Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để kéo dài thời gian tại các dự án thuộc chương trình giảm ô nhiễm môi trường (giai đoạn 2016-2020). Đó là các dự án đầu tư trồng mới rừng phòng hộ tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh và dự án Mở rộng vườn thực vật Củ Chi…
Có trách nhiệm của Giám đốc Sở
Chỉ đạo trên của lãnh đạo TP HCM được đưa ra ngay sau khi có thông báo Kết luận Thanh tra về trách nhiệm của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM tại các dự án thuộc Chương trình giảm ô nhiễm môi trường (giai đoạn 2016-2020).
Theo thông báo kết luận của Thanh tra TP HCM (số 04/TB-TTTP-P2) ngày 6/1/2021, từ năm 2018 chính quyền thành phố giao chỉ tiêu cho ngành NNPTNT mỗi năm trồng 1 triệu cây xanh tại các dự án Trồng mới rừng phòng hộ ấp 3, xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) và dự án mở rộng Vườn thực vật Củ Chi. Dù vậy, đến nay cả hai dự án đều chưa triển khai trong đó có trách nhiệm của Sở NNPTNT TP HCM. Sở này cũng không thực hiện báo cáo UBND TP HCM để có chỉ đạo đôn đốc kịp thời, trong khi công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng và bàn mặt bằng tại huyện Củ Chi và Bình Chánh cũng diễn ra ì ạch kéo dài.
Kết luận thanh tra cũng xác định quá trình thực hiện Dự án trồng mới và chuyển hóa rừng phòng hộ, rừng sản xuất tại Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc (Q.9) chưa thực hiện khảo sát đầy đủ hiện trạng, không kiểm đếm chủng loại cây để lại. Khi có thanh tra, Ban Quản lý rừng phòng hộ mới chống chế bằng báo cáo (số 183/BC-BQL) về số lượng gần 2.500 cây. Dù vậy, khi đoàn thanh tra thực hiện kiểm đếm thực địa đã thiếu mất 341 cây. Thanh tra TP HCM xác định trách nhiệm tại dự án này thuộc về Sở NNPTNT và Ban Quản lý Khu Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc.
Nhiều sai phạm kéo dài
Hiện nay, việc thực hiện công tác cung cấp giống cây trồng phân tán trên nhiều địa bàn và để xảy ra các sai sót về thực hiện thông báo mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu. Trong khi đó, hầu hết các tổ chuyên gia cũng không ký tên xác nhận về năng lực và kinh nghiệm.
Đơn cử đối với trường hợp tại Chi cục Kiểm lâm trong bán đấu giá tang vật tịch thu cũng để xảy ra các sai sót, khuyết điểm. Theo Thanh tra TP HCM, đơn vị này đã chưa thực hiện đầy đủ việc bán đấu giá theo quy định của Khoản 2 Điều 37 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Dù vậy, Sở NNPTNT và các đơn vị được giao đều chưa thực hiện đúng quy trình kiểm tra, giám sát hệ thống công trình thủy lợi; chưa xử lý kịp thời khi phát hiện vi phạm về xả thải. Hệ quả là nhiều trường hợp tổ chức, cá nhân đã có hành vi xả thải vào công trình thủy lợi không có giấy phép. Qua thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện có đến 58 đơn vị xả nước thải phát sinh ô nhiễm nguồn nước vào nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn TP HCM.
Mới đây, khi thông báo kết luận thanh tra tại Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi (gọi tắt là Công ty Thủy lợi) và Sở NNPTNT, Thanh tra TPHCM còn phát hiện lãnh đạo doanh nghiệp có các sai phạm trong tổ chức hoạt động và quản lý, sử dụng tài chính. Cụ thể, Công ty Thủy Lợi chưa có biện pháp triệt để giải quyết tranh chấp đơn giá nước kéo dài từ năm 2013 đến nay khiến doanh thu từ tháng 7/2013 đến tháng 6/2018 giảm hơn 179,3 tỷ đồng.
Đối với các thương vụ của doanh nghiệp trên với các đối tác là Công ty TNHH Công nghệ cao Anh Khoa và Công ty CP Tư vấn Đầu tư BT qua thanh tra phát hiện việc mua thiết bị không qua khảo sát giá dẫn đến việc mua lại 2 thiết bị với giá cao hơn 625 triệu đồng (cao hơn 60%), gây thất thoát lớn. Thanh tra TP HCM cũng chỉ ra Công ty Thủy lợi chỉ là đơn vị trung gian hưởng chênh lệch, nhưng từ những sai phạm trên đã làm phát sinh khoản công nợ phải thu hồi, khó đòi lên đến gần 3 tỷ đồng.
Điều đáng nói, theo phản ánh của cán bộ, công nhân viên tại Công ty Thủy Lợi, suốt một thời gian dài xảy ra tình trạng nhập nhèm trong quản lý, sử dụng tiền lương, chi phí nhân công thuê ngoài giờ, chi làm thêm giờ cho người lao động và viên chức quản lý tại công ty,…Khi Thanh tra TP HCM vào cuộc, phát hiện công ty Thủy Lợi đã chi hơn 176 triệu đồng cho viên chức quản lý làm thêm giờ trong các năm 2016, 2017 nhưng không có thông báo giao việc hoặc bản đăng ký làm thêm; không có bảng chấm công việc làm ngoài giờ và cũng không tính theo hệ số lương như quy định. Cá biệt, Giám đốc Xí nghiệp Cấp nước còn chỉ đạo lập hồ sơ chứng từ khống để quyết toán hơn 248 triệu đồng tiền nhân công.
Theo Thanh tra TP HCM, do Công ty Thủy lợi là thành viên trong liên danh được Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM chỉ định thực hiện gói thầu thuộc dự án Cải tạo kênh Ba Bò, nhưng thanh tra phát hiện khi trúng thầu công ty này đã ký kết tới 14 hợp đồng giao cho các đơn vị khác thực hiện dự án để hưởng hơn 4,7 tỷ đồng tiền chênh lệch.
Từ các sai phạm kể trên, kết luận thanh tra trách nhiệm Giám đốc Sở NNPTNT TP HCM, yêu cầu Sở này tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, đồng thời Sở NNPTNT cũng có trách nhiệm khi buông lỏng công tác phối hợp, kiểm tra xử lý vi phạm.