Sáng 29/7, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2024. Theo đó, CPI tháng 7/ 2024 tăng 0,48% so với tháng trước. Trong tháng có 10/11 nhóm mặt hàng tính CPI đều tăng giá, nhưng đóng góp quan trọng cho mức tăng trên 3 nhóm hàng hóa, bao gồm: Giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới.
Trong đó, giá điện sinh hoạt tăng 1,39% so với tháng trước; nước sinh hoạt tăng 0,22% do nhu cầu sử dụng của người dân tăng. Giá dầu hỏa tăng 4,02% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng. Bên cạnh đó, giá dầu diezel tăng 4,07%; giá xăng trong nước tăng 3,55% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng.
Bên cạnh các nhóm hàng hóa tăng giá trên, cơ quan thống kê cũng chỉ ra, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tiếp tục tăng 0,26% so với tháng trước. Đây đều là các mặt hàng thiết yếu nên việc tăng giá ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.
Ngoài giá một số mặt hàng gạo giảm nhẹ so với tháng trước thì giá khoai tăng 2,63%; ngô tăng 1,68%; bột mỳ và mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền cùng tăng 0,42%; miến tăng 0,32%; bột ngô tăng 0,27%; ngũ cốc ăn liền tăng 0,26%.
Đối với nhóm thực phẩm, chỉ số giá tháng 7/2024 tăng 0,31% so với tháng trước, tăng chủ yếu ở một số mặt hàng sau: Giá thịt lợn tăng 0,79% so với tháng trước. Tính đến ngày 25/7, giá thịt lợn hơi dao động từ 62.000 - 66.000 đồng/kg. Theo đó, giá mỡ động vật tăng 1,45%; thịt quay, giò chả tăng 0,49%; nội tạng động vật tăng 0,39%.
Giá nhóm rau tươi, khô và chế biến tăng 0,32%, trong đó giá rau dạng quả, củ tăng 2,06%; rau gia vị tươi, khô các loại tăng 1,19%; su hào tăng 1,02% do nhu cầu ăn uống ngoài gia đình tăng cao theo mùa du lịch. Giá quả tươi, chế biến tăng 0,33%, trong đó giá xoài tăng 2,48%; quả tươi khác như dưa hấu, nho, nhãn, đu đủ tăng 0,73%; táo tăng 0,12% do nhu cầu tăng cao trong dịp hè và do thời tiết mưa, ảnh hưởng tới việc thu hoạch.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long dẫn phân tích nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 thấp hơn năm 2023, trong khi nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá, khi giá các nhóm mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, như giá xăng dầu dự báo tiếp tục diễn biến khó lường. Ở trong nước, lạm phát có thể tiếp tục tăng do biến động nguồn cung, giá cả thế giới; do dự kiến điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, thực hiện chính sách cải cách tiền lương…
Trong đó, với chính sách tiền tệ, tỷ giá dự báo tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ bên ngoài. Tỷ giá tăng là vấn đề cần quan tâm, nhất là liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tăng giá hàng hóa, dịch vụ…
Theo ông Long, kiểm soát lạm phát không chỉ là kiểm soát giá cả mặt hàng mà phải là tổng thể hài hòa giữa các chính sách, trong đó quan trọng nhất là chính sách tiền tệ mà Ngân hàng Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, còn các công cụ khác về tài chính, cung ứng hàng hóa… là yếu tố góp phần vào công cuộc kiểm soát lạm phát.
Thời gian còn lại của năm cần giải pháp để điều hành mối quan hệ giữa tỷ giá và giá cả, lãi suất và lạm phát… cùng với đó là phải theo dõi tình hình tài chính, thu chi ngân sách để đảm bảo cân đối nguồn lực, hay với ngành Công thương thì phải giải quyết vấn đề về cung - cầu hàng hóa… Ngoài ra, việc điều hành chính sách tín dụng cũng cần thận trọng, đảm bảo cân bằng hợp lý giữa thúc đẩy phục hồi kinh tế và đảm bảo ổn định tài chính. Đặc biệt, cần xác định hợp lý các liều lượng và công cụ trong phối hợp điều hành chính sách.
Riêng về câu chuyện “lương tăng - giá tăng”, ông Ngô Trí Long cho rằng dù đây là hiện tượng mang tính quy luật nhưng sẽ khó tác động tới lạm phát, vì tỷ trọng của lương trong khu vực công là rất thấp, thị trường còn phụ thuộc vào yếu tố cung – cầu. Hơn nữa, Chính phủ cũng đã chuẩn bị nguồn lực cho tăng lương rất lớn, cũng như đã chỉ đạo công tác điều hành, kiểm soát giá cả thị trường để đảm bảo người dân được hưởng lợi ích thực tế của tăng lương.
Vì thế, công tác kiểm soát lạm phát cần tiếp tục được nâng cao, như theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Bên cạnh đó là có chế tài xử phạt nghiêm minh và có tính chất răn đe đối với những hành vi “té nước theo mưa” khi tăng lương.