Sáng 27/6, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã chủ trì Hội nghị nghiệm thu Đề tài khoa học cấp bộ "Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giám sát của MTTQ Việt Nam đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên".
Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu đề tài, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài cho biết, xác định giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên là hoạt động khó, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã nỗ lực tổ chức triển khai hoạt động giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên bước đầu đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế đặt ra, hiệu quả giám sát chưa cao, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định.
Nhằm nâng cao chất lượng giám sát của MTTQ Việt Nam đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên trong thời gian tới, đề tài đã đề xuất các giải pháp trọng tâm, bao gồm: nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, bản lĩnh chính trị của cán bộ MTTQ Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; đổi mới nội dung, phương thức giám sát của MTTQ Việt Nam đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; bảo đảm các điều kiện phục vụ tốt hoạt động giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, đóng góp ý kiến phản biện đối với nội dung nghiên cứu của đề tài. Đa số đại biểu cho rằng, trên cơ sở trình bày thực trạng về pháp luật và thực tiễn công tác MTTQ Việt Nam trong tham gia giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên tại nơi làm việc và nơi cư trú thời gian qua, đề tài đã góp phần cung cấp các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đáng tin cậy để phục vụ cho công tác nghiên cứu lý luận về vai trò của MTTQ Việt Nam trong hoạt động giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, Ban Chủ nhiệm đề tài đã tiến hành nghiên cứu công phu, trách nhiệm với đầy đủ các nội dung, đáp ứng được yêu cầu của một đề tài khoa học cấp bộ. Nội dung nghiên cứu phù hợp với yêu cầu của công tác Mặt trận, có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn, đặc biệt đối với việc giám sát những lĩnh vực khó, nhạy cảm.
Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, đề tài đã thu hút được sự tham gia nghiên cứu của các chuyên gia, các cơ quan Trung ương, sự tham gia của cán bộ Mặt trận tại các địa phương. Cùng với đó, Ban Chủ nhiệm đề tài cũng đã thực hiện các phương pháp nghiên cứu khoa học, tổng kết, đánh giá những kết quả nghiên cứu trước đây kết hợp với khảo sát thực tiễn tại địa phương, từ đó có cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất ra những giải pháp thiết thực.
Trên cơ sở các ý kiến phản biện tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu nghiêm túc các ý kiến nhận xét, đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, đặc biệt là các ý kiến phản biện tại Hội nghị để tiếp tục hoàn thiện đề tài, từ đó đề xuất các giải pháp đặc thù nhằm nâng cao chất lượng giám sát của MTTQ Việt Nam đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
Qua bỏ phiếu, Hội đồng nghiệm thu đã công nhận đề tài đạt loại xuất sắc.