Pháp luật

Nhìn lại năm 2024: Nhiều đại án kinh tế được xét xử

NAM VIỆT 22/12/2024 10:48

Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, năm 2024 nhiều đại án về kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử, nhận được sự đồng tình của xã hội. Trong đó có thể kể đến một số vụ “đại án”.

2.jpg
Hai bị cáo Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh (từ trái sang).

Đại án Việt Á: 2 cựu Bộ trưởng vào tù

Tháng 1/2024, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ đại án Việt Á với 38 bị cáo. Trong số các bị cáo có nhiều cựu lãnh đạo như: Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng... Tại phiên toà xét xử sơ thẩm, bị cáo Phan Quốc Việt (Chủ tịch Việt Á) bị tuyên mức án cao nhất là 29 năm tù về 2 tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “đưa hối lộ”.

Bản án xác định, Phan Quốc Việt đã thông đồng với nhiều đối tượng tại Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Học viện Quân Y để chiếm đoạt quyền sở hữu kit test Covid-19. Sau đó, bị cáo Việt bán kit test với giá cao tại 19 tỉnh thành và nhiều cơ quan, tổ chức, gây thiệt hại 1.235 tỷ đồng, trong đó 402 tỷ đồng của nhà nước.

Đến tháng 5/2024, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra xét xử phúc thẩm với các bị cáo có kháng cáo trong đại án Việt Á. Theo đó, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long được toà phúc thẩm tuyên giảm án 1 năm tù so với án sơ thẩm (từ 18 năm tù xuống còn 17 năm tù về tội nhận hối lộ). Đáng chú ý, cựu Phó trưởng Phòng Tài chính Kế toán CDC Bình Dương Nguyễn Thanh Phong được toà phúc thẩm tuyên miễn trách nhiệm hình sự.

Đại án Tân Hoàng Minh: 6.630 bị hại

Tháng 3/2024, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử Chủ tịch Tân Hoàng Minh - Đỗ Anh Dũng cùng 14 bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án liên quan đến sai phạm trong phát hành trái phiếu, thu hút vốn của các nhà đầu tư diễn ra ở Tập đoàn này và các công ty con. Số lượng bị hại trong vụ án này rất lớn, được xác định lên đến 6.630 người. Trước khi phiên toà diễn ra, các bị cáo đã hợp tác với cơ quan điều tra, khắc phục toàn bộ số tiền của người mua trái phiếu (hơn 8.600 tỷ đồng).

Trong phiên sơ thẩm, các bị cáo khai nhận thực hiện các hành vi gian dối trong việc trao đổi, thống nhất với các bị cáo trong công ty kiểm toán, lập hồ sơ, gian dối trong việc tạo lập giá trị ảo, chạy dòng tiền "khống", sử dụng tiền lấy được không đúng mục đích là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ở phần tuyên án, bị cáo Đỗ Anh Dũng bị tuyên mức án cao nhất trong số các bị cáo là 8 năm tù giam. Đến tháng 9/2024, toà phúc thẩm chấp nhận giảm nhẹ hình phạt 1 năm tù cho Đỗ Anh Dũng, do Hội đồng xét xử ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ mới cho bị cáo như: được nhiều bị hại viết đơn xin giảm nhẹ, thân nhân bị cáo là người có công với Cách mạng, Tập đoàn Tân Hoàng Minh có nhiều đóng góp từ thiện cho xã hội...

1(1).jpg
Bị cáo Trương Mỹ Lan.

Đại án Vạn Thịnh Phát: Y án tử với bị cáo Trương Mỹ Lan

Tháng 4/2024, TAND TPHCM đưa ra xét xử đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo trong vụ án tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng xảy ra ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan.

Hội đồng xét xử (HĐXX) xác định bị cáo Trương Mỹ Lan không chỉ chi phối về tài chính mà còn chi phối cả nhân sự của ngân hàng SCB, qua đó biến ngân hàng SCB thành công cụ tài chính, thực hiện một loạt các hành vi phạm tội. Về thiệt hại: Từ năm 2012 - 2022, ngân hàng SCB đã giải ngân cho nhóm bị cáo Trương Mỹ Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bị cáo Lan còn 1.284 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (gần 484.000 tỷ đồng dư nợ gốc, hơn 193.000 tỷ tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.

Tại phần tuyên án, bị cáo Trương Mỹ Lan nhận mức án cao nhất là tử hình về 3 tội tham ô tài sản; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và đưa hối lộ. Chồng bà Lan là ông Chu Lập Cơ cũng phải nhận mức án 9 năm tù. 2 bị cáo khác nhận mức án chung thân là Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) và Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB).

Đến tháng 12/2024, TAND Cấp cao tại TPHCM đã tiến hành tuyên án phúc thẩm đối với Trương Mỹ Lan và 47 bị cáo có kháng cáo; không chấp nhận đơn xin giảm nhẹ hình phạt của bà Lan và tuyên mức án phúc thẩm là tử hình (y án so với sơ thẩm). Tuy nhiên, theo HĐXX, nếu bị cáo Trương Mỹ Lan khắc phục 3/4 hậu quả của vụ án thì sẽ được xem xét giảm án từ tử hình xuống chung thân.

Đại án FLC: 3 anh em cùng vào tù

Ngày 22/7, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo khác trong vụ án gây thiệt hại tổng cộng hơn 4.300 tỷ đồng. Trong vụ án này, thiệt hại từ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được xác định là hơn 3.600 tỷ đồng; hành vi thao túng thị trường chứng khoán là hơn 680 tỷ đồng. Tổng cộng là 4.300 tỷ đồng.

Bản án xác định, các bị cáo đã thực hiện thao túng 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng. Bị cáo Quyết còn chỉ đạo cấp dưới nâng khống vốn Công ty CP xây dựng FLC Faros (Công ty Faros), đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán HOSE, sau đó bán cho nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng.

Tại phần tuyên án, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị tuyên mức án cao nhất trong số các bị cáo là 21 năm tù về 2 tội thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án, có 8 bị cáo giữ vai trò phụ, là nhân viên, lái xe được cho hưởng án treo.

Sau đó gần 2 tháng Trịnh Văn Quyết và 24 người đã gửi đơn kháng cáo xin giảm nhẹ mức hình phạt và mức trách nhiệm dân sự áp dụng với bị cáo trong vụ án. Hai em gái của Quyết là Trịnh Thị Minh Huế (cán bộ ban kế toán Tập đoàn FLC) đã bị tuyên phạt 14 năm tù và Trịnh Thị Thúy Nga (Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán BOS) đã bị tuyêm phạt 8 năm tù cũng kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và giảm nhẹ trách nhiệm dân sự của bị cáo trong vụ án, đề nghị không yêu cầu bị cáo khắc phục hậu quả.

Ngoài trách nhiệm hình sự, tòa sơ thẩm tuyên buộc cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết liên đới với em gái là Trịnh Thị Minh Huế bồi thường cho các nhà đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Ngày 26/12 tới, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên xét xử phúc thẩm về vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Đại án chuyến bay giải cứu: Tiếp tục xét xử giai đoạn 2

Ngày 24/12 tới đây, dự kiến TAND TP Hà Nội sẽ xét xử sơ thẩm (giai đoạn 2) đại án "chuyến bay giải cứu" đối với 17 bị cáo về các tội đưa, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, che giấu tội phạm. Theo cáo trạng, lợi dụng chủ trương và chức vụ quyền hạn được giao, một số cá nhân tại UBND tỉnh, thành phố đã thỏa thuận/nhận hối lộ, làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đưa công dân về nước cách ly y tế tại địa phương.

Trước đó, 1 năm trước, ngày 27/12/2023, Hội đồng xét xử của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm vụ "chuyến bay giải cứu" xét xử các bị cáo có kháng cáo. Đáng chú ý, Tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm đối với các bị cáo: Phạm Trung Kiên (cựu cán bộ Bộ Y tế) tù chung thân; Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) tù chung thân; Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) tù chung thân; Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) 9 năm tù; Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Thái Hòa) 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đưa hối lộ; Phạm Bích Hằng (Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch quốc tế) 20 tháng tù về tội đưa hối lộ.

"Tính chất vụ án là rất nghiêm trọng, hành vi của bị cáo với vai trò chính. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Phạm Trung Kiên, Nguyễn Thị Hương Lan, Vũ Anh Tuấn, Vũ Sỹ Cường, Trần Minh Tuấn, Phạm Bích Hằng về phần hình phạt" - Tòa phúc thẩm nhận định.

Về nhóm bị cáo phạm tội "đưa hối lộ", Tòa phúc thẩm giảm hình phạt cho nhiều bị cáo. Theo Tòa phúc thẩm, các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội đưa hối lộ có một phần do sự gây khó khăn của các bị cáo là cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước; là nạn nhân của "cơ chế xin - cho", để khuyến khích người đưa hối lộ tố giác tội phạm, phản ánh tình trạng nhũng nhiễu của các cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước, có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Mặt khác, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết vụ án, số tiền đưa hối lộ không lớn, đã tự nguyện nộp lại toàn bộ hoặc phần lớn số tiền bị truy thu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhìn lại năm 2024: Nhiều đại án kinh tế được xét xử