Để giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu nông sản, nhiều chuyên gia cho rằng, cần khai thác tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, cùng với đó đẩy mạnh kinh tế số, đảm bảo vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Xuất khẩu gạo ở top đầu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 4 dự báo tăng 20%. Xuất khẩu tôm tăng là do các thị trường châu Âu, Mỹ đang chuẩn bị nguồn thực phẩm cung ứng cho người tiêu dùng trong dịp nghỉ hè. Đây là thời điểm phần lớn học sinh, sinh viên có nhiều chuyến dã ngoại thực tế và các nhà nhập khẩu cũng sẽ chuẩn bị nguồn hàng dự trữ cho mùa thu.
Riêng với thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, sự tăng trưởng tốt ở thị trường này đã giúp Việt Nam vẫn duy trì được vị trí số 4 trong các nguồn cung tôm chính cho Mỹ. Cũng theo Vasep, hiện nay, tình hình lạm phát tại Mỹ tăng mạnh, nhưng với các chính sách ổn định kinh tế của Mỹ, nhu cầu tôm dự kiến vẫn tăng mạnh trong năm nay.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), diện tích nuôi tôm cả nước hiện đạt trên 740.000 ha; sản lượng đạt trên 900.000 tấn/năm. Riêng sản lượng tôm sú đạt trên 250.000 tấn, đứng đầu thế giới.
Dù diện tích tôm chỉ tăng khoảng 1,5%/năm, nhưng sản lượng tôm tăng mạnh 10%/năm. Yếu tố này chứng minh sự cải thiện quy trình nuôi liên tục, có năng suất cao hơn hẳn so với trước. Thị trường khởi sắc cộng với khả năng sản xuất tốt sẽ giúp sản phẩm tôm Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế tại các nước.
Cùng với xuất khẩu tôm, trong tháng 4 lĩnh vực lúa gạo cũng liên tiếp đón nhận những tin vui. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong vòng 2 tuần qua, giá gạo xuất khẩu 100% tấm của Việt Nam đã được điều chỉnh tăng 3 đợt, với tổng mức tăng trong cả 3 đợt lên tới 17 USD/tấn. Giá gạo 100% tấm của Việt Nam đang được bán ra ở mức 355 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại của khoảng 7 USD/tấn. Giá gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam vẫn ổn định ở mức 415 USD và 395 USD/tấn.
Trước đó, trong quý I, theo thống kê của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu quý I năm 2022 của nước ta đạt 1,48 triệu tấn, có trị giá 715 triệu USD, tăng 24% về lượng và 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong các nước xuất khẩu gạo. Theo đó, gạo 5% tấm đã tăng từ 12 - 15 USD/tấn so với đầu năm, lên mức 415 USD/tấn, cao nhất trong hơn 3 tháng qua nhờ nhu cầu tăng và lợi thế về sản lượng.
Ngoài các thị trường truyền thống như Philippines (chiếm tỉ trọng lớn nhất), Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, các nước châu Phi, Hàn Quốc... thì xuất khẩu gạo sang châu Âu (EU) dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 bởi hỗ trợ của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Tận dụng lợi thế
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, trong quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước trên 12,8 tỷ USD, tăng 15,3% so với quý I/2021. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt gần 5,5 tỷ USD, tăng 12,8%; lâm sản chính đạt 4,3 tỷ USD, tăng 4,4%; thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 38,7%; chăn nuôi ước đạt 75,6 triệu USD, giảm 22,4%; xuất khẩu vật tư nông nghiệp đạt khoảng 603 triệu USD, tăng 72,5% (nhất là phân bón, giá trị xuất khẩu khoảng 291 triệu USD, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước).
Đánh giá về triển vọng xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, tình hình tiêu thụ gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản… hiện rất thuận lợi, đưa kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 7,27 tỷ USD trong quý I-2022.
Trong khi tăng trưởng xuất khẩu chung của các mặt hàng là 10% thì tăng trưởng xuất khẩu nông sản đạt gần gấp đôi ở mức 19,7%.
Mặc dù xuất khẩu nông sản có nhiều bứt phá trong quý I cũng như những tuần đầu của tháng 4 song hoạt động thương mại vẫn tiềm ẩn không ít thách thức. Đó là diễn biến khó lường của dịch Covid-19; giá cước vận tải ở mức cao; giá hàng hóa, nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất dự báo tiếp tục tăng… Ngoài ra, tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn gặp một số khó khăn do chính sách chống dịch của nước bạn.
Để giữ vững con số tăng trưởng xuất khẩu nông sản trong quý II, nhiều chuyên gia cho rằng, cần khai thác tối đa ưu đãi từ các FTA cùng với đó, đẩy mạnh kinh tế số, đảm bảo vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần cập nhật thông tin về các thị trường, nhu cầu xuất, nhập khẩu cũng như cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại… để giúp doanh nghiệp tránh những rủi ro cũng như nắm bắt được cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu.
Về giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, sẽ tập trung đàm phán để thúc đẩy xuất khẩu ớt, sầu riêng, sữa và sản phẩm sữa, bột cá và dầu cá, sản phẩm lông vũ sang Trung Quốc; nhãn sang Nhật Bản; bưởi, chanh sang New Zealand …
Cùng với đó sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, rau, quả thực hiện đúng quy định của các nước như Hàn Quốc, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ…