Sau gần 1 tháng trưng bày, hôm nay (12/11), triển lãm cá nhân lần thứ 12 của họa sĩ Lê Kinh Tài tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) khép lại. Đây là lần thứ hai họa sĩ Lê Kinh Tài bày triển lãm của mình ở Hà Nội. Khác với lần trước, triển lãm lần này giống như một tiểu kết “Nhìn lại”- cũng là tên gọi của triển lãm - giai đoạn sáng tác khoảng 10 năm gần đây của anh.
Tác phẩm “Chiến binh” trưng bày trong triển lãm.
1. Hà Nội đang vào mùa hội họa. Công chúng yêu mỹ thuật ở thời điểm này có thể “no mắt” khi được xem nhiều triển lãm mỹ thuật của các họa sĩ Lê Công Thành, Lý Trực Sơn, Nguyễn Bảo Toàn, hay của nhóm họa sĩ G39, nhóm Gang of Five… Nhưng thường, các triển lãm chỉ kéo dài trong khoảng 5 đến 7 ngày. Hiếm ai bày triển lãm đến gần 1 tháng như họa sĩ Lê Kinh Tài. Còn nhớ, hôm 14-10, triển lãm “Nhìn lại” khai mạc thu hút rất đông công chúng yêu mỹ thuật lẫn người trong giới.
Nhiều người tò mò, vì họa sĩ Lê Kinh Tài sống và vẽ tại TPHCM. Tranh của anh nổi tiếng trước hết bởi kích thước lớn, có bức họa dài tới 6m. Đặc biệt hơn, anh thuộc tốp họa sĩ có giá bán tranh cao nhất hiện nay. Người ta rỉ tai nhau, số tác phẩm mà anh mang ra Hà Nội triển lãm lần này rất “khủng”. Đặc biệt là tác phẩm “Nhìn về phương Đông” có giá tới 400.000 USD, ngoài ra hơn chục tác phẩm còn lại đều có mức giá nhiều nghìn USD.
Chính vì thế, trong thời gian triển lãm diễn ra, nhiều người tìm đến VCCA ở 72 Nguyễn Trãi (Hà Nội) để xem. Không ít khách du lịch cũng “nối tour” đến đây.
Họa sĩ Lê Kinh Tài.
2. “Nhìn lại” giới thiệu 9 tác phẩm điêu khắc và gần 30 bức tranh khổ lớn, tập trung vào giai đoạn phong cách nghệ thuật đã đạt độ chín của họa sĩ Lê Kinh Tài với cái tôi được thể hiện mạnh mẽ trong tác phẩm. Những tác phẩm này mang tinh thần “tự phơi bày bản ngã của mình trên mặt tranh” thay vì đơn thuần chinh phục cái đẹp thị giác.
Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, trước khi cầm bút vẽ đã có thời gian dài Lê Kinh Tài làm thiết kế đồ họa (graphic design). “Khi đến với hội họa, anh thể hiện một quan niệm thẩm mỹ khác hẳn các họa sĩ đi trước và các họa sĩ đồng thời với anh, đó là sự pha trộn của nghệ thuật đường phố (bao gồm graffiti, tranh tường), pop art, hội họa ý niệm, và tranh cổ động, quảng cáo (poster)” – họa sĩ Lê Thiết Cương nói, đồng thời phân tích: “Những yếu tố đó làm cho các tác phẩm của Tài đứng ra một góc riêng, không phải là kiểu hội họa phục vụ khách du lịch muốn qua hội họa tìm hiểu phong cảnh đất nước, con người Việt Nam hoặc thuần túy trang trí nhà cửa. Ngay cả sự thơ mộng, cái đèm đẹp cũng bị loại bỏ”.
Trong triển lãm lần thứ 2 ở Hà Nội, những tác phẩm của Lê Kinh Tài có điểm chung là sắc thái trào phúng, giễu nhại, khai thác các vấn đề xoay quanh bản ngã của con người, dù biểu hiện ra bên ngoài hay ẩn nấp trong các hình thái giao tiếp văn hóa xã hội, đối thoại giả lập giữa hai phần “con” và “người”. Anh không đơn thuần ngoái đầu về quá khứ nhìn lại con đường đã đi qua mà còn nhìn lại chính mình hay những lớp đổi thay tại tầng sâu bên trong sau 20 năm sáng tác. Từ góc nhìn của Lê Thiết Cương, “cảm giác Lê Kinh Tài khát vọng đi tìm một thẩm mỹ khác, thứ thẩm mỹ xuất phát từ và gắn với đời sống đô thị hiện đại… Lê Kinh Tài thể hiện tất cả những mặt hay-dở của cuộc sống đô thị nhưng không sao chép hiện thực ấy mà dùng hình và màu của mình để diễn tả không khí ấy, lối sống ấy, nhịp điệu ấy. Hội họa của Tài đầy chặt những âm vang của tiếng còi xe, tiếng máy nuốt-nhả thẻ tín dụng, tiếng đổ vỡ, rạn nứt, tiếng loa quảng cáo…”
Trong tranh của Lê Kinh Tài, người ta không chỉ thấy đường nét, bảng màu mạnh mẽ mà còn “vấp” phải những dòng chữ tiếng Anh. Điều này, theo họa sĩ Lê Thiết Cường, khiến tôi nghĩ đến sự pha trộn với nghệ thuật poster trong tranh của Tài…
3. Lê Kinh Tài được xem là một trong những hiện tượng của nền mỹ thuật đương đại với phong cách gây nhiều tranh cãi, đón nhận những luồng đánh giá ở các thái cực đối lập. Họa sĩ tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật năm 1997 này đã nhanh chóng trở thành một trong những gương mặt nổi bật của đời sống mỹ thuật TPHCM sau năm 2000.
Trước khi triển lãm khép lại, ngày 11-11, họa sĩ Lê Kinh Tài đã có buổi giao lưu và trò chuyện với công chúng. Họa sĩ Lê Kinh Tài chia sẻ, anh luôn vẽ trong trạng thái rong chơi với cái nhìn thấy trong đời thường. Vẽ, với anh chính là sự nạp năng lượng, nó là nhu cầu tự thân. Lê Kinh Tài cũng cho rằng, người hoạt động văn hóa văn nghệ thì nên lạc quan để sống đẹp và cống hiến đúng với hơi thở thời đại mình đang sống. Vì vậy, với nghệ thuật, rất cần thời gian, rất cần nhìn về phía trước, đừng ngoái đầu để mặc cảm tự ti với quá khứ.