Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, các ĐBQH trong Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã tham gia nghiên cứu 72 dự án luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết quan trọng.
Kỳ tiếp xúc thứ 11
Theo quy định, trong một nhiệm kỳ Quốc hội, các ĐBQH phải tiếp xúc trước và sau 10 kỳ họp. Có nghĩa tại kỳ họp thứ 11, các ĐBQH được phép không phải tiếp xúc cử tri nữa. Tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi khi đi tiếp xúc cử tri trong những ngày này các ĐBQH TP Hà Nội vẫn tiếp xúc cử tri và thực hiện quyền đại biểu của mình. Về vấn đề này, theo như giải thích của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội là “Đoàn ĐBQH TP Hà Nội vẫn yêu cầu các tổ đại biểu vẫn đi tiếp xúc cử tri để gặp gỡ và nghe đánh giá của cử tri đối với hoạt động của các ĐBQH ở kỳ họp cuối cùng”.
Báo cáo kết quả thực hiện chương trình hành động của ĐBQH trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho thấy: Trong nhiệm kỳ này, các đại biểu đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của ĐBQH cũng như chương trình hành động khi ứng cử ĐBQH. Tham gia đầy đủ 10 kỳ họp của Quốc hội, các buổi họp do Đoàn ĐBQH TP và Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức; tham gia các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn ĐBQH TP.
Bên cạnh đó, các hoạt động tiếp xúc cử tri định kỳ, chuyên đề, nơi công tác, nơi cư trú và theo nhóm đại biểu tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; Công tác xây dựng pháp luật đặc biệt được các đại biểu chú trọng vì Quốc hội đã đặt nhiệm vụ trọng tâm là công tác lập pháp, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập của đất nước.
Các đại biểu đã tham gia nghiên cứu 72 dự án luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật đã được thông qua tại nhiệm kỳ tính đến thời điểm này, trong đó có những đạo luật giữ vị trí, vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật một số luật về tổ chức bộ máy như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; các luật về thể chế kinh tế thị trường như: Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; các luật về công chức, công vụ như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Trong đó có những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế-xã hội, kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư, Luật An ninh mạng, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Cư trú, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Phòng, chống tham nhũng đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở, phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, thúc đẩy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền tự do kinh doanh bình đẳng, theo pháp luật.
Trong các buổi thảo luận đóng góp vào các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết do Đoàn ĐBQH TP tổ chức và các buổi thảo luận tại tổ, tại hội trường Quốc hội các ĐBQH của Hà Nội đều đã tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, các vấn đề quan trọng của đất nước. Là thành viên của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội từng cá nhân ĐBQH đã thể hiện sự trách nhiệm cao, tích cực tham gia các phiên họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để thẩm tra và góp ý kiến vào các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết trình tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIV.
Đổi mới tiếp xúc cử tri
Là người được vinh dự ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1, nơi có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ứng cử, ĐB Trần Thị Phương Hoa, Bí thư Quận ủy Cầu Giấy cho biết, trong nhiệm kỳ khóa XIV, hoạt động tiếp xúc cử tri đã được Đoàn ĐBQH TP Hà Nội khóa XIV nghiên cứu đổi mới theo hướng thiết thực đối với đại biểu và cử tri. Theo đó, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã thực hiện phân công ĐBQH đến tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử khác, giúp ĐBQH trong đoàn nắm được toàn diện hơn tình hình Thủ đô, và ý kiến nguyện vọng của cử tri để phản ánh với Quốc hội, đồng thời giúp cử tri có cơ hội được tiếp xúc với nhiều đại biểu Quốc hội trong đoàn.
Theo bà Hoa, các ĐBQH đã cố gắng dành thời gian để tham gia đầy đủ các hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội, tiếp xúc cử tri chuyên đề, nơi công tác và nơi cư trú. “Thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, chúng tôi và các ĐBQH trong đoàn đã tiếp thu, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của cử tri để chuyển về Đoàn ĐBQH TP tổng hợp được 558 ý kiến, kiến nghị gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành trung ương và 914 ý kiến, kiến nghị gửi đến UBND TP để trả lời cử tri. Qua các buổi tiếp xúc cử tri giúp ĐBQH chúng tôi có thêm thông tin, tham gia đóng góp và biểu quyết những vấn đề quan trọng của đất nước, chọn những vấn đề bức xúc để chất vấn Thủ tướng và các thành viên Chính phủ tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp trên cả nước được cử tri Thủ đô quan tâm hoặc chất vấn bằng văn bản khi không có điều kiện để chất vấn trực tiếp”-bà Hoa cho hay,
Theo ĐB Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, công tác tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của ĐBQH được duy trì nề nếp từ nhiều nhiệm kỳ Quốc hội. Theo đó, Đoàn ĐBQH TP đã phân công các vị ĐBQH trong đoàn thực hiện tiếp công dân vào sáng thứ 6 hàng tuần tại 2 trụ sở tiếp công dân của TP.
Ông Thường cho biết, tại nhiệm kỳ này, các ĐBQH đã trực tiếp tiếp công dân, nghe phản ánh kiến nghị về các lĩnh vực kinh tế-xã hội và đời sống ở Thủ đô, về công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn công dân chấp hành đường lối của Đảng, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Cũng theo ông Thường, việc xử lý các đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, và các ĐBQH TP Hà Nội được thực hiện đúng quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, Nghị quyết 759/2014/UBTVQH13 ngày 15/5/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
“Nhiệm kỳ 2016-2021, chúng tôi và các vị ĐBQH trong Đoàn đã tiếp tổng số 2.620 lượt công dân đến kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong đó có 116 lượt đoàn đông người. Tổng số đơn, thư đã nhận qua tiếp công dân của ĐBQH là 3.752 đơn”-ông Thường nói.
Tôn trọng và tiếp thu các ý kiến cử tri
Tại các buổi tiếp xúc cử tri, “lời sau cùng” được các đại biểu nói với cử tri đều là những lời hứa của mình đối với cử tri trong suốt một nhiệm kỳ qua. Theo bà Hoa: “Đối chiếu với chương trình hành động đã hứa với cử tri khi vận động bầu cử, chúng tôi nhận thấy từng ĐBQH đã hoàn thành tốt chương trình hành động trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Thực hiện tốt vai trò người đại biểu nhân dân, mang tiếng nói của cử tri đến diễn đàn của Quốc hội góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân”.
Còn ông Thường cũng cho rằng : “các đại biểu đã tham gia tích cực vào các hoạt động của Thành phố, đóng góp vào việc xây dựng các chủ trương lớn của Thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô”. Đánh giá về hoạt động của các ĐBQH TP Hà Nội trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, cử tri Đào Văn Phê, Phường Yết Kiêu, Quận Hà Đông nhìn nhận, hoạt động của Quốc hội ngày càng có hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của đất nước. Trong nhiệm kỳ qua, cử tri ghi nhận và đánh giá cao hoạt động rất tích cực của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội trong nhiệm kỳ này đã tổ chức tốt các đợt tiếp xúc cử tri, tôn trọng và tiếp thu các ý kiến cử tri, đã phản ánh kịp thời đến Quốc hội và các bộ, ban, nghành. “Ví dụ kiến nghị của cử tri chúng tôi đã được Đoàn ĐBQH TP Hà Nội chuyển đến Quốc hội, và được Quốc hội chấp thuận như đề nghị không thông qua Luật về đơn vị hành chính đặc biệt; xét điều chỉnh nâng lương cho những người về hưu, mất sức từ năm 1993 trở về trước”-ông Phê dẫn chứng.
Cử tri Phạm Xuân Thao, Phường Kim Giang, Quận Thanh Xuân xúc động nói: “Hiện cử tri đang rất phấn khởi bởi ghi nhận sự cố gắng hoạt động có trách nhiệm, có hiệu quả của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, cũng như HĐND các cấp trong nhiệm kỳ qua. Cho nên hiện cử tri đang cố gắng phấn đấu làm tốt công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các ĐBQH TP Hà Nội đều nghiêm túc thực hiện lời hứa của mình trước cử tri. Qua sự tham gia, sự giúp đỡ, sự giám sát của cử tri thì các ĐBQH đều trưởng thành, tất cả đều trưởng thành ở các vị trí công tác, nhiều người đã được bổ nhiệm ở những vị trí cao hơn. “Đó là công sức của mỗi đại biểu nhưng trong đó có sự tham gia, góp ý, và giám sát của cử tri để từng đại biểu trưởng thành theo thời gian”-bà Ngọc cho hay.