Kinh tế

Nhiều biện pháp bình ổn chặn giá tăng theo lương

T.Hằng 01/07/2024 10:18

Mức lương cơ sở đã chính thức được tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng bắt đầu từ ngày hôm nay (1/7/2024). Được tăng lương là niềm vui với người lao động. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm nay, trước mỗi đợt tăng lương lại có tình trạng hàng hóa “té nước” theo lương, khiến người lao động vừa mừng vừa lo.

anh-chinh-bai-tren-trang-6-sang-7.jpg
Lực lượng quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng kiểm tra hoạt động kinh doanh. Nguồn: Báo Công thương.

Chủ động kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu

Ai cũng mong được tăng lương, nhưng quan trọng nhất với cán bộ, công chức, viên chức là lương tăng phải giúp cải thiện chất lượng cuộc sống. Do vậy việc kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu được nhấn mạnh trong thời gian gần đây, đòi hỏi sự vào cuộc của không chỉ các bộ ngành, mà cả các địa phương trên cả nước.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) nhấn mạnh: Quan trọng nhất là phải kiểm soát “lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn” từ đó có hiện tượng "té nước theo mưa"; từ đó tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh những vấn đề liên quan pháp luật về giá.

Còn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ, cần phải kiểm soát giá để tránh tình trạng đồng lương tăng được một chút, cuối cùng tất cả các mặt hàng tiêu dùng tăng nhanh hơn. Tất nhiên ta khống chế ở mặt tâm lý, khống chế ở việc lợi dụng tăng lương để tăng giá và độc quyền. Cùng với đó cần tăng các điều kiện sản xuất để kiểm soát giá cả.

Ghi nhận tại một số chợ truyền thống cho thấy giá cả một số mặt hàng như rau xanh, thịt lợn, gạo… đã tăng giá từ một tháng trước, trong khi đó tại các siêu thị, có sự biến động nhẹ ở một số nhóm hàng. Ông Nguyễn Đức Toàn - Giám đốc thu mua hệ thống MM Mega Market Việt Nam chia sẻ cho biết doanh nghiệp (DN) đã ký với khoảng1.400 nhà cung cấp với 200 nhà cung cấp chiến lược; có chương trình bình ổn giá, trực tiếp là các sản phẩm rau, củ, quả, cá thịt.

Chương trình bình ổn thị trường là công cụ phát huy hiệu quả cao nhất trong việc kiểm soát giá tại TPHCM. Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cũng cho biết, lãi suất cho vay đối với DN ngành lương thực thực phẩm vừa được giảm từ 1-2%, cộng với hàng loạt chính sách từ Chính phủ như giãn hoãn nợ, giãn thời gian nộp thuế, giảm 2% giá trị gia tăng, cũng là những công cụ giúp việc kiểm soát giá được chủ động và thuận lợi hơn.

Chuẩn bị sớm phương án điều hành giá

Từ đầu năm 2024 đến nay, công tác quản lý, điều hành giá tiếp tục đối mặt với nhiều áp lực do biến động nhanh, phức tạp từ bối cảnh thế giới và khu vực. Cạnh tranh giữa các nước lớn tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng các rủi ro về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; giá xăng dầu, các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất biến động khó lường.

Với các áp lực về giá, người tiêu dùng mong muốn các ngành chức năng cần thực hiện đồng bộ các chính sách điều hành, quản lý, kiểm soát thị trường để bình ổn, không để tái diễn “té nước theo mưa” và người lao động thực sự có niềm vui trọn vẹn khi được tăng lương.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá cần tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược.

Trong khi đó, bà Lê Thị Tuyết Nhung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết với những chỉ đạo kịp thời, hy vọng việc tăng lương sẽ không ảnh hưởng lớn đến tăng giá trong những tháng cuối năm. Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá đã, đang và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường; đồng thời chủ động dự báo, tính toán và cập nhật kịch bản lạm phát để tham mưu với cấp có thẩm quyền xây dựng kịch bản điều hành giá tổng thể, cũng như triển khai các giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung vào các giải pháp như theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp; đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược. Chú trọng, tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp lễ; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả theo mục tiêu đề ra phối hợp đồng bộ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng thời tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí.

Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát CPI bình quân cả năm 2024 ở mức 4-4,5%, bà Nhung cũng cho biết Bộ Tài chính sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, xây dựng và cập nhật các kịch bản lạm phát để làm cơ sở kiến nghị, tham mưu các biện pháp quản lý, điều tiết giá phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Trong khi đó phía Tổng cục Thống kê cho biết, có một số yếu tố thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát trong thời gian tới. Cụ thể, lạm phát toàn cầu đang tiếp tục xu hướng hạ nhiệt, giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát. Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất 6 tháng cuối năm góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Với nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, Việt Nam tránh được rủi ro, thách thức về an ninh lương thực đang có khả năng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới.

Với kinh nghiệm điều hành giá, sự chỉ đạo quyết liệt, phản ứng kịp thời của Chính phủ sẽ giúp hạn chế tác động cộng hưởng của việc điều chỉnh giá lên lạm phát, ổn định tâm lý kỳ vọng lạm phát.

Dù vậy, cơ quan thống kê vẫn nhấn mạnh, để kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm, cần đặc biệt chú ý đảm bảo cung cầu hàng hóa và tránh tăng giá các hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước quản lý cùng một thời điểm cũng như không nên dồn vào cuối năm.

anh-theo-box-bai-tren.jpg

Theo bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cơ quan chức năng cần tăng cường triển khai và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, cần kêu gọi các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng; khuyến khích trung tâm thương mại, siêu thị tổ chức các đợt khuyến mại hàng hóa nhằm kích cầu tiêu dùng cùng thời điểm lương tăng. Các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Cùng với đó, giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý như y tế, giáo dục, điện sinh hoạt cần tránh điều chỉnh cùng thời điểm tăng lương 1/7, dễ gây lạm phát kỳ vọng, kéo giá các hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều biện pháp bình ổn chặn giá tăng theo lương