Trong kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội.
Đây được coi là đòi hỏi bức thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền Thủ đô trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Không tăng biên chế
Nghị quyết quy định: Thường trực HĐND thành phố Hà Nội gồm Chủ tịch HĐND, 2 Phó Chủ tịch HĐND và các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND thành phố. Chủ tịch HĐND Thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch HĐND thành phố là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Còn các Ban của HĐND thành phố Hà Nội gồm: Trưởng ban, 2 Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Trưởng ban của HĐND thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Trưởng ban của HĐND thành phố là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Ban của HĐND thành phố có 1 ủy viên hoạt động chuyên trách.
Việc thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội được thực hiện từ nhiệm kỳ 2021-2026 và trong suốt thời gian thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội.
Sau khi thông qua Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Quốc hội đã xem xét, quyết định đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội từ nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện để thành phố chủ động chuẩn bị cho việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân sắp tới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền Thủ đô trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Theo ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp): Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép thành phố Hà Nội thực hiện không tổ chức HĐND cấp phường. Khi không có HĐND cấp phường, vai trò trách nhiệm trong công tác giám sát được giao cho HĐND cấp quận và cấp thành phố để thay nhiệm vụ giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước ở cấp phường trong toàn thành phố. “Do đó, việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội, trong đó cho phép tăng đại biểu chuyên trách của HĐND của thành phố so với nhiệm kỳ trước là vấn đề hợp lý”-ông Hòa nói.
Với việc tăng thêm đại biểu hoạt động chuyên trách cho HĐND thành phố Hà Nội, ông Hòa nhìn nhận ngoài trưởng Ban, 2 Phó Ban sẽ thêm 1 đại biểu chuyên trách cho HĐND thành phố Hà Nội.
Hà Nội là thành phố đặc biệt của cả nước, dân số đông trên 10 triệu người cho nên hoạt động giám sát trên tất cả các lĩnh vực trong hoạt động của cơ quan nhà nước là cực kỳ quan trọng. Do đó tăng đại biểu hoạt động chuyên trách của thành phố Hà Nội lên 19 người là cần thiết. Mặc dù tăng đại biểu chuyên trách nhưng tổng số biên chế không thay đổi nên cơ cấu bố trí là hợp lý nhằm tăng cường vai trò trách nhiệm hoạt động của cơ quan chuyên trách của HĐND cấp thành phố để thực hiện các nhiệm vụ như: tiếp xúc cử tri, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của thành phố nhằm thực hiện thể hiện cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương của cấp thành phố.
Đòi hỏi cấp thiết
Theo đánh giá của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội việc tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND Thành phố Hà Nội chỉ thực hiện trong nhiệm kỳ 2021-2026 để triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Sau khi kết thúc thực hiện thí điểm sẽ tiến hành tổng kết để đánh giá, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp. Để tạo cơ sở pháp lý cho quá trình tổ chức thực hiện, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ và các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, sớm có đề xuất cụ thể về lương, phụ cấp và chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp đối với chức danh ủy viên hoạt động chuyên trách tại ban của HĐND thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, do thành phố Hà Nội thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo hướng không tổ chức HĐND ở các phường thuộc quận, thị xã nên nhiều nhiệm vụ của HĐND phường được chuyển lên cho chính quyền quận, thị xã và cấp thành phố. Vì vậy, đề nghị Thành phố Hà Nội có phương án sắp xếp, bố trí đủ số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách cần thiết cho HĐND các quận và thị xã Sơn Tây trong nhiệm kỳ 2021-2026 để phù hợp với yêu cầu, khối lượng công việc và tăng cường năng lực giám sát, quyết định các vấn đề của địa phương trên địa bàn các quận, thị xã của thành phố khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
ĐB Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa) cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp thì rất cần đội ngũ đại biểu hoạt động chuyên trách. Đại biểu nêu thực trạng, hiện nay số lượng đại biểu dân cử các cấp hoạt động chuyên trách quá ít dẫn đến quá tải trong thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên từ việc Hà Nội tổ chức thí điểm tăng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì trong nhiệm kỳ tới cần có sự tổng kết, đánh giá qua đó nhân rộng đến các địa phương khác.
“Hà Nội đã được cho phép thực hiện thí điểm cơ chế chính quyền đô thị. Như vậy chỉ còn 1 cấp chính quyền, không còn tổ chức HĐND cấp phường. Thực tế số lượng đại biểu HĐND trong hệ thống chính trị của Thành phố Hà Nội đã giảm hơn so với trước đây, trong khi thực thi nhiệm vụ thì không giảm, thậm chí giám sát còn tăng và yêu cầu đòi hỏi cao hơn. Cho nên cần phải được tăng cường sức mạnh cho HĐND thành phố do HĐND thành phố phải gánh vác nhiệm vụ, khối lượng công việc nhiều hơn. Đây là yêu cầu, đòi hỏi cần thiết phải tăng cường số lượng đại biểu chuyên trách, tăng nguồn lực con người cho HĐND thành phố Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng của luật pháp. Việc Quốc hội quyết định tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách cho thành phố Hà Nội là cần thiết, phù hợp, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hiện nay thành phố Hà Nội đang tổ chức chính quyền đô thị”- ĐB Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) nhìn nhận.