Đại lễ tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn với sự kiện cung rước, chiêm bái và an vị tượng Phật hoàng là dịp người Việt trong và ngoài nước tri ân công lao và sự nghiệp vĩ đại của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Ngày 4/12, Ban tổ chức Lễ cung rước và an vị tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông cho biết, được sự chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, Ban Chấp hành họ Trần tỉnh Nam Định phối hợp với các đơn vị liên quan, buỗi lễ sẽ được tổ chức vào lúc 20h từ ngày 6 đến 20/12, trải qua nhiều địa điểm với nhiều sự kiện quan trọng.
Lễ cung rước và an vị được diễn ra đúng dịp Đại lễ tưởng niệm 712 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn.
Chương trình dự kiến vào lúc 20h ngày 6/12 (nhằm 22/10 Canh Tý) Đêm nghệ thuật - võ thuật Ngút trời Hào khí Đông A, được tổ chức tại Đền Thái Tổ Thái Thượng Hoàng Trần Thừa (tại thôn Vạn Khoảnh, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định).
Sau đó, 9h ngày 7/12 (nhằm 23/10 Canh Tý) sẽ diễn ra Lễ cung rước và an vị tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được khởi rước tại Đền Thái Tổ Thái Thượng Hoàng Trần Thừa.
Đến 9h ngày 14/12 (nhằm 1/11 Canh Tý), chiêm bái tôn tượng Phật Hoàng trong Đại lễ tưởng niệm 712 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn tại Việt Nam Quốc Tự (Thành phố Hồ Chí Minh).
Tiếp theo, 9h ngày 20/12 (nhằm 7/11 Canh Tý), Tôn tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được an vị theo nghi thức Phật giáo tại Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác (Tiền Giang).
Đến 10h cùng ngày, Lễ đặt đá xây dựng “Quần thể không gian Thiền sư Việt” sẽ được diễn ra tại Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác.
Theo Ban tổ chức cho biết, Tôn tượng Phật Hoàng được cung rước trong dịp này được làm bằng gốm đỏ Luy Lâu ở tư thế ngồi lớn nhất từ trước đến nay (cao 2m2), thể hiện hình ảnh Đức Vua Trần Nhân Tông cởi bỏ Hoàng bào bên suối quy Phật.
Dịp này, “Quần thể Không gian Thiền sư Việt” tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác cũng bắt đầu được xây dựng góp phần tôn vinh lịch sử Thiền Việt qua hệ thống chân dung các vị thiền sư: Mãn giác thiền sư, Tuệ Trung thượng sĩ, tam tổ Trúc Lâm... và 18 vị La Hán chùa Tây Phương..., nhiều bia đá với những bài kệ của các Thiền sư Việt danh tiếng suốt hơn hai thiên niên kỷ qua.
Đặc biệt, nét độc đáo của quần thể này sự phục dựng lại thánh địa Ngọa Vân - nơi Đức Vua Trần Nhân Tông hóa Phật - bằng chất liệu chủ yếu là gốm cổ Luy Lâu - địa danh phát tích Phật giáo Việt Nam.