Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã tích cực triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, tạo đồng thuận xã hội trong việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh.
Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ huyện Quỳnh Lưu thực hiện việc giám sát tại xã Quỳnh Hồng vào tháng 6 vừa qua.
Là huyện có 33 đơn vị cơ sở, địa bàn rộng, dân cư đông, huyện Quỳnh Lưu luôn quan tâm việc nâng cao chất lượng hoạt động công tác Mặt trận, đặc biệt là công tác giám sát, phản biện xã hội góp phần nâng cao vị thế Mặt trận từ huyện đến cơ sở. Với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, MTTQ huyện Quỳnh Lưu có nhiều sáng tạo trong lựa chọn nội dung, hình thức giám sát, đưa ra nhiều kiến nghị thiết thực.
Theo đó, các lĩnh vực, nội dung giám sát xuất phát và tập trung vào việc giải quyết những bức xúc, đòi hỏi của đông đảo nhân dân, trên cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện một cách khoa học, sát với yêu cầu và điều kiện thực tế, bảo đảm tính khả thi. Bám sát yêu cầu nhiệm vụ và hướng dẫn công tác giám sát, phản biện xã hội của cấp trên, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tham mưu cho Huyện ủy tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và đổi mới nội dung, hình thức giám sát; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ký kết chương trình công tác giám sát; định hướng cơ sở bám sát vào nhiệm vụ ở địa phương, đơn vị để xây dựng nội dung, chương trình giám sát gắn với việc phát huy dân chủ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Nhờ vậy, 5 năm qua MTTQ huyện chủ động và chủ trì giám sát được 45 cuộc với nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực liên quan như an sinh xã hội, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, các chế độ chính sách, giám sát cán bộ, đảng viên theo Chỉ thị 17 của Tỉnh ủy, việc thực hiện nhiệm vụ đối với Thường trực HĐND và đại biểu HĐND xã, thị trấn. Công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân, thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, cơ quan, đơn vị, trường học được thực hiện tốt. Thực hiện giám sát các loại quỹ như quỹ vì người nghèo, quỹ từ thiện nhân đạo, thực hiện chế độ bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi, hộ nghèo và cận nghèo.
Đặc biệt, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã chỉ đạo MTTQ cơ sở đổi mới nội dung giám sát thông qua việc tiến hành lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của nhân dân đối với các chức danh lãnh đạo và cán bộ công chức xã gắn với Quy định 124 QĐ/TW của Ban Chấp hành TW về “giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”; giám sát thông qua hội nghị đối thoại giữa chính quyền với nhân dân và giám sát qua các hội nghị tiếp xúc cử tri... Đối với công tác phản biện xã hội, UB MTTQ huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức được 10 cuộc góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của huyện, các đề án quan trọng của ngành nông nghiệp như đầu tư hỗ trợ các mô hình sản xuất và dự thảo kế hoạch của các cơ quan có thẩm quyền khác…
Tuy nhiên, công tác giám sát và phản biện xã hội trong những năm qua vẫn còn những hạn chế, nhất là ở cơ sở như: Chưa đưa ra được tiêu chí để lựa chọn nội dung giám sát và phản biện xã hội phù hợp; phản biện còn ít và còn hình thức, thụ động chưa rõ vai trò của chủ thể giám sát, phản biện xã hội; còn biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm, chưa dám nêu chính kiến của tổ chức mình; kỹ năng năng lực trình độ cán bộ còn hạn chế; việc theo dõi thực hiện sau giám sát và phản biện xã hội nhiều nơi làm chưa tốt.
Bà Phạm Thị Hải Yến- Chủ tịch MTTQ Việt Nam huyện Quỳnh Lưu cho biết: Để tiếp tục thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, MTTQ các cấp huyện Quỳnh Lưu sẽ phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền những nội dung cơ bản của Quyết định 217–QĐ/TW của Bộ Chính trị; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện giám sát và phản biện xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình. Tăng cường tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về giám sát và phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội; làm tốt công tác tập hợp ý kiến nhân dân, phát huy tốt nhất vai trò và trí tuệ của các vị ủy viên, các trí thức, các giới, dân tộc, tôn giáo, các chuyên gia, người có uy tín, đoàn viên, hội viên và sự ủng hộ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.