Ngày 27/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23/CT-TTg về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, MTTQ Việt Nam với vai trò phối hợp chỉ đạo rà soát, giám sát việc thực hiện... Ngày 5/12/2013, Ban Thường trực Ủy ban TW MTTQ Việt Nam đã cùng Bộ LĐTB&XH ký Chương trình phối hợp để triển khai tổng rà soát... Sau gần hai năm, cuộc rà soát đã thu được nhiều kết quả. Nhiều cá nhân, gia đình đã được hưởng chính sách. Bên cạnh đó, không ít đối tượng
Ảnh minh họa.
Nguồn: thanglong.chinhphu.vn
Nhiều người đã được hưởng chính sách
Với hơn 8,8 triệu người có công được điều chỉnh bởi Pháp lệnh về người có công, hơn 14.000 văn bản liên quan, tuy nhiên như Chỉ thị 23/ CT-Ttg nêu, công tác thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng chưa được quan tâm đúng mức, còn chưa xử lý kịp thời một số tồn đọng...thậm chí việc tổ chức thực hiện chính sách còn sai sót, tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội. Bởi vậy, yêu cầu của đợt rà soát chính sách rất cao.
Như Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu, đây là việc làm mới, chưa có tiền lệ nên đòi hỏi sự nỗ lực, sáng tạo với quyết tâm “để chính sách phải được thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng, công bằng, không để sót một ai”. Với cương vị là người đứng đầu Mặt trận, chủ trì trong công tác phối hợp, giám sát, rà soát chính sách, Chủ tịch càng yêu cầu khắt khe, cụ thể hơn với mỗi địa phương. Ngay những ngày đầu tiên của đợt rà soát, khi tiếp xúc với cử tri tại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), khi nghe phản ánh của Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Hoàng Vân về một trường hợp chính sách còn thiếu sót, Chủ tịch đã đề nghị trực tiếp đến gặp ông để giải quyết...
Và rồi, đúng như Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân kỳ vọng: “Chắc chắn qua lần này sẽ phát hiện được những người có công và gia đình chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi của Nhà nước, ngoài ra cũng sẽ phát hiện những đối tượng được hưởng sai chính sách để loại bỏ”.
Theo Báo cáo của Bộ LĐTB&XH, đến hết năm 2014, với tổng số đối tượng rà soát là 2.070.812, số đối tượng hưởng đúng, hưởng đủ chính sách là 1.982.796 người, chiếm tỷ lệ 95.75%; số đối tượng hưởng chưa đầy đủ chính sách là 86.201 người, chiếm 4.16%; và số đối tượng hưởng sai chính sách là 1.872 người, chiếm tỷ lệ 0.09%.
Và rồi cùng với những phát hiện, giám sát, tiếp tục rà soát, đến nay, theo báo cáo của 61/63 tỉnh thành, cho thấy tổng số hưởng chưa đầy đủ còn 75.978 trường hợp, hưởng sai chính sách là 2.901, đề nghị xác nhận là 64.727 trường hợp. Trong số 75.978 trường hợp phát hiện chưa đầy đủ, các địa phương đã giải quyết cho 47.134 trường hợp; đang xem xét 11.496 trường hợp tiếp theo.
Đảm bảo công bằng
Như vậy, với hơn trăm ngàn trường hợp đã và đang được xem xét để trợ cấp, xác nhận, thì con số gần 3.000 trường hợp hưởng sai chính sách là con số không lớn. Tuy nhiên, việc phải loại bỏ các đối tượng hưởng sai, hưởng không đúng, nhất là các đối tượng giả danh người có công là yêu cầu cần thiết để đảm bảo công bằng. Từ năm 2012 đến 6/2015, Thanh tra Bộ LĐTB&XH đã tiến hành thanh tra tại 22 lượt tỉnh, thành phố, 01 quân khu, cùng 63 tỉnh, thành phố rà soát việc di chuyển đối với đối tượng thương binh, người hưởng chế độ chất độc hóa học.
Qua kiểm tra 18.966 hồ sơ, cho thấy số hồ sơ có dấu hiệu sai phạm là 3.241 hồ sơ, chiếm 17,17%. Có 1.364 hồ sơ (chiếm 7,23%) đã bị đình chỉ, tổng số tiền đã thu hồi là 38,7 tỷ đồng. Qua rà soát hồ sơ di chuyển giữa các địa phương trong toàn quốc, thời điểm từ 2006 đến 2012, trọng tâm hồ sơ thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học, đã phát hiện 311 trường hợp giả mạo hồ sơ tại 22 tỉnh, thành phố; chiếm hưởng số tiền 14,6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Thanh tra các địa phương đã tiến hành thanh tra (từ 2008 đến hết 2013), tại 63 tỉnh, thành phố đã có 7.085 người bị đình chỉ chi trợ cấp sai, trong đó do giả mạo, khai man hồ sơ là 4.230 người, lý do khác là 2.855 người. Số đối tượng bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự là 1.762 người, số đối tượng bị đưa ra xét xử là 48 người. Cùng với đó, Cơ quan điều tra hình sự của các Quân khu đã phát hiện nhiều đường dây làm giả hồ sơ người có công, thu hồi nhiều tỉ đồng bị trục lợi từ ngân sách Nhà nước.
Người có công không hoặc chưa được hưởng chính sách, trong khi các đối tượng giả mạo, luồn lách, chạy chọt hay chưa đủ điều kiện lại được hưởng chính sách đã tạo nên sự thiếu công bằng, gây nên nhiều tâm tư. bất bình trong xã hội. 7/14 đối tượng được tập trung rà soát lần này: Liệt sĩ và gia đình liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người có công giúp đỡ cách mạng; Cựu thanh niên xung phong đã được MTTQ, Bộ LĐTB&XH trực tiếp rà soát, giám sát cùng với sự tham gia trực tiếp của các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu TNXP...
Từ đó, gần trăm trường hợp chưa được hưởng, hưởng chưa đủ chính sách đã được bổ sung; hàng chục ngàn trường hợp đang được xem xét. Cũng đã có hàng ngàn đối tượng hưởng sai, giả mạo đã bị thu hồi, xử lý. Với tinh thần như Bộ LĐTB&XH đã nêu, những trường hợp chưa được hưởng đầy đủ, cần cố gắng làm để cho họ hưởng. Những trường hợp hưởng sai, cần phải xem xét, phân loại hồ sơ và giải quyết vấn đề tồn đọng kịp thời. Những trường hợp được cho là người có công nhưng chưa được hưởng chế độ, đề nghị các địa phương cần phải tổng hợp, lập danh sách và báo cáo xem xét. Theo dự kiến, đến hết tháng 8 này, các cơ quan sẽ hoàn chỉnh hồ sơ để Bộ LĐTB&XH và Ủy ban TW MTTQ Việt Nam tổng kết báo cáo Chính phủ, Quốc hội và Nhân dân. Đây là một việc làm để đảm bảo công bằng, lấy lại niềm tin với chính những người có công và xã hội.
Như Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Qua đợt tổng rà soát này, nhận thức và đánh giá của chúng ta về thực hiện chính sách đối với người có công sẽ định lượng hơn, khoa học và thực tiễn hơn; đồng thời góp phần đem lại niềm tin cho nhân dân đối với xã hội, tôn vinh những người có công với đất nước”.