Dưới sự ảnh hưởng của mạng xã hội, reviewer ngày nay cũng được coi là một loại công việc, thậm chí còn là công việc “hot”. Tuy nhiên, hiện nay, có nhiều trường hợp reviewer lợi dụng sự ảnh hưởng của mình trên mạng xã hội để đưa ra những thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người khác.
Ảo tưởng sức mạng trên mạng xã hội
Trong tuần qua, cộng đồng mạng chứng kiến một vụ việc liên quan đến nữ tiktoker L.T.Đ.N - được biết đến từ những video chia sẻ công thức nấu ăn, cuộc sống cùng người chồng Nhật Bản đã có bài đăng "bóc phốt" một bác sĩ làm việc không có tâm khi cô gái này cùng chồng đến bệnh viện để thụ tinh nhân tạo.
Được biết kênh YouTube của cô sở hữu có hơn 754.000 lượt đăng ký và hơn 5 triệu follow trên tiktok đăng tải video bóc phốt, cho rằng việc làm của bác sĩ không nhất quán trong việc thông báo thời gian chọc hút trứng sau khi kích trứng gây ảnh hưởng đến khả năng có con của vợ chồng cô.
Đáp trả lại lời tố cáo của bệnh nhân, phía bác sĩ khẳng định bệnh nhân đang cố diễn, cố tình "tạo phốt" để thu hút sự chú ý. Trong quá trình điều trị hiếm muộn, người phụ nữ không làm đúng theo liệu trình, thời gian, bỏ bê để đi quay video hay đi dự tiệc tùng.
Đến chiều ngày 14/3, vợ chồng nữ tiktoker đã tổ chức "họp báo" và cúi đầu xin lỗi vị bác sĩ trong vụ việc, khẳng định bản thân không đem chuyện tìm con ra câu view, hay làm thương mại.
Sau sự việc trên, cộng đồng mạng đã biết hành động của người phụ nữ này là hoàn toàn sai, thậm chí còn gây ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp và công việc của bác sĩ.
Việc thu hút một lượng người theo dõi kha khá trên các trang mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Youtube,... khiến cho một số người tự cho mình là người có tầm ảnh hưởng, là ngôi sao trên mạng, sau đó đi bóc phốt, dựng chuyện, gây sức ép cho người khác. Đáng nói hơn, nhiều người lại lợi dụng những "drama", những câu chuyện do mình tạo ra để làm "content" (nội dung) câu "view", kéo thêm tương tác để mọi người biết đến.
Nhìn lại khoảng thời gian trước, cũng là câu chuyện làm content, một nam tiktoker tại TP HCM có lượng theo dõi lớn chuyên đăng tải video review quán ăn và làm từ thiện đã có những phát ngôn gây tranh cãi lớn khi dùng những ngôn từ miệt thị người nghèo.
Sau khi bị cộng đồng mạng chỉ trích, thay vì ăn năn hối cải, nam tiktoker này vẫn tiếp tục quay video, lập tài khoản mới làm nội dung tương tự, đặc biệt vẫn giữ thái độ "không làm gì sai" khiến cho nhiều người vô cùng bức xúc.
Đáng nói hơn, tại tài khoản mới, lượng tương tác và theo dõi trang tiktok của nam thanh niên nói trên vẫn rất cao, cho thấy vẫn có nhiều người thờ ơ với hành động của tiktoker này, góp phần khiến cho tiktoker tiếp tục giữ sự "ảo tưởng" quyền lực trên mạng xã hội của mình.
Chỉ đến khi cơ quan chức năng tiến hành làm việc với nam tiktoker, khiến những tài khoản của thanh niên này lập tức bị khoá thì sự việc mới dừng lại. Sự vào cuộc cứng rắn của các ban, ngành quản lý là điều vô cùng cần thiết và đúng đắn đối với những trường hợp này.
Mỗi một hành động trên mạng đều phải có sự điều chỉnh của đạo đức và pháp luật
Chuyện “ảo tưởng sức mạnh” trên mạng là không hiếm, song kể từ khi tiktok hay youtube càng phổ biến, khâu kiểm duyệt nội dung cũng hạn chế nên nhiều vlogger, tiktoker hễ đụng chuyện, có mâu thuẫn với người khác là sẵn sàng lên mạng làm to chuyện, “bóc phốt”, khẩu chiến kịch liệt với ngôn ngữ “chợ búa” với đối thủ, thậm chí còn kéo nhau đi “dằn mặt” đối phương.
Bàn về vấn đề này, chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam từng chia sẻ, chúng ta đang sống ở trong một "nền kinh tế chú ý" và sự chú ý của người khác có thể mang lại tài chính, danh vọng cho một cá nhân.
"Hiện nay, với những kênh tiktok hay youtube khi thu hút được lượng xem lớn, thu nhập của người sáng tạo sẽ rất khủng khiếp. Vì những nguồn lợi đó, càng ngày sẽ có càng nhiều người trẻ bất chấp tạo ra những nội dung mang tính chất gây sốc, hay thậm chí là lệch lạc, miễn sao có thể thu hút được người xem", tiến sĩ Nam nhận định.
Không chỉ với những người có chút ảnh hưởng trên mạng xã hội, ngay cả một số bạn trẻ đôi khi cũng tự cho mình cái quyền được đánh giá người khác. Đáng nói, sự việc của các tiktoker, youtuber,... lại chính là nguyên nhân khiến các bạn trẻ học theo.
Theo tiến sĩ Bùi Thị Phương Thảo, chuyên gia tâm lý học, giảng viên Trường Đại học Thủy lợi, hiện nay việc quản lý và định hướng giá trị văn hóa trên không gian mạng đang bị thả nổi. Những người sử dụng mạng xã hội như tiktok, youtube... phần lớn là người trẻ, những người mà bản thân cũng chưa định hướng được giá trị văn hóa, chưa có văn hóa thấm nhuần, sự hiểu biết còn non, còn nông.
Khi đã có ấn tượng thì tiktoker nói gì cũng thấy hay, thấy đúng, thấy tin tưởng và làm theo, coi đó là trend, dù trend đó không có giá trị gì. Có thể nhiều người trưởng thành không biết đến tiktoker đó là ai, nhưng nếu hỏi các bạn học sinh cấp 2, cấp 3 thậm chí là cấp 1 thì đều biết hết, vì nếu không xem, không theo dõi sẽ bị bạn bè chê cười, cho rằng lạc hậu, không bắt kịp trend.
Lứa tuổi học sinh, bạn bè cực kỳ quan trọng. Bạn bè chơi gì thích gì là cũng theo, cũng thích cho bằng được để được chơi cùng. Vì thế mà giới trẻ theo nhau follow các hot tiktoker. Điều đó làm cho những hot tiktoker cũng là những người trẻ nhầm tưởng rằng, được nhiều người chú ý là trở thành nghệ sĩ, thành người nổi tiếng. Trong khi không gian mạng là ảo. Ngoài đời thực, họ không là gì cả.
Tóm lại, kết cục của những cá nhân nói trên cũng là bài học lớn cho “người nổi tiếng” trên mạng xã hội. Để biết rằng các ứng dụng mạng chỉ là công cụ chứ không phải vũ khí và mỗi một hành động trên mạng đều phải được sự điều chỉnh của đạo đức và pháp luật, không phải nhiều view, nhiều fan hâm mộ thì “muốn làm gì thì làm”.