Đây là đánh giá của các đại biểu tại Tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm kiểm toán và các phát hiện kiểm toán trong kiểm toán môi trường”, do Kiểm toán nhà nước tổ chức ngày 25/8 tại Hà Nội.
Với quan điểm nhất quán “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, nhiều chính sách, quy định đã được ban hành nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức về môi trường như ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn; ô nhiễm đất, nguồn nước tại các khu vực sản xuất công nghiệp tập trung; vấn đề biến đổi khí hậu và sự suy thoái về tài nguyên, đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, quá trình tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh và cường độ cao sẽ đem lại những tác động tiêu cực kép cho môi trường và tăng trưởng kinh tế.
Theo cảnh báo của các chuyên gia môi trường quốc tế, trong 15 năm tới, GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức công tác bảo vệ môi trường, tính trung bình GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi khoảng 3% GDP.
Thực tiễn triển khai cũng cho thấy, các quy định về bảo vệ môi trường mặc dù tương đối đầy đủ về số lượng, nhưng còn chưa đồng bộ, thiếu tính khả thi, còn có sự chồng chéo trong phân công trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý, nhiều vấn đề chưa thống nhất giữa Luật Bảo vệ môi trường và các bộ Luật khác…
Trước thực trạng trên, trong những năm qua, Kiểm toán nhà nước Việt Nam cũng đã từng bước thực hiện kiểm toán môi trường, trong đó tập trung vào các vấn đề môi trường nóng, đang được Nhà nước và người dân quan tâm như môi trường khu công nghiệp, chất thải y tế, nhập khẩu phế liệu… từ đó đã đưa ra nhiều kiến nghị sửa đổi về cơ chế, chính sách và các giải pháp tăng cường công tác quản lý môi trường.
Mặc dù quá trình kiểm toán trong lĩnh vực môi trường mang lại nhiều kết quả, tuy nhiên theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên, công tác kiểm toán trong lĩnh vực môi trường những năm qua thực tế vẫn thiên về việc đánh giá tính hiệu lực, tuân thủ các cơ chế, chính sách pháp luật hiện hành trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường, chưa đưa ra được những cảnh báo về ô nhiễm môi trường và đánh giá tác động tiêu cực của vấn đề này đối với phát triển kinh tế, xã hội và đặc biệt là sức khỏe, đời sống của người dân.
Chuyên đề kiểm toán mới chỉ tập trung về công tác quản lý, xử lý chất thải, chưa mở rộng sang các vấn đề đã được các cơ quan kiểm toán trên thế giới thực hiện như ô nhiễm không khí, đất, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, phát triển bền vững.