Ngày 30/11, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 56 - năm 2021. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp (tại Ninh Bình) và trực tuyến.
Tại Hội nghị, PGS. TS Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chia sẻ: Năm vừa qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng các hoạt động khảo cổ học vẫn diễn ra sôi động trên cả nước với những phát hiện và thành quả nghiên cứu mới rất đa dạng và có giá trị to lớn. Những thành tựu đó đã đóng góp tích cực vào việc nhận thức về nguồn gốc, quá trình tiến hóa của con người cùng các cơ tầng văn hóa thời Tiền - Sơ sử và các thể chế chính trị - xã hội thời lịch sử; khẳng định giá trị các nền văn hóa/văn minh/văn hiến của quốc gia Đại Việt gắn với những chiến công lẫy lừng chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Qua đó đem lại hiệu ứng xã hội tích cực vì các mục tiêu soi sáng lịch sử, gìn giữ phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần xây dựng sự nghiệp cách mạng của đất nước, xây dựng con người, văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
PGS. TS Bùi Văn Liêm, Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học cũng thông tin: Hội nghị đã nhận được 375 bài tham luận, phân thành 5 tiểu ban: Khảo cổ học Tiền sử; Khảo cổ học Sơ sử và Nhà nước sớm; Khảo cổ học Lịch sử; Khảo cổ học Chăm Pa - Óc Eo và Khảo cổ học Dưới nước. Các bài tham luận tại Hội nghị cho thấy hoạt động khảo cổ học Việt Nam mùa điền dã 2020 - 2021 diễn ra rất sôi nổi, đều khắp trên toàn quốc và đạt hiệu quả rất cao.
Những phát hiện, thành quả nghiên cứu mới, nổi bật được công bố tại Hội nghị lần này như: Phát hiện về di tích, di vật minh chứng cho quá trình tiến hóa của con người cùng di tồn văn hóa thời Tiền sử và Sơ sử ở Việt Nam trên địa bàn các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Yên Bái, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Phước, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…; khảo cổ học lịch sử có các cuộc khai quật, nghiên cứu tiếp tục tại khu vực Điện Kính Thiên (Hà Nội), Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang), khu di tích Cát Tiên (Lâm Đồng) một số di tích văn hóa Chăm Pa ở Trung Bộ. Đồng thời, các nhà khoa học tiếp tục triển khai hoàn thiện chương trình khai quật và làm hồ sơ khoa học Khu di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Nam Bộ) thuộc Đề tài cấp Nhà nước do Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì. Điểm nổi bật nhất trong các hoạt động khảo cổ học của một năm qua là tiếp tục khai quật Khu di tích Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) với những phát hiện mới, góp phần làm rõ thêm diện mạo của kiến trúc cung điện và bản sắc văn hóa thời Đinh - Lê trong lịch sử dân tộc.
Bên cạnh việc nghiên cứu lịch sử, nhân học, khảo cổ học còn gắn chặt với hoạt động nghiên cứu, đánh giá giá trị các di sản văn hóa. Trong năm qua, ngành khảo cổ học đã tư vấn cho các cơ quan quản lý văn hóa và một số địa phương tiến hành công tác quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị các di tích khảo cổ, di sản văn hóa.
Tại Hội nghị, các trao đổi khoa học thẳng thắn, nhiều đóng góp sôi nổi đã góp phần bổ sung, làm sáng tỏ các thông tin khoa học, tạo nên một diễn đàn khoa học cởi mở, bổ ích.
Sau phiên khai mạc, các nhà khoa học sẽ báo cáo và thảo luận tại các phòng họp Tiểu ban Khảo cổ học. Hội nghị sẽ kết thúc vào ngày 1/12.