Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong khi xuất khẩu sang nhiều thị trường khác sụt giảm thì hầu hết các nhóm hàng chủ lực xuất khẩu sang Mỹ tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, trong 9 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu đạt 54,73 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Điển hình là những nhóm hàng tỷ đô như: Dệt may; điện thoại các loại và linh kiện; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị; thủy sản.
Đây được xem là điểm sáng của xuất khẩu dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, nhất là xuất khẩu sang Mỹ đã phục hồi tích cực trong quý III-2020, tập trung ở nhóm các mặt hàng công nghiệp chế biến. Các DN đang kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ trong quý IV-2020.
Trong khi đó, với nhóm hàng nông – lâm- thuỷ sản, theo Bộ NNPTNT, trong 9 tháng qua, Mỹ tiếp tục là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 7,5 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm gần 25% thị phần.
Riêng với việc xuất khẩu mặt hàng trái cây tươi sang Mỹ, theo dự báo của ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), các tháng cuối năm thường là thời điểm lượng trái cây xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng cao. Dự kiến lượng trái cây đi Mỹ năm nay vẫn sẽ đạt mức tương đương hoặc có thể cao hơn so với năm 2019.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc của một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng tiêu dùng cho rằng, dịch Covid-19 làm dân Mỹ ở nhà nhiều nên việc làm vườn, sửa chữa tăng mạnh, do đó dòng sản phẩm gia dụng trong gia đình bán được nhiều hơn.
Điều này cũng được chứng minh khi hoạt động xuất khẩu sản phẩm nhựa (các sản phẩm nhựa gia dụng, túi nhựa, vải bạt, đồ dùng trong xây lắp, tấm, phiến, màng nhựa, các sản phẩm dùng trong vận chuyển, đóng gói) từ Việt Nam tới thị trường Mỹ từ đầu năm đến nay cho mức tăng trưởng tốt.
Chỉ tính riêng 6 đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng 25% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 362 triệu USD.
Tuy nhiên, việc chinh phục thị trường Mỹ không phải là đơn giản. Nếu DN Việt có sự quyết tâm cao, ngày càng chuyên nghiệp, minh bạch thì cơ hội gia tăng xuất khẩu sẽ càng nhiều hơn. Theo đó, trong việc tiếp cận với kênh phân phối ở Mỹ, có thể DN Việt không đạt được kết quả với nhà bán lẻ này, nhưng lại có nhiều cơ duyên dẫn DN đến nhà bán lẻ khác tiềm năng hơn.
“Khi chinh phục thành công thị trường Mỹ, DN đã làm cho mình giỏi hơn, mạnh hơn. Đó là điều quan trọng mà DN được hưởng lợi để sau này làm với những đối tác khác” - ông Minh chia sẻ.
Đề cập đến những yếu tố thuận lợi của DN Việt Nam, theo các chuyên gia, đa số các công ty mua hàng của Mỹ đều có đại diện ở Việt Nam, nếu thỏa thuận được giá họ sẵn lòng giúp đưa hàng qua Mỹ. Ông Lê Quang Minh - đại diện một DN thu mua hàng hóa Việt cho rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, những mặt hàng thiết yếu, giá rẻ bao giờ cũng dễ tiêu thụ nhất. “Thực tế những khách hàng của công ty tôi ở phân khúc giá rẻ đều bán rất chạy ở thị trường Mỹ. Còn những DN có sản phẩm ở phân khúc cao cấp hiện nay đang rất chật vật” - ông Minh cho hay.