Nhiều đột phá trong chính sách bảo vệ trẻ em

Lan Hương (thực hiện) 29/12/2015 08:50

Năm 2015 đánh dấu 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Để đảm bảo thực hiện các quyền trẻ em tốt hơn, trong năm 2016 sẽ có nhiều đổi mới về chính sách mang tính đột phá. Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ LĐTB & XH Đào Hồng Lan khi trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết.

Vẫn còn một số bất cập trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Thưa Thứ trưởng, nhìn lại chặng đường 25 năm từ sau khi phê chuẩn Công ước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu gì trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em?

Thứ trưởng Đào Hồng Lan: Là quốc gia đang phát triển, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong 25 năm qua, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách dành sự ưu tiên đặc biệt cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và thực tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Bên cạnh việc cải thiện hệ thống pháp luật, chính sách, chúng ta cũng đã có nhiều sự đổi mới, sáng tạo vì trẻ em, đem lại những bước tiến, nhiều lợi ích đáng kể.

Trên thực tế công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, hạn chế?

Đúng vậy, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng khoảng cách, cơ hội về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, tiếp cận giáo dục, vui chơi giải trí giữa nhóm trẻ em trong các gia đình nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em di cư với nhóm trẻ em ở khu vực đô thị, trẻ em trong các gia đình khá giả đang gia tăng lên, làm cho các cơ hội phát triển ở trẻ em không đồng đều. Bên cạnh đó, tình trạng trẻ em bị xâm hại, hành hạ, ngược đãi, lạm dụng còn diễn ra phức tạp, nhất là đối với trẻ em gái, trẻ em sinh sống ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Điều đáng buồn là ngay trong nhiều gia đình, vấn đề tôn trọng quyền trẻ em dường như vẫn chưa được các bậc cha mẹ, người thân của các em coi trọng. Đây chính là rào cản rất lớn để chúng ta hướng tới một xã hội bình đẳng và an toàn cho trẻ em. Một số chính sách, văn bản pháp luật về trẻ em cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về những nội dung chính sách, pháp luật cần sửa đổi, bổ sung?

Quyền được bảo vệ của trẻ em được quy định trong các luật như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Nuôi con nuôi, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống mua bán người... nhưng về tổng thể chưa rõ tính hệ thống. Dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) lần này quy định rõ hơn cấu trúc, cơ chế phối hợp, trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống bảo vệ trẻ em để đảm bảo tính thống nhất của công tác bảo vệ trẻ em.

Trên thực tế, quyền tham gia của trẻ em vẫn chưa được xã hội nhận thức rõ dẫn đến hạn chế trong triển khai thực hiện. Trong khi đó nếu đảm bảo được điều này sẽ giúp trẻ em phát huy được tối đa các tiềm năng để tham gia xây dựng đất nước. Chính vì vậy, trong dự thảo Luật Trẻ em đã dành riêng một chương để quy định cụ thể về các điều kiện bảo đảm các quyền được tham gia của trẻ em về phạm vi, hình thức thực hiện trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, trong gia đình và trong nhà trường. Nhà nước, các Bộ, ngành, gia đình, xã hội có trách nhiệm lắng nghe, tiếp thu ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng và hoạch định chính sách.

Cùng với việc hoàn thiện dự thảo Luật Trẻ em, trong thời gian tới đây, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em sẽ có những đột phá gì, thưa Thứ trưởng?

Như tôi đã nói, công tác bảo vệ trẻ em trong giai đoạn hiện nay đang gặp rất nhiều thách thức do những tác động về kinh tế, văn hóa và xã hội. Trẻ em giờ không chỉ phải đối mặt với nguy cơ nghèo đói, thất học mà còn đối mặt với nhiều nguy cơ từ chính sự phát triển của kinh tế, khoa học và công nghệ. Trong khi đó, hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, xây dựng Đề án về bảo vệ trẻ trên môi trường mạng giai đoạn 2016 - 2020 nhằm bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức xâm hại trên môi trường mạng, giúp các em được hưởng lợi ích từ việc sử dụng tiện ích của internet mà không có nguy cơ; đồng thời để phát hiện và có những hỗ trợ phù hợp cho trẻ em là nạn nhân của các hình thức xâm hại trên môi trường mạng.

Cùng với đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trong giai đoạn 2016 - 2020, đặc biệt trong đó có lộ trình giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ các hình thức trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều đột phá trong chính sách bảo vệ trẻ em

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO