Do Su-57 sở hữu nhiều đặc tính độc đáo, có thể hoạt động hiệu quả cả với vai trò tiêm kích lẫn cường kích và có thể sử dụng cho hải quân nên hiện có nhiều quốc gia quan tâm đến loại máy bay này.
Máy bay Su-57 của Nga. (Ảnh: Ainonline).
Theo trang mạng MilitaryWatch, sau khi thông báo kế hoạch đưa vào sản xuất quy mô lớn loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57 vào năm 2025, Không quân Nga sẽ nhận được hơn 70 chiếc máy bay này và bắt đầu thực hiện các hoạt động quảng bá mạnh mẽ ở nước ngoài.
Do Su-57 sở hữu nhiều đặc tính độc đáo, có thể hoạt động hiệu quả cả với vai trò tiêm kích lẫn cường kích và có thể sử dụng cho hải quân nên hiện có nhiều quốc gia như Algeria, Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ quan tâm đến dòng máy bay này. Đặc biệt, một khách hàng tiềm năng khác mới được biết tới là Myanmar, khi nước này đang nỗ lực trang bị cho lực lượng không quân với các loại máy bay chiến đấu hạng nặng.
Năm 2018, Myanmar đã mua 6 chiếc Su-30SM tối tân của Nga, song các chiến đấu cơ thế hệ 4+ vẫn chưa đủ để hiện đại hóa phi đội máy bay của nước này. Do vậy, Su-57, vốn được xem là máy bay chiến đấu hứa hẹn nhất cho đến nay, có thể lấp đầy những khoảng trống trên.
Nhờ tầm hoạt động xa và được trang bị các loại vũ khí hiện đại như tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzal hay R-37M Mach 6, Su-57 có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách hơn 4.700 km. Ngoài ra, Su-57 cũng là máy bay đầu tiên trên thế giới có thể sử dụng tên lửa không đối không Kh-77 với radar dẫn đường tích cực. Ngay cả các máy bay tàng hình cơ động như F-22 (Mỹ) hay J-10C (Trung Quốc) cũng có thể bị radar của Su-57 phát hiện./.