Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhất đồng bằng sông Cửu Long, với gần 470 nghìn người, trong đó đồng bào Khmer có hơn 400 nghìn người, chiếm 30,71% dân số toàn tỉnh.
Nhiều mô hình phát triển kinh tế đã giúp đồng bào Khmer thoát nghèo.
Thời gian qua các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh đã thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, thiết thực trong việc chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân, nên đời sống vật chất, tinh thần đồng bào ngày càng được cải thiện đáng kể…Tại các phum sóc bà con hình thành nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, đem lại thu nhập cao như: trồng trọt kết hợp chăn nuôi, mô hình tôm - lúa, cá - lúa, nuôi bò sữa, nuôi gà, trồng nấm rơm… giúp hàng chục nghìn hộ thoát nghèo.
Điển hình như ấp Prey Chóp là một trong những địa bàn đặc biệt khó khăn của xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu với khoảng 80% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Thực hiện chương trình giảm nghèo thông qua đề án vay vốn tín chấp để hỗ trợ hộ đồng bào Khmer nghèo chăn nuôi bò, đã có 8 hộ được hỗ trợ 8 con bò sinh sản với số tiền 202 triệu đồng. Bà con được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò, cũng như cách làm chuồng trại... nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Cùng với đó, hầu hết các xã có đông đồng bào DTTS đều có trường trung học cơ sở, trạm y tế và đường ô tô đến trung tâm xã. 97% người dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh, trong đó có 95% đồng bào dân tộc được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ Khmer có điện sử dụng đạt 99,4% tổng số hộ Khmer… từ đó tạo điều kiện cho đồng bào DTTS phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục có nhiều tiến bộ, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS trong năm giảm trên 3%.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh đã thực hiện việc kéo điện sinh hoạt cho gần 6.600 hộ dân, trong đó có 1.700 hộ dân tộc Khmer, hơn 5.250 lao động người dân tộc Khmer được giải quyết việc làm.
Hàng năm, các cấp, các ngành cũng luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào người DTTS sinh hoạt các lễ, hội theo truyền thống như Tết Chôl Chnăm Thmây, Đôn Ta, lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo, lễ dâng bông, lễ hộ kỳ yên, vu lan, cúng đình, miếu…; đồng thời, còn tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, chúc mừng các gia đình người Khmer, người Hoa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, MTTQ thì có sự đóng góp đáng kể của người có uy tín ở địa phương. Hiện toàn tỉnh có 1.459 người có uy tín có phạm vi ảnh hưởng đến cộng đồng, bằng uy tín, sự am hiểu thực tiễn, phong tục tập quán, họ luôn gương mẫu đi đầu thực hiện các phong trào ở địa phương, rồi tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc cho đồng bào DTTS tại địa phương.
Riêng trong năm 2016, người uy tín đã vận động đồng bào, mạnh thường quân ủng hộ quỹ Vì người nghèo và các hoạt động an sinh xã hội 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các mô hình hay như: “người có uy tín làm nhiều việc tốt”; “KDC hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”; “KDC phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội”; “hàng rào, cột cờ, điện thắp sáng”; “áo trắng cho học sinh nghèo”; phong trào hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, xây cầu, đường, khoan giếng nước và các công trình phúc lợi dân sinh khác... đã phát huy tác dụng góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại địa phương.