệ thuật khác mong muốn được duy trì mô hình đào tạo bậc trung cấp như một khâu, một quy trình đào tạo đặc thù, chuyên sâu trong trường đại học.
“Tới đây nếu không tuyển nữa, chúng ta sẽ mất đi nguồn tài năng và mất đi tính hội nhập. Mà muốn có nguồn tài năng chắc chắn cần đầu tư dài hơi. Hiện này 90% nguồn tuyển sinh đại học của trường lấy từ hệ trung cấp lên. Nếu giờ bỏ hệ trung cấp, việc tuyển bậc đại học sẽ gặp khó” - ông Tuấn bày tỏ.
Với những bất cập trên, mới đây Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cũng đã có đề nghị với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cần có cơ chế đặc thù trong đào tạo ngành năng khiếu nghệ thuật thì khó có thể vực dậy được lĩnh vực này. Kéo theo đó là nguy cơ mất nguồn nhân lực và không bảo tồn được nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Có thể nói, hơn bao giờ hết những bất cập trong công tác tuyển sinh và đào tạo các ngành năng khiếu nghệ thuật cần phải có sự điều chỉnh, sửa đổi về chính sách pháp luật giáo dục nghề nghiệp sao cho phù hợp tính đặc thù của các cơ sở đào tạo chuyên ngành này, trong đó có vấn đề về chính sách đào tạo, đào tạo chuyên sâu đối với các ngành VHNT; đầu tư có trọng điểm đối với ngành VHNT; đối tượng đào tạo dân tộc thiểu số; quy định bằng cấp đối với cán bộ giáo viên trong đào tạo VHNT cho thực sự hợp lý.