Hôm nay (12/12), giá xăng được dự báo giảm mạnh. Nếu như không sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, các tính toán chỉ ra giá xăng dầu có thể giảm khoảng 1.200-1.500 đồng/lít.
Đảm bảo nguồn cung
Theo lịch, kỳ điều chỉnh giá xăng dầu diễn ra ngày 11/12, nhưng do vào Chủ nhật nên thời gian điều hành được liên Bộ Tài chính - Công thương lùi sang hôm nay, 15 giờ thứ Hai (12/12).
Dữ liệu từ Bộ Công thương cho thấy, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore hiện tại giảm mạnh so với kỳ điều hành trước đó (1/12). Cụ thể, bình quân xăng RON 92 (loại dùng pha chế xăng E5 RON 92) là 85,2 USD/thùng; xăng RON 95 là 89,6 USD/thùng. Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước với xăng RON 92 là 89,3 USD/thùng; xăng RON 95 là 93,9 USD/thùng.
Như vậy, so với chu kỳ trước, bình quân giá xăng RON 92 ở chu kỳ này giảm khoảng 4,1 USD/thùng, bình quân giá xăng RON 95 giảm khoảng 4,3 USD/thùng.
Tương tự, bình quân giá dầu trên thị trường Singapore cập nhật từ ngày 2 đến 7/12 cũng giảm so với chu kỳ trước. Theo đó, bình quân giá dầu diesel là 110,4 USD/thùng, dầu hỏa là 109,3 USD/thùng, dầu mazut 368,6 USD/tấn. Ở chu kỳ trước, bình quân giá dầu diesel là 117,7 USD/thùng, dầu hỏa là 115,7 USD/thùng và dầu mazut là 391,8 USD/tấn.
So với chu kỳ trước, bình quân giá dầu diesel ở chu kỳ này giảm khoảng 7,2 USD/thùng, dầu hỏa giảm 6,3 USD/thùng, dầu mazut giảm 23,1 USD/tấn.
Với các dữ liệu, các tính toán đều cho biết ngày 12/12 dự báo giá xăng dầu giảm mạnh. Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết chiều ngày 11/12, đại diện một đầu mối kinh doanh xăng cho biết, kịch bản đang được dự báo là giá xăng Ron A 95 giảm 1500 đồng/ lít chưa tính quỹ bình ổn, tương tự giá xăng Ron A92 giảm 1290 đồng/lít, giá dầu DO 0.05S giảm 1640 đồng/lít.
Sau thời gian đầy sóng gió vào thời điểm đầu tháng 10 đến tháng 11/2022, hiện nay thị trường xăng dầu cơ bản ổn định. Và để đủ xăng dầu cung ứng dịp cuối năm, mới đây Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng dầu thực hiện dự trữ lưu thông theo đúng quy định, thực hiện tổng nguồn được phân giao.
Tại Chỉ thị số 10 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão, Bộ Công thương yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra việc duy trì bán hàng và thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, kiểm tra chất lượng, đo lường, giá bán xăng dầu lưu thông trên thị trường.
Bộ Công thương yêu cầu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện dự trữ lưu thông theo quy định, thực hiện nghiêm túc tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao, có kế hoạch đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định phục vụ sản xuất, sinh hoạt dịp cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán, không để gián đoạn nguồn cung xăng trong hệ thống kinh doanh.
Song song với đó, tăng cường kiểm soát chất lượng, giá bán, đo lường trong hệ thống, tránh gian lận trong kinh doanh xăng dầu; thực hiện nghiêm các quy định về thời gian bán hàng tại các điểm bán lẻ xăng dầu và bảo đảm công tác an toàn phòng chống cháy nổ. Các DN sản xuất xăng dầu trong nước bảo đảm duy trì sản xuất ổn định, cung cấp xăng dầu cho thị trường theo kế hoạch và hợp đồng đã ký với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; có phương án tăng cường hoạt động giao hàng để kịp thời cung ứng hàng ra thị trường khi cần thiết.
Kiểm soát giá các mặt hàng
Khi giá xăng giảm, nhiều quan điểm khẳng định, đó là điều cần thiết trong bối cảnh giá cả cuối năm tăng mạnh do nhu cầu mua sắm. Chị Nguyễn Thị Thái (Hoàng Cầu, Hà Nội) cho rằng, cuối năm giá xăng tăng thì khổ người đi chợ. Giá xăng giảm thì ra chợ người bán hàng không có cớ để đẩy giá.
Nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, ông Vũ Vĩnh Phú cho biết, việc kiềm chế giá mặt hàng xăng dầu trong bối cảnh năm hết Tết đến có tác động tốt đến tâm lý. Theo ông Phú, các mặt hàng ăn theo giá xăng nhưng thị trường còn có “căn bệnh” là phân phối không công bằng. Cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều, trong khi nhà sản xuất chưa chắc đã lãi nhiều và người dân, người tiêu dùng phải mua hàng giá đắt. Do đó, cần thiết có giải pháp quản lý hiệu quả hơn nhằm giải quyết được câu chuyện "té nước theo mưa", hay "lên nhanh, xuống chậm" như hiện nay.
“Cuối năm cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề cung cầu hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là giảm phí các khâu trung gian thì giá cả hàng hóa mới hạ nhiệt”- ông Phú nói và cho rằng đặc biệt ở Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng bởi một số DN thống lĩnh thị trường, vì thế thay vì chỉ trông chờ vào Quỹ bình ổn, cần có các phương án dự trữ xăng dầu, hay bảo đảm nguồn cung xăng dầu khi cần cách bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Theo đánh giá mới nhất của Bộ Tài chính, trong 11 tháng của năm 2022, thị trường trong nước nhìn chung đã có sự phục hồi đáng kể sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Đồng thời, do chịu tác động từ diễn biến nhanh, phức tạp của của tình hình thế giới, giá một số hàng hóa trong nước như nguyên nhiên vật liệu, năng lượng... có xu hướng tăng giá từ cuối quý I, quý II, ổn định trở lại trong quý III và có xu hướng tăng nhẹ trở lại trong quý IV do nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán tăng cao.