Mùa hè, ngoài sự lây lan của các dịch bệnh nguy hiểm như tay chân miệng, sốt xuất huyết… thì viêm não, viêm màng não cũng là căn bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh.
Nhiều ca nguy kịch
Thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, số bệnh nhi nhập viện vì viêm não tăng lên đột biến. Ghi nhận tại Khoa Nhi của Bệnh viện cho thấy, có nhiều trẻ bị viêm màng não, viêm não, trong đó có 2 trẻ từ Yên Bái chuyển xuống trong tình trạng nguy kịch. Còn lại, các trẻ khác đều vào viện với triệu chứng sốt cao, đau đầu.
Bé G.A.T. (4 tuổi, trú tại huyện Nghĩa Lộ, Yên Bái) bị sốt, đau đầu bên trái. Đến tối, trẻ co giật và ngất lịm. Người nhà không đưa bé đi cấp cứu ngay mà ở nhà lay gọi trẻ. Sáng hôm sau, trẻ mới được đưa lên Bệnh viện đa khoa Nghĩa Lộ nhưng không cải thiện nên trẻ được đưa thẳng xuống Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Trường hợp thứ hai là bé L.G.A. (9 tuổi, Mù Căng Chải, Yên Bái) vào viện cấp cứu trong tình trạng co giật. Sau khi ăn sáng, trẻ còn đi chơi bình thường nhưng đột nhiên ngã. Trẻ được đưa vào viện gần nhà cấp cứu. Tuy nhiên, bác sĩ không xác định được bệnh gì. Trẻ tiếp tục được chuyển xuống Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Khai thác tiền sử cho thấy, từ khi sinh ra, bé chưa được tiêm phòng bất cứ loại vaccine nào. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, các bác sĩ chẩn đoán xác định trẻ mắc viêm não.
BS Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết: “Trường hợp trẻ 9 tuổi sau khi xử lý bằng thuốc chống phù nề đã bỏ được thở ô xy. Còn trường hợp trẻ 4 tuổi tình trạng viêm não trầm trọng hơn, khi vào viện có tình trạng ngừng thở nên bác sĩ phải đặt máy thở. Sau 3 ngày cấp cứu, trẻ vẫn phải thở máy để bảo vệ đường thở và các bác sĩ tiếp tục theo dõi sát sao. Khi bị viêm não, trẻ có thể biểu hiện di chứng lâu dài. Các bác sĩ vẫn điều trị và đánh giá di chứng”.
Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cũng tiếp nhận nhiều trẻ em mắc viêm não, viêm màng não nhập viện điều trị, trong đó có một số trường hợp trẻ sốt cao trên 39 độ C, xuất hiện co giật toàn thân, co cứng chân tay, sùi bọt mép phải chuyển khoa Hồi sức tích cực điều trị lọc máu, thở máy….
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cũng vừa cho hay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận trường hợp bệnh nhi thứ 2 mắc viêm não Nhật Bản tính từ đầu năm 2023 đến nay.
Tiêm vaccine ngừa bệnh
Chuyên gia y tế lý giải, viêm não là tình trạng viêm của nhu mô não, biểu hiện bằng sự rối loạn chức năng thần kinh - tâm thần khu trú hoặc lan tỏa. Nguyên nhân thường gặp do virus như herpes, arbovirus lây truyền do muỗi hoặc các côn trùng khác; bệnh dại gây nên do vết cắn của một số động vật nhiễm bệnh như chó, mèo. Trong một số trường hợp hiếm gặp, viêm não thứ phát có thể xuất hiện sau khi trẻ mắc một số bệnh nhiễm trùng thường gặp như sởi, rubela, thủy đậu...
Đáng lo ngại hơn khi viêm não virus tiến triển từ giai đoạn khởi phát đến toàn phát. Tuy nhiên, các dấu hiệu ở giai đoạn khởi phát lại rất mơ hồ nên người bệnh thường dễ bỏ qua, còn đến giai đoạn toàn phát với các triệu chứng rõ rệt thì bệnh đã ở mức độ nặng.
“Di chứng của viêm não rất nặng nề với những tổn thương trầm trọng, ảnh hưởng đến tâm thần và vận động, để lại nhiều di chứng cho trẻ. Do vậy, khi trẻ có các biểu hiện như sốt cao, buồn nôn, nôn, đau đầu... cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng hơn” - BS Đặng Thị Thúy nhấn mạnh.
Đặc biệt hơn, từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm là thời điểm bệnh viêm não Nhật Bản bùng phát mạnh. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do muỗi gây ra với diễn tiến rất nhanh, tỷ lệ tử vong cao tới 30%. Nếu may mắn khỏi bệnh khoảng 50% bệnh nhân gặp di chứng thần kinh suốt đời.
“Bệnh viêm não Nhật Bản hay gặp vào mùa hè, đặc biệt ở những trẻ chưa được tiêm vaccine hoặc không tiêm nhắc lại theo phác đồ. Bệnh có thể để lại di chứng nặng nề, thậm chí gây tử vong. Người bị tử vong do viêm não Nhật Bản thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương hành não. Bệnh còn để lại nhiều di chứng thần kinh nặng nề như: Viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, suy kiệt, suy hô hấp, rối loạn tâm thần, rối loạn ngôn ngữ, co giật, rối loạn vận động…” - BS Thúy cho hay.
Viêm não Nhật Bản hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vaccine phòng viêm não Nhật Bản đúng lịch, đủ liều, đầy đủ mũi nhắc lại theo phác đồ để phát huy tối đa hiệu quả miễn dịch. Việc tiêm chủng áp dụng cho trẻ từ đủ 12 tháng tuổi và người lớn. Trong đó, vaccine Jevax (Việt Nam) trong chương trình tiêm chủng mở rộng cần tiêm phác đồ 3 mũi và nhắc lại mỗi 3 năm một lần cho đến khi trẻ đủ 15 tuổi.