Nhiều lễ hội đang đưa đến mặt trái

Hoàng Minh (thực hiện) 16/02/2016 10:54

Đã đến lúc cần có biện pháp mạnh để giải quyết tình trạng “bội thực” lễ hội cũng như góp thêm một hành động có ý nghĩa để giảm áp lực cho ngân sách đang phải “cõng” quá nhiều thứ chi tiêu hiện nay”. Bên cạnh đó, quá nhiều lễ hội đang đưa tới những mặt trái không mong muốn, khiến nó ngày càng xô bồ, bát nháo, lãng phí tiền của và thời gian của hàng triệu người – đó là chia sẻ của GS. Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam nhân một mùa lễ hội mới.

Lễ hội chùa Hương 2016.

Những tranh cãi về nghi thức trong lễ hội truyền thống đã lắng xuống, công tác tổ chức và quản lý lễ hội ở nhiều địa phương đã được tiết chế, điều chỉnh cho hợp lý hơn, việc thực hiện nếp sống văn minh ở các lễ hội đã và đang dần được cải thiện... Đó là những biểu hiện dễ nhìn thấy nhất ở đầu mùa lễ hội 2016. Dẫu vậy những vấn nạn trong các lễ hội truyền thống chưa thể vào nề nếp như mong đợi ngay trong một sớm một chiều. PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với GS. Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam.

PV: Thưa ông, rõ ràng mỗi mùa lễ hội mới, những nỗi lo cũ luôn khiến nhà quản lý và cộng đồng phải đau đầu. Liệu chúng ta có thể khắc phục được triệt để vấn nạn của lễ hội hay không?

GS. Ngô Đức Thịnh: Điều đáng lo ngại nhất là xu hướng thương mại hóa ngày càng nặng nề trong việc tổ chức các lễ hội. Nhiều lễ hội hiện nay cứ nhăm nhăm vào hiệu quả kinh tế đã khiến lễ hội ngày càng biến tướng, kể cả các lễ hội tầm cỡ quốc gia, đang dần làm mai một giá trị và ý nghĩa tốt đẹp ban đầu.

GS. Ngô Đức Thịnh.

Như vậy, quá nhiều lễ hội đang đưa tới những mặt trái không mong muốn, khiến nó ngày càng xô bồ, bát nháo, lãng phí tiền của và thời gian của hàng triệu người. Người ta bàn nhiều về việc giảm hội họp, giảm đi công tác nước ngoài để đỡ gánh nặng cho ngân sách. Đã đến lúc cần có biện pháp mạnh để giải quyết tình trạng “bội thực” lễ hội cũng như góp thêm một hành động có ý nghĩa để giảm áp lực cho ngân sách đang phải “cõng” quá nhiều thứ chi tiêu hiện nay. Nếu thử hình dung, với số lượng lễ hội đó, nhân với nguồn ngân sách tổ chức lễ hội dù nhỏ là vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng thì chi tiêu là rất lớn. Chưa kể khi lễ hội được tổ chức, ngân sách còn được sử dụng cho nhiều công tác khác như thanh tra, kiểm tra… Đối với các doanh nghiệp, dịp đầu năm mới luôn là thời điểm ám ảnh, bởi lao động nghỉ đi lễ hội. Đây là một lực cản lớn cho phát triển kinh tế, là thứ ghìm chân, khiến tác phong lao động người Việt không thể chuyên nghiệp.

Thưa ông, những năm gần đây ở góc độ quản lý nhà nước cơ quan chức năng yêu cầu giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, ngày hội. Hiện có ý kiến cho rằng sở dĩ có những tồn tại trong lễ hội lâu nay lỗi một phần xuất phát ở cộng đồng?

- Như tôi đã phân tích rất nhiều lần trước mỗi mùa lễ hội, hiện tượng “quan chức hóa” lễ hội đang là nguy cơ đe dọa và làm biến tướng nghiêm trọng lễ hội hiện nay. Những nét hồn hậu, tự nhiên của lễ hội đang dần bị mất đi, bởi ngưởi tổ chức đã cố tình can thiệp để đưa tiếng nói của quan chức vào đó. Thậm chí, chính một bộ phận quan chức đó sẽ quyết định đến tiến trình của lễ hội. Trong khi đó, tính thiêng của lễ hội chủ yếu là bởi nó được gắn với một khoảng thời gian, không gian nhất định và kèm theo đó phải là sự thành tâm của con người. Còn những hiện tượng thái quá tại các lễ hội thì có đấy nhưng nguyện vọng của người dân là tối thượng. Chính ta làm sự ngăn cách giữa người dân với tín ngưỡng như thế là xâm phạm đến danh dự của quốc gia...

Cảnh tượng quá tải vẫn là hình ảnh quen thuộc tại lễ hội Chùa Hương (Hà Nội). Ảnh: Anh Tuấn.

Cũng có quan điểm cho rằng việc tổ chức và quản lý lễ hội không nên theo kiểu “hành chính hóa”. Dẫu vậy trên thực tế nếu chúng ta kết hợp uyển chuyển để những nghi thức truyền thống được chấp nhận trong cuộc sống hiện đại, đó cũng chính là sự thành công trong công tác bảo tồn di sản. Quan điểm của ông thì sao?

- Sự bất cập hiện nay là một số cơ quan quản lý nhà nước can thiệp vào việc điều hành, tổ chức lễ hội quá nhiều. Hãy để người dân, cộng đồng đã sản sinh ra lễ hội đó tự làm việc này. Tôi tin chắc rằng họ sẽ tổ chức, điều hành một cách hết sức hợp lý, an toàn, như cha ông họ đã từng làm từ hàng trăm năm nay. Hội, lễ hội là của dân, do dân tổ chức ra từ chính nhu cầu thực tại của họ nhưng đang có hiện tượng trục lợi, vì những người được giao tổ chức nhiều khi nhảy vào “đạo diễn” các lễ hội dân gian, theo hiểu biết lơ mơ của mình. Có người lễ hội nào cũng nhảy vào đạo diễn hoặc xí phần tổ chức, thế nên nhiều lễ hội dân gian cứ na ná nhau. Còn nếu như người dân không đồng tình, ủng hộ cách quản lý của chính quyền sở tại thì lễ hội ấy sẽ chết hoặc mờ nhạt.

Chúng ta đều biết, lễ hội dân gian do cộng đồng làng xã tạo dựng nên. Nó xuất phát từ nhu cầu, ước vọng của từng người dân, của cộng đồng đó từ ngàn đời truyền lại đến nay. Mỗi cộng đồng, mỗi lễ hội đều có những đặc tính riêng. Nhưng dù nói thế nào, theo tôi đã lễ hội là dân dã, đông vui, náo nhiệt. Lễ hội không phải là một cuộc duyệt binh phải chỉnh tề, đúng khuôn phép.

Trân trọng cảm ơn ông!

Sẽ kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại nhiều địa phương

Theo thông tin từ Bộ VHTT&DL, từ ngày 16-2 đến 31-3, các đoàn kiểm tra do Bộ trưởng và các Thứ trưởng làm trưởng đoàn sẽ đến kiểm tra công tác tổ chức và quản lý lễ hội tại nhiểu tỉnh thành trong cả nước theo kế hoạch và có những đoàn kiểm tra đột xuất (không theo kế hoạch) nhằm đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ VHTT&DL về tổ chức các hoạt động văn hóa vui chơi giải trí đầu xuân và công tác quản lý, tổ chức lễ hội, kiểm tra việc thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội, tổ chức hoạt động lễ hội.

Việt Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều lễ hội đang đưa đến mặt trái

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO