Trong bối cảnh dịch bệnh, người mất việc làm tăng lên, thu nhập bị ảnh hưởng nên số người tìm đến các ứng dụng cho vay tiền qua mạng nhiều hơn.
Vay qua ứng dụng tăng cao
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát hồi cuối tháng 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý II. Đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết dịch Covid-19 đã khiến 12,8 triệu người bị mất việc làm phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... Số người bị ảnh hưởng tiêu cực đã tăng thêm 3,7 triệu lao động so với quý I.
Chị Đỗ Thị Quế (49 tuổi), quê gốc Xuân Trường, Nam Định sau nhiều năm vào TP Hồ Chí Minh làm giúp việc chị đã chính thức trở về quê.
Chị Quế không ngại ngần chia sẻ, chị cũng đã tích cóp được một khoản tiền hơn 200 triệu sau hơn 6 năm làm giúp việc. Hơn 3 tháng trở lại đây, dịch Covid-19 liên tiếp bùng lên, nên gia đình gia chủ cũng ít việc, anh chị nhà chủ cũng có thời gian ở nhà nhiều hơn. Nếu như tiếp tục nhận mức lương như cũ thì chị thấy áy náy vì cả xã hội khó khăn hơn bội phần. “ Ít việc hơn nên từ tháng 4 tôi tính nghỉ hẳn về quê ở với em trai, cùng em trai làm phụ hồ. Tiền dành dụm từ trước thì gửi được tiết kiệm”, chị Quế nói và thêm rằng, may nhà mình còn quyết định sớm để về quê. Chứ chậm một vài tháng chờ đến bây giờ thì chỉ mắc kẹt ở TP Hồ Chí Minh, không biết xoay sở như thế nào.
Giai đoạn này, khi TP Hồ Chí Minh và Bình Dương bùng phát các ổ dịch Covid-19, nhiều người lao động đến nơi đây làm việc đã không còn việc để làm, sống khó khăn qua ngày.
Nhưng không phải ai cũng dành được tiền để khi khó khăn lại đưa ra sử dụng. Nhiều trường hợp khác thu nhập giảm, hàng năm không tích cóp được trong khi vẫn phải trang trải các hoạt động tối thiểu cho gia đình nên buộc phải tìm đến các ứng dụng cho vay qua mạng.
Bà Natalia Kovalenko, Giám đốc điều hành Công ty Lendtop, nền tảng MoneyCat cho biết tại các thời điểm như dịch bệnh, người dân bị ảnh hưởng nhiều hơn, có người mất việc làm hay giảm thu nhập do các cơ sở kinh doanh đóng cửa, thiếu tiền chi tiêu khi ốm đau,… họ sẽ tìm đến các ứng dụng cho vay nhiều hơn.
Tìm hiểu thông tin trên một số diễn đàn bàn về vay tín dụng đen, một số cá nhân cho biết không còn cách nào khác mới phải vay qua ứng dụng (app). Anh Nguyễn Trung Hiếu (Nam Định) kể, anh lên Hà Nội kiếm sống đang làm chạy bàn cho một cửa hàng ăn vì dịch nên cửa hàng tạm đóng cửa. Rồi ở quê điện lên thông báo bà bác bị dịch ở thận trái phải lên Bạch Mai mổ. Anh Hiếu là cháu, vào viện thăm bác, vì không có tiền dư nên đành tìm hiểu app drdong vay tiền. “Ấn vay 3, 5 triệu mà cũng chỉ được vay 1,5 triệu”, anh Hiếu kể.
Hiện nay có rất nhiều người dùng đang sử dụng các khoản vay vi mô ngắn hạn để giải quyết các vấn đề tài chính lớn của họ. Thay vì phải chờ đợi quyết định cho vay từ ngân hàng trong 2-3 ngày, người dùng quyết định đăng ký vay trên nhiều ứng dụng cho vay khác nhau. Bằng cách này họ có được khoản vay nhanh chóng hơn, tuy nhiên đây lại không phải là giải pháp đúng đắn để họ giải quyết vấn đề tài chính của mình.
Khách hàng phải tỉnh táo
Cũng liên quan đến tín dụng đen, nhiều người còn đen hơn khi không vay cũng bị ép vay. Và nếu không cảnh tỉnh sẽ trở thành con nợ.
Chị H.T.B.L. kể, vào thời điểm đầu tháng 4, chị có cài ứng dụng vay tiền online CCWallet. Khi đăng ký thông tin vay thì sẽ gửi mã bảo mật về điện thoại. Chị L. đã đăng ký thông tin vay và được báo duyệt cho vay khản vay 70 triệu. Chờ tin nhắn từ tổng đài thẩm định.
Ít phút sau, có tin nhắn gửi đến từ CCWallet gửi đến với nội dung phải chuyển khoản trước 10% khoản vay tương ứng 7 triệu đồng để làm tin. Khi chuyển xong 7 triệu, chị L. sẽ nhận được mã mật khẩu để đi rút tiền. Số tiền được Wallet chuyển là 77 triệu.
“Vì thấy không ổn nên mình quyết định nhắn lại tin nhắn để báo là không vay tiền nữa. Ngay lập tức mình nhận lại một tin nhắn khác với nội dung thông báo rằng đã chuyển tiền vô ứng dụng cho vay. Nếu không vay cũng phải thanh toán phí vì đã lên hợp đồng. Sau đó còn doạ dẫm đủ điều”, chị L. kể. Chị L. cho biết chị có chụp lại tất cả các tin nhắn để cảnh báo người thân quen biết, để không ai bị lừa.
Giới chuyên gia đưa ra lời khuyên khách hàng phải luôn tỉnh táo, tự chủ và chọn cho mình phương pháp tốt nhất trước khi quyết định đăng ký vay trên bất cứ nền tảng nào.