Những ngày gần đây, hệ thống bệnh viện nhi đồng tại TP HCM liên tục tiếp nhận trẻ bị mắc bệnh lao màng não, viêm não, viêm màng não. Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh nên cho trẻ tiêm đầy đủ vaccine, kể cả những mũi nhắc lại nhằm hạn chế nhiễm bệnh.
Biến chứng từ viêm màng não, viêm não
Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi 5 tháng tuổi (ngụ tại TPHCM) nhập viện trong tình trạng sốt cao, tím tái và co giật. Qua theo dõi, thăm khám sức khỏe cho bệnh nhi các bác sĩ hội chẩn và quyết định mổ để lấy mủ trong màng cứng. Sau 2 lần thực hiện mổ, hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, cơ thể đáp ứng thuốc tốt hơn. Tuy nhiên, với trường hợp bệnh nhi này sẽ phải dùng kháng sinh từ 6-8 tuần.
Ngoài trường hợp bệnh nhi 5 tháng tuổi kể trên, khoa Nhiễm của bệnh viện cũng đã tiến hành mổ lấy mủ trong màng cứng cho một bệnh nhi khác. Đây là 2/3 ca viêm màng não biến chứng được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Bác sĩ Nguyễn Đình Qui - Phó Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết, gần đây bệnh nhi nhập viện do mắc bệnh viêm màng não tăng. Tháng 10 và tháng 11 bệnh nhân viêm màng não tăng vọt với khoảng 25 - 30 ca điều trị nội trú. Bước sang tháng 12, số bệnh nhân này có giảm nhưng vẫn ở mức cao, trung bình 20 ca/ngày. Cũng theo bác sĩ Qui, hiện nay tại khoa Nhiễm có tổng cộng 72 ca bệnh thì số bệnh nhân viêm màng não chiếm khoảng 25%.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhi 10 tuổi (quê Bạc Liêu) nhập viện, cấp cứu trong tình trạng sốt cao, khó đánh thức, nôn ói nhiều. Sau khi chọc dịch não tủy tại thắt lưng, chụp MRI, các bác sĩ kết luận bệnh nhi bị viêm não. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhi đã đáp ứng tối với phác đồ, phản ứng nhanh hơn.
Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), bệnh viện đang điều trị cho 20 bệnh nhi mắc bệnh viêm màng não, 6 ca viêm não. Triệu chứng của các bệnh này khiến phụ huynh nhầm tưởng là bệnh hô hấp, viêm họng. Tương tự, thời gian qua Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận số ca lao màng não tăng cao. Mặc dù, số trẻ mắc lao màng não có phần giảm nhiệt so với 1- 2 tuần trước, song khoa Nhiễm - Thần kinh của bệnh viện vẫn đang điều trị vài ca lao màng não. Trước đó, ca nặng nhất là bệnh nhi lao màng não, viêm đa màng não và biến chứng não úng thủy. Sau một thời gian hỗ trợ thở ô xy, bệnh nhi đã ổn định nên được chuyển sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để tiếp tục điều trị lao.
Theo bác sĩ Quy, lao màng não là một dạng nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương nặng, thường gặp ở trẻ em. Ngoài lao phổi thì lao màng não thường gặp hơn lao hạch, lao màng bụng. Trường hợp không phát hiện sớm, tỷ lệ tử vong cao, di chứng nặng nề và tiên lượng xấu. Nếu trẻ sốt kéo dài, ho kéo dài, sụt cân nhanh cần phải tầm soát về lao màng lão. Hiện lao màng não đã được Bộ Y tế ban hành phác đồ điều trị và trong chương trình của Trung tâm Phòng chống lao Quốc gia. Các bệnh nhân sẽ được theo dõi điều trị trong khoảng 12 tháng. Những ca được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời hồi như đáp ứng tốt theo phác đồ điều trị. Thậm chí, có những ca nặng vẫn đáp ứng tốt, phục hồi nhanh.
Tiêm đủ các mũi vaccine cho trẻ
Theo các chuyên gia y tế, viêm não, viêm màng não xảy ra quanh năm. Nhập viện muộn tỷ lệ di chứng cao trên 30%, thậm chí có thể tử vong. Các di chứng có thể gặp như bại não, liệt tay - chân, động kinh, trí nhớ kém... “Di chứng của bệnh viêm não, viêm màng não rất nặng nề, phụ huynh cần theo dõi kỹ tình trạng của con để đưa đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời” - bác sĩ Dư Tuấn Quy khuyến cáo.
Đề cập đến bệnh viêm màng não ở trẻ nhỏ, bác sĩ Nguyễn Đình Qui hướng dẫn phụ huynh nhận biết các triệu chứng để đưa trẻ đi khám kịp thời. Theo đó, trẻ nhỏ bị viêm màng não thường sốt, sốt cao liên tục từ 39-40 độ C (nhiễm khuẩn nặng), nôn, bú kém, quấy khóc, phồng thóp. Với trẻ lớn hơn, khi trẻ sẽ cho biết bị đau đầu, nôn nhiều... phụ huynh cần nghĩ ngay đến bệnh viêm màng não. Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng sốt kèm co giật nặng, hôn mê thì não đã ảnh hưởng.
Bác sĩ Qui nhận định, nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh là do vi khuẩn E.coli, HiB, lao, phế cầu, não mô cầu, ngoài ra có thể do ký sinh trùng, nấm, virus... Hiện nay, có một số loại vaccine có thể phòng ngừa cho viêm màng não như: Vaccine 5 trong 1, 6 trong 1 (ngừa viêm màng não do vi khuẩn HiB), vaccine não mô cầu, vaccine phế cầu... Riêng vi khuẩn E.coli đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, vì vậy phụ huynh cần tiêm phòng đầy đủ các mũi cho trẻ, đặc biệt là cả những mũi tiêm nhắc lại. Bên cạnh đó, phụ huynh phải rửa tay trước khi chăm sóc trẻ, vệ sinh phòng ngủ, chỗ nằm chơi cho trẻ, thực hiện nấu chín uống sôi vì thường vi khuẩn E.coli lây qua đường tiêu hóa.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 10 trong 30 nước có số người bị bệnh lao và đứng thứ 11 có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất toàn cầu. Hàng năm, Việt Nam ghi nhận hơn 172.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết do lao. Tại TPHCM, 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận hơn 8.434 người mắc bệnh lao, tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm 2021.