Nhiều sai phạm ở Trường chuyên Lê Quý Đôn (Bình Định)

Hải Lộng (Còn nữa) 28/03/2016 09:40

Những tiêu cực ở Trường chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bình Định thời gian qua đã làm tốn biết bao nhiêu giấy mực của báo chí và công sức của các cấp, các ngành. Sự việc bắt đầu từ việc tố cáo tiêu cực dẫn đến việc trả thù cá nhân đã khiến một giáo viên phải tự mổ bụng mình để đi tìm công lý.

Trường Lê Quý Đôn (Bình Định).

Bài 1: Sai phạm nhiều, không xử lý

Kết luận Thanh tra của Thanh tra tỉnh Bình Định số 574/KL – TTr ngày 5/11/2014 đã nêu rõ một số sai phạm trong công tác quản lý tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Quy Nhơn, Bình Định) như: Việc thu tiền hỗ trợ dạy, học; lập chứng từ kế toán không đúng đối tượng để truy lĩnh phụ cấp ưu đãi; trích giảm chế độ chính sách của giáo viên...

Cụ thể trong năm học 2012 - 2013, Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thống nhất với hiệu trưởng đề ra mức thu tiền hỗ trợ dạy và học 500.000 đồng/học sinh/năm học và tổng số tiền thu được hơn 394 triệu đồng (đã chi hơn 181 triệu đồng, còn dư hơn 212 triệu đồng).

Trong đó, chi cho các hoạt động nhà trường hơn 38 triệu đồng, chi vệ sinh, bảo vệ hơn 42 triệu đồng, chi khen thưởng giáo viên gần 60 triệu đồng, chi hoạt động của Ban đại diện và phục vụ các phong trào thi đua của học sinh là hơn 40 triệu đồng. Việc Ban đại diện học sinh tự đặt ra mức thu tiền hỗ trợ dạy và học này là sai quy định của Luật Giáo dục và thông tư của Bộ GD-ĐT.

Cuối năm 2012, tiền phụ cấp ưu đãi 35% năm cho cán bộ, giáo viên của trường được truy lĩnh cả năm 2012 với tổng số tiền là 760.740.512 đồng. Đáng ra số tiền trên họ sẽ được hưởng trọn vẹn, nhưng hiệu trưởng nhà trường đã đề nghị để lại 4% của tất cả mọi người (trừ hiệu trưởng và hiệu phó) để nhà trường sử dụng vào việc “giao dịch”, với số tiền là trên 82 triệu đồng. Không chỉ cắt tiền của giáo viên mà hiệu trưởng cùng với kế toán nhà trường đã lập khống chứng từ công nhận cho 7 giáo viên năm 2012 không trực tiếp tham gia giảng dạy với số tiền trên 56 triệu đồng.

Để lấy được số tiền trên hiệu trưởng và kế toán thông đồng lập 2 bộ danh sách thanh toán tiền truy lĩnh phụ cấp ưu đãi 35% của cán bộ, giáo viên. Bộ danh sách thứ nhất gửi Kho bạc Nhà nước thanh toán cho cán bộ, giáo viên với số tiền hơn 760 triệu đồng. Bộ danh sách thứ 2 gửi Ngân hàng Đầu tư phát triển để chuyển thanh toán cho cán bộ, giáo viên với tổng số tiền hơn 678 triệu đồng.

Số tiền chênh lệch hơn 82 triệu đồng chuyển vào tài khoản của bà Nguyễn Thị Ngọc Thủy - kế toán nhà trường (nhưng thực tế 7 giáo viên này không nhận được đồng nào). Theo tường trình của bà Nguyễn Thị Ngọc Thủy, số tiền 82 triệu đồng được thực hiện chi theo chỉ đạo của hiệu trưởng, gồm: tất niên cuối năm 15 triệu đồng, mua bia tiếp khách, tặng quà tết hơn 10 triệu đồng. Số tiền còn lại hơn 56 triệu đồng bà Thủy đem bỏ vào phong bì cất giữ.

Từ ngày 1/1/2008 đến 9/6/2013, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tổ chức thu tiền học chuyên đề với mức thu 130.000 đồng/học sinh/tháng và lập thành 2 bộ chứng từ. Bộ chứng từ thứ nhất: Trường lập quỹ chuyên đề nâng cao và luyện thi đại học với mức thu 110.000 đồng/học sinh trên tháng để quản lý riêng, với tổng thu hơn 1,67 tỉ đồng (để ngoài sổ sách kế toán của nhà trường).

Trong khi đó, bộ chứng từ thứ 2 lại hạch toán trong nguồn kinh phí dạy thêm, học thêm với mức thu 20.000 đồng/tháng/học sinh với mức tổng thu hơn 422 triệu đồng. Thế nhưng, theo giải trình của nhà trường thì nguyên nhân của việc lập hai danh sách như trên là do mức thu tiền học chuyên đề của nhà trường cao hơn quy định về mức thu tiền dạy thêm, học thêm do Sở quy định.

Như vậy, việc Trường chuyên THPT Lê Quý Đôn không lập sổ sách kế toán chung của đơn vị theo quy định mà lập sổ quản lý riêng để chi tiêu là không đúng quy định về nguyên tắc tài chính. Ngoài ra, từ tháng 8/2009 đến 6/2013, nhà trường đã trích 1% tiền thừa giờ của giáo viên với tổng hơn 31 triệu đồng, giao cho bà Nguyễn Thị Ngọc Thủy, kế toán quản lý và chi theo chỉ đạo của hiệu trưởng Phạm Quang Bắc.

Không chỉ có những sai phạm về thu chi tiền bạc mà ông Bắc còn có những phát ngôn chưa chuẩn mực của người lãnh đạo một đơn vị, nhất lại là môi trường giáo dục hàng đầu của tỉnh như: Trong cuộc họp toàn trường nêu thành tích sau kỳ thi Olympic 30/4/2011, ông Phạm Quang Bắc có nói với ông Nguyễn Định Thức (là giáo viên dẫn đội toán đi thi): “Nếu dạy rồi mà trò làm bài không được thì một là trò ngu, hai là thầy dốt”…

Từ những sai phạm trên, đáng ra hiệu trưởng cũng như một số cán bộ của trường chuyên Lê Quý Đôn phải chịu mức kỷ luật nghiêm khắc thì lãnh đạo Sở GDĐT chỉ có nghiêm khắc kiểm điểm và rút kinh nghiệm. Dư luận đặt câu hỏi: Có vấn đề gì đằng sau những sai phạm của trường Lê Quý Đôn?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều sai phạm ở Trường chuyên Lê Quý Đôn (Bình Định)

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO