Quốc hội

Nhiều du khách bức xúc giữa vịnh Hạ Long không có sóng điện thoại

Việt Thắng 27/08/2024 19:51

Chiều 27/8, tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hoá sửa đổi.

Quản lý bảo vệ di sản dưới nước

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý còn 9 chương 100 điều. ĐB Hoàng Thị Thanh Thuý (Đoàn Tây Ninh) cho rằng, nên bổ sung vấn đề di sản địa chất vào dự thảo luật thay vì Luật địa chất khoáng sản. Vì di sản địa chất cũng là thiên nhiên, việc đưa vào trong luật để khai thác quản lý một cách đồng bộ và phù hợp. Bên cạnh đó, bà Thuý cũng kiến nghị cần quan tâm tới di sản văn hoá dưới nước để quản lý và bảo vệ. “Dự thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể để tạo hành lang pháp lý, giải quyết các vấn đề liên quan tới chính sách Nhà nước, làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND các cấp trong quản lý và bảo vệ loại di sản này”-bà Thuý nói.

202408270953109831_dsc_1276.jpg
Bà Hoàng Thị Thanh Thuý phát biểu

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, có 2 nội dung quan trọng trong dự thảo luật chưa được tiếp thu đầy đủ. Đó là quản lý bảo vệ di sản văn hoá ở dưới nước. Đây là vấn đề tại kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội đã có ý kiến.

Theo bà Nga, di sản văn hoá dưới nước là một bộ phận cấu thành di sản văn hoá nói chung, di sản văn hoá Việt Nam nói riêng. Di sản văn hoá vật thể vì nhiều lý do khác nhau đang ở dưới nước, có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học. UNESCO đã phê chuẩn công ước năm 2001 về bảo vệ di sản văn hoá ở dưới nước. Tại Việt Nam Chính phủ có ban hành nghị định số 86 năm 2005 về quản lý bảo vệ di sản văn hoá dưới nước.

270820240213-8695fc8bd3d4748a2dc55.jpg
Toàn cảnh hội nghị

Thực tế Việt Nam đang sở hữu một khối lượng không ít di sản văn hoá đang ở dưới nước, từ khai quật cổ vật ở dưới nước đã thu được nhiều hiện vật gốm sứ có giá trị. Hiện các cổ vật này đang được trưng bày phát huy giá trị tại một số bảo tàng văn hoá Việt Nam. Với đặc điểm địa lý Việt Nam có trên 3000 km bờ biển, trên 3000 hòn đảo bãi đá ngầm lớn nhỏ.

Vì vậy bà Nga kiến nghị, cần bổ sung thêm 1 điều quy định cụ thể về quản lý và bảo vệ di sản văn hoá dưới nước. Đồng thời bổ sung quy định về thăm dò, trục vớt, khai quật các di sản văn hoá để đảm bảo, cơ chế quản lý và phát huy di sản văn hoá dưới nước. Có như thế mới phát huy di sản văn hoá của Việt Nam, tránh tạo thành khoảng trống.

270820240258-13cc22810ddeaa80f3cf6.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận

Về vấn đề này, giải trình, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng cho hay, những gì đã chín đã rõ thì đưa vào luật. Cái gì chưa chín, chưa rõ thì tiếp tục nghiên cứu, và nên đưa vào Nghị định. Ví dụ như tàu đắm, xác tàu cũ, di vật, cổ vật bị chìm dưới đáy biển do thiên tai, bị chìm, môi trường sống. Thực tế mới trục vớt, xem xét các di vật, cổ vật. Còn các vấn đề có tính chất nghiên cứu sâu, ví dụ như kiến trúc cảnh quan, thành phố lớn bị chìm dưới nước hiện chúng ta chưa có điều kiện. Do đó nên xem xét đưa vào Nghị định. Sau này đầy đủ hơn, quá trình thực hiện chúng ta sẽ nâng lên thành các điều luật.

Phân cấp, phân quyền cho địa phương

ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) nêu nhiều băn khoăn về các quy định, thủ tục hành chính liên quan tới việc xây dựng các công trình trong và ngoài vùng đệm di sản, khu vực bảo vệ II của di tích. Cụ thể, về sửa chữa bảo vệ công trình trong khu vực bảo vệ di tích, theo bà Hà cần phân loại tiêu chí, làm rõ quy mô, loại hình công trình sửa chữa, cải tạo. Từ đó, phân cấp cho UBND cấp tỉnh cấp phép cho các công trình cải tạo, sửa chữa có quy mô nhỏ; công trình cấp bách ở khu vực bảo vệ II của di tích như hệ thống thoát nước, thu lôi chống sét, thu phát sóng.

Dự án luật hiện quy định xây dựng công trình kinh tế-xã hội trong khu vực bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt, thuộc danh mục di sản thiên nhiên thế giới, chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ.

Bà Hà nêu, với cách giải thích như của dự thảo, các công trình kinh tế-xã hội đã bao quát toàn bộ công trình xây dựng. Cách quy định như vậy còn rộng, cần cụ thể hóa các hạng mục công trình, dự án cần Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến bằng văn bản. Vì vậy đề nghị cần phân cấp cho UBND các tỉnh chủ trương đầu tư, xây dựng các công trình không tác động trực tiếp đến di tích, các công trình tạm, công trình đảm bảo an toàn tới di tích, di sản thế giới. Bà dẫn chứng: “Thực tế, nhiều công trình mất nhiều thời gian triển khai. Nhiều cử tri và du khách bức xúc với việc giữa vịnh Hạ Long không có sóng điện thoại. Lúc thời tiết bão gió không thể liên lạc với phương tiện tàu thuyền, bởi quy định để lắp cột thu phát sóng phải báo cáo Chính phủ”.

Bà Hà cũng đánh giá, dự thảo luật mới đề cập tới nội dung cải tạo nhà ở riêng lẻ mà chưa quy định về việc xây mới công trình này trong khu vực bảo vệ di tích. Vì vậy, dự thảo cần bổ sung quy định để làm cơ sở cho quản lý, đầu tư và xây dựng. Bên cạnh đó, bà Hà cũng lo lắng tác động của việc quy định xây dựng công trình ngoài vùng đệm của di sản, di tích vẫn phải báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền. Bởi theo bà Hà, hiện nay vùng đệm của các di sản và khu vực bảo vệ II của di tích đã quy định rất rộng, mất nhiều nhiều thời gian để được phê duyệt chủ trương, cấp phép. Nếu tiếp tục quy định chặt chẽ với các công trình ngoài vùng đệm, khu vực bảo vệ như dự thảo sẽ gây khó khăn cho các địa phương khi triển khai, khó thu hút được các dự án đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều du khách bức xúc giữa vịnh Hạ Long không có sóng điện thoại