Nhiều doanh nghiệp 'mất mùa' vì bắt nhầm đáy cổ phiếu Hòa Phát (HPG)

Lê Trang 10/11/2022 12:16

Từng được ví như "cổ phiếu quốc dân", nằm trong danh mục khuyến nghị của các công ty chứng khoán, hiện cổ phiếu HPG đã xuống đáy 2 năm, khiến không ít doanh nghiệp nắm giữ thua lỗ.

Doanh nghiệp lỗ vì cổ phiếu Hòa Phát

Báo cáo tài chính quý III của Công ty CP Hóa An (Biên Hòa, Đồng Nai) - một doanh nghiệp trong ngành kinh doanh vật liệu xây dựng đã hé lộ số lượng cổ phiếu HPG tại thời điểm 30/09 mà doanh nghiệp này nắm giữ lên đến 2.640.000 cổ phiếu, tương đương giá trị 80,3 tỷ đồng.

Nếu chia ngược lại, giá vốn bình quân HPG mà Hóa An nắm giữ vào khoảng 30.433 đồng/cổ phiếu. Với mức giá đóng cửa ngày 31/10/2022 là 15.650 đồng/cổ phiếu, lượng tài sản này đã "bốc hơi" gần 50% giá trị, tương đương mức lỗ 41,3 tỷ đồng.

Tất nhiên con số lỗ này không phải số chính xác, vì trong tháng 10 vừa qua, Hóa An có thể đã tiếp tục mua vào cổ phiếu HPG để trung bình giá xuống, hoặc đã bán HPG để cắt lỗ.

Điều đáng nói, số lượng cổ phiếu HPG đầu năm Hóa An nắm giữ chỉ là 300.000 cổ phiếu, giá trị 15,26 tỷ đồng, tương đương giá trung bình 50.877 đồng/cp.

Điều này có nghĩa là trót đu đỉnh trong năm 2021, Hóa An đã cố gắng trung bình giá xuống với khoản đầu tư tài chính ngắn hạn này, nhưng không thành công.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý III của Công ty CP Đầu tư CMC (Mã chứng khoán: CMC) cho thấy doanh thu tăng nhẹ so với cùng kỳ nhưng lỗ hơn 240 triệu đồng.

Khoản dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư tăng của đơn vị này tăng tới 98%, lên gần 9 tỷ đồng. Trong đó, dự phòng giảm giá HPG 1,1 tỷ đồng.

Tại 30/09, CMC nắm 117.500 cổ phiếu HPG, với giá trị 3,2 tỷ đồng, tương đương giá bình quân 27.3000 đồng/cp. So với giá đóng cửa ngày 31/10 là là 15.650 đồng/cổ phiếu, lượng tài sản này đã "bốc hơi" khoảng 40%.

Công ty CP Chứng khoán Trí Việt (Mã chứng khoán: TVB) nắm giữ HPG với giá gốc tại thời điểm 30/9 lên đến gần 200 tỷ đồng dưới dạng tài sản tài chính sẵn sàng bán (AFS). TVB đang phải "gồng lỗ" HPG khi khoản đầu tư này âm gần 91 tỷ đồng.

Các khoản lỗ/lãi tạm tính trong danh mục AFS chưa phản ánh vào kết quả kinh doanh và chỉ được ghi nhận khi công ty bán hoặc chuyển sang danh mục FVTPL. Nếu khoản đầu tư này được ghi nhận, số lỗ của Trí Việt có thể còn tăng thêm so với mức lỗ 6,2 tỷ đồng trong quý III.

Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng lỗ hơn 30 tỷ đồng với riêng cổ phiếu HPG, tương ứng 37,5% trên giá gốc gần 80 tỷ đồng. Quý III, VDSC thu về hơn 24 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm tới 67% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ 'mất mùa' vì HPG

Trở lại với CMC, điều đáng nói, tại thời điểm đầu năm, danh mục chứng khoán của CMC chưa xuất hiện cái tên HPG. Giá trị chứng khoán kinh doanh tại cuối quý III của CMC cũng tăng từ mức 22,3 tỷ đồng hồi đầu năm lên 29,1 tỷ đồng, tăng mạnh ở Hòa Phát và GEX (Công ty CP tập đoàn GELEX).

Nhìn một cách tổng quát, với diễn biến thị trường chứng khoán từ đầu năm trở lại đây, không chỉ có cổ phiếu HPG mà nhiều cổ phiếu của các Ngân hàng, doanh nghiệp BĐS khác cũng có đà giảm mạnh và trở thành nguyên nhân gây lỗ cho các doanh nghiệp đầu tư chứng khoán.

Quay lại BCTC của CMC, cổ phiếu gây lỗ nhiều nhất cho doanh nghiệp này là GEX chứ không phải HPG. Cuối quý III, chi phí dự phòng CMC trích lập cho GEX là 5,2 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so với HPG.

Danh mục chứng khoán của CMC. (Ảnh: CMC)

Công ty CP Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng (Mã: NDN) cũng là doanh nghiệp đã có 9 tháng đầu năm "ảm đạm" với tình hình đầu tư chứng khoán. Tại ngày 30/09, doanh nghiệp công bố BCTC quý III với khoản chi phí dự phòng lên tới hơn 120 tỷ đồng.

Trong đó, cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội, TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam và VHM của Công ty cổ phần Vinhomes là 3 cái tên khiến Nhà Đà Nẵng "lỗ" nặng.

Mặc dù có đầu tư cổ phiếu HPG, nhưng với khối lượng nhỏ, cổ phiếu này cũng chỉ gây lỗ vài chục triệu đồng cho Nhà Đà Nẵng.

Nhìn chung, HPG từng tăng giá mạnh giai đoạn 2020-2021, giúp các nhà đầu tư nắm giữ dài hạn nhân nhiều lần tài khoản.

Đà tăng giá cũng giúp giá trị vốn hóa tập đoàn liên tục lập đỉnh và lọt top các công ty niêm yết được định giá lớn nhất sàn chứng khoán.

Diễn biến kém sáng của Hòa Phát bắt đầu từ năm đầu 2022 và đến nay thị giá đã "bốc hơi" hơn 50%. Hệ số beta của HPG hiện là 1,17%, tương ứng mức giảm của mã này mạnh hơn chỉ số chung. Chưa kể áp lực bán tại HPG không chỉ đến từ khối nội mà khối ngoại cũng liên tục "xả hàng".

Trên thị trường chứng khoán, tạm đóng cửa phiên giao dịch sáng ngày 1/11, cổ phiếu HPG tiếp tục giảm 1,6% xuống mức 15.400 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 25 triệu đơn vị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều doanh nghiệp 'mất mùa' vì bắt nhầm đáy cổ phiếu Hòa Phát (HPG)