Trong bối cảnh lạm phát của các nền kinh tế trên thế giới tăng cao, Việt Nam được đánh giá là kiểm soát khá tốt lạm phát. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, áp lực lạm phát vẫn đang rất lớn.
Hầu hết giá các mặt hàng thực phẩm đều tăng
Một báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, nhiều loại hàng hóa đã tăng giá trong tháng 9 vừa qua. Chẳng hạn thịt gia cầm tăng 0,04%, trong đó giá thịt gà tăng 0,07%; thịt gia cầm đông lạnh tăng 0,7%; giá trứng các loại tăng 0,4%; Giá thủy hải sản tươi sống tăng 0,17% mà cụ thể là cá tăng 0,14%; tôm tăng 0,24%. Tương tự, nhóm hàng rau tươi, rau khô và chế biến sẵn cũng tăng giá trung bình 1,08% so với tháng trước. Đáng kể nhất là giá cà chua tháng 9 tăng 5,37% so với tháng trước; su hào tăng 2,35%; rau dạng quả, củ tăng 1,65%; khoai tây tăng 0,68%; rau gia vị tăng 1,19%. Giá nước mắm, nước chấm tăng 0,27% so với tháng trước; sữa, bơ, pho mát tăng 0,24%; đường, mật tăng 0,26%; bánh, mứt, kẹo tăng 0,31%; chè, cà phê, ca cao tăng 0,09%.
Sang tháng 10 kéo dài đến thời điểm hiện tại, nhiều mặt hàng tiếp tục giữ đà tăng. Chẳng hạn, tại các chợ dân sinh giá cà chua loại ngon được bán 35.000 – 37.000 đồng/ kg, trong khi tại một số siêu thị giá mềm hơn 32.000 đồng/kg; giá để quả từ 30.000 – 35.000 đồng/kg…
Theo nhìn nhận từ giới chuyên gia, bối cảnh hiện nay vô cùng khó khăn thách thức. Kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường và chưa có tiền lệ khi sau 2 năm bị tác động bởi dịch Covid-19, các chính phủ và ngân hàng trung ương trên thế giới thực hiện nhiều gói hỗ trợ tài khóa và nới lỏng tiền tệ. Nhưng khi dịch Covid cơ bản được kiểm soát, các nước lại phải đối mặt nguy cơ lạm phát. Xu hướng lạm phát gia tăng đang diễn ra trên toàn cầu, nhất là nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh, các nước khu vực đồng tiền chung euro,… Trong khi đó, Việt Nam với độ mở cửa kinh tế rất lớn, nhu cầu vốn phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng…
Do đó, công tác kiểm soát lạm phát, ổn định giá để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh chịu nhiều tác động.
Ông Nguyễn Văn Truyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, từ nay đến cuối năm vẫn còn một số yếu tố gây áp lực tăng giá. Thứ nhất là giá nhiên liệu và năng lượng từ giờ đến cuối năm chắc chắn biến động rất phức tạp, do diễn biến căng thẳng giữa Nga - Ukraine rất khó lường.
“Chúng tôi cũng nhận thấy thời gian qua, giá xăng dầu có xu hướng giảm, nhưng từ nay đến cuối năm sẽ diễn biến phức tạp, có thể có tăng giá nhất định” - ông Truyền nhận định và cho rằng trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu tác động đến chuỗi cung ứng hàng hóa cũng có thể khiến giá hàng hóa tăng. Ngoài ra, ảnh hưởng của thời tiết từ nay đến cuối năm sẽ phức tạp, sẽ còn một số cơn bão nữa gây ngập lụt, có thể làm tăng cục bộ một số mặt hàng thiết yếu địa phương và giá lương thực thực phẩm tăng.
Đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát
Theo Bộ Tài chính, trong 3 tháng còn lại của năm 2022, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 1,85%, để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2022 khoảng 4%. Theo quy luật hàng năm, các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng vào thời điểm chuyển mùa và lễ Tết cuối năm. Giá thịt lợn có thể biến động tăng các tháng cuối năm nếu nguồn cung không được đảm bảo…
Bên cạnh đó, đồng đô la Mỹ tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, từ đó gây sức ép lên mặt bằng giá trong nước. Việc tập trung triển khai đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào cuối năm, nhất là việc triển khai các công trình kinh tế trọng điểm có thể làm tăng nhu cầu nhất là đối với các mặt hàng vật tư xây dựng, từ đó có thể làm giá cả biến động nếu nguồn cung không đáp ứng kịp thời.
Trên cơ sở tổng hợp thông tin, dự báo, Bộ Tài chính đã cập nhật 2 kịch bản điều hành giá. Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,27 - 3,51%. Mức này khá tương đồng với các dự báo của Tổng cục Thống kê (dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,2% - 3,5%), Ngân hàng Nhà nước (trong khoảng 3,4 ± 0,2%). Mặc dù lạm phát bình quân năm 2022 có nhiều dư địa để kiểm soát trong phạm vi mục tiêu 4%, tuy nhiên Bộ Tài chính nhận định lạm phát lũy kế CPI tháng 12/2022 so với tháng 12/2021 dự kiến sẽ ở mức cao, hiện CPI tháng 9/2022 so với tháng 12/2021 tăng 4,01%, do đó sẽ tạo áp lực cho lạm phát bình quân năm 2023 ngay từ đầu năm sau.
TS Nguyễn Ngọc Tuyến - Học viện Tài chính cho rằng giá cả nhiên liệu, nhất là xăng dầu thế giới cũng như chuỗi cung ứng vật tư, hàng hóa trên thế giới bị đứt gãy sẽ tiếp tục làm cho giá vật tư, hàng hóa nhập khẩu tăng cao. “Việt Nam chắc chắn sẽ bị tác động mạnh từ việc tăng giá vật tư, sản phẩm thế giới do nền kinh tế có độ mở lớn, nhập khẩu lớn. Do đó, xu hướng tăng giá bán, tăng lạm phát cho tới cuối năm là khá rõ” - TS Tuyến nói và cho rằng để kiềm chế lạm phát, cùng với giảm thuế đối với sản phẩm xăng dầu nhập khẩu nhằm ổn định giá, kìm hãm đà tăng của CPI cả nước thì cũng cần kiểm soát chặt chẽ giá sản phẩm hàng hóa đầu vào để hạn chế đà tăng giá bán, từng bước đầu tư tìm kiếm nguồn vật tư hàng hóa trong nước thay thế hàng nhập khẩu. Còn theo bà Lê Thanh Nga - Vụ Tài chính, tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì Việt Nam có mức độ hội nhập tương đối lớn, cung cầu, giá cả các mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều vào tình hình thị trường nguyên vật liệu nhập khẩu. Vì vậy, việc giá các mặt hàng nguyên liệu, đặc biệt là nhóm nhiên liệu, năng lượng trên thị trường thế giới tăng làm tăng giá nhiều nguyên, vật liệu nhập khẩu, chi phí vận chuyển, logistics tăng, dẫn đến tăng chi phí sản xuất và tăng giá hàng hóa trong nước. Điều này sẽ tạo áp lực lạm phát cho nền kinh tế.