Xem triển lãm ảnh “Ký ức làng” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo giống như xem một cuốn phim đen trắng ở rạp chiếu bóng hồi xưa, cái thời còn có cả rạp ngoài trời. Gió lùa vào màn ảnh bung biêng, những vết xước dọc ngang, chân phương mà tình thật.
Tác phẩm “Một thoáng Chiêu Quân”.
Đừng vì cái đẹp mà phi nhân
Có lẽ nhiều người biết đến Nguyễn Hữu Bảo là chồng của NSND Như Quỳnh, nhưng không biết rằng cả 3 người anh em của ông cũng làm trong ngành điện ảnh. Sống trong một gia đình điện ảnh, có vợ và các anh em đều gắn bó với môn nghệ thuật thứ bảy, nhưng ông lại dành tình yêu đặc biệt với nhiếp ảnh. |
Nguyễn Hữu Bảo- một “giai phố cổ” chính gốc Hà thành, lại là nghệ sĩ nhiếp ảnh nữa, nhưng trông anh không hề có vẻ gì lãng tử. Anh chân chất, chỉn chu, nền nã, trầm buồn. Những tính cách ấy soi vào ảnh của Hữu Bảo là thấy, mỗi tấm ảnh bao giờ cũng là một cuộc chuyện trò, thủ thỉ biết bao nhiêu buồn vui của cuộc đời.
60 bức được anh chọn treo trong triển lãm “Ký ức làng” đang diễn ở Hà Nội những ngày mùa thu này là một góc của quãng thời gian 45 năm Hữu Bảo cầm máy. Chỉ đen và trắng thôi, chỉ trung và cận thôi, không chút màu mè hay đại cảnh, toàn cảnh hoành tráng, bởi cái màu đen và trắng gắn bó với Hữu Bảo từ khi anh bắt đầu cầm máy, hồi nhiếp ảnh còn là một thú chơi sang chảnh của những bậc công tử “con nhà” ở Hà thành.
Hữu Bảo nói: “Chụp cái gì cũng là chụp tôi. Ảnh tôi chủ yếu là đen trắng bởi vì tôi xuất phát từ đen trắng lên, hồi đó chưa có ảnh màu. Bản thân đen trắng triệt tiêu tất cả màu sắc và chỉ còn sự thật, đen trắng là sở thích riêng của tôi. Ảnh tôi là ảnh khó treo, chỉ hợp với làm sách, giống như lời chia sẻ, thủ thỉ hơn là lời hùng biện về cái đẹp”.
Cuộc sống trong ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Bảo luôn có một độ lùi, chiều sâu để người xem ngẫm ngợi, không phải thứ ảnh postcard tầm tầm đèm đẹp mà đẹp xong cũng chẳng biết để làm gì, mỗi cú bấm máy của anh là một câu chuyện kể. Chính vì thế, Hữu Bảo mang bao nhiêu nỗi niềm vào tác phẩm của mình, ảnh không chỉ là ảnh, mà phải kể được câu chuyện về số phận con người.
Anh bảo: “Tôi thấy hơi ngạc nhiên, vì xu hướng thay đổi của làng quê hiện nay khiến nhiều người rầu rĩ kêu chán. Họ bảo sao làng quê bây giờ lại có cái cột điện ở đây, sao người dân tộc lại không mặc váy nữa, sao lại mặc áo phông thế này? Tôi cho đó là sự ích kỷ”.
Rồi anh phân tích: “Phải đặt mình vào hoàn cảnh của họ chứ, người ta sống ở trên đời này có thực mới vực được đạo, bắt một người miền núi cứ phải mặc quần áo dân tộc suốt ngày thì làm sao họ sống được? Trong khi các anh đi chơi thoải mái bằng ô tô, đến nơi chỉ muốn chọn một góc đẹp đẽ để làm tác phẩm của anh trên sự khốn khổ của người khác thì đó là vấn đề phi nhân văn. Một bức ảnh đẹp là ảnh có nhiều thông tin, đa chiều về các khía cạnh chứ không phải nhiếp ảnh thuần túy duy mỹ”.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Bảo tại triển lãm “Ký ức làng”. Ảnh: Lê Tâm.
Muốn “thấy”, phải sử dụng cái đầu
Hữu Bảo nói bây giờ anh chụp không phải như một người chăm chỉ với mục đích “ra khỏi nhà là phải có ảnh” nữa, bây giờ mỗi cuộc đi chơi, anh mang theo máy ảnh. Đều là chụp ảnh nhưng tinh thần khác nhau. “Tôi buông nhưng hóa ra lại thành nắm, trước thì chủ trương nắm nhưng nắm toàn không khí”, anh cười.
Sự thay đổi đó đến từ 12 ngày theo học một một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng người Mỹ mà anh xin được làm hướng dẫn viên du lịch cho ông, đổi lại nhận được sự “kèm cặp” từ bậc thầy này.
Anh nhớ lại: “Đợt ấy chúng tôi đi Hội An, đứng trước một cánh đồng mênh mông trong một buổi chiều tà rất đẹp, ông ấy đang ngắm ống kính thì hỏi tôi, có thấy cảnh đẹp không rồi bảo tôi ngắm vào chỉnh ống kính. Tôi ngắm vào ống kính, nếu là một cú bấm máy thì đó sẽ là một bức ảnh phong cảnh tuyệt đẹp. Ông lại hỏi tôi có cần xem lại gì không? Tôi trả lời “Chỉ cần thế thôi”, ông bảo “Đúng, tôi cũng chỉ cần thế thôi là có một bức ảnh đẹp, nhưng đẹp thế thì cũng có chuyện gì đâu, nên tôi không bấm máy”. Và thế là tôi bừng tỉnh”.
“Đẹp thì đẹp thật nhưng cũng chẳng có chuyện gì”, Hữu Bảo xem đó là một lời dạy rất ngắn gọn, chỉ nhờ một câu nói rất bình thường như vậy anh đã “vặn lại” suy nghĩ của mình. Khi đưa “thầy” ra tới sân bay, ông còn tặng thêm cho anh một câu nữa: “Một nhà nhiếp ảnh nhìn mà không thấy thì coi như bị mù”. Chính câu nói ấy đã ám ảnh Hữu Bảo, khiến anh chỉ muốn bỏ máy, bỏ nghề, vì rõ ràng đã có những lúc anh chỉ chụp bằng mắt, còn muốn “thấy”, phải sử dụng cái đầu của nhà nhiếp ảnh.
Có thể tìm thấy rất nhiều câu chuyện trong ảnh của Hữu Bảo, trong triển lãm “Ký ức làng” (mở cửa đến hết 15-10), một trong những bức gây ấn tượng cho người xem nhiều nhất có lẽ là “Ni cô chùa Trăm Gian” với cú cắt cúp táo bạo dừng ở dưới đôi mắt đứa trẻ mà ni cô đang bế trong lòng. Hai ánh mắt nhìn về hai hướng, với bao nhiêu ẩn ức về hai số phận mà người xem có thể thấy gợi lên trong lòng mình. “Ảnh của tôi là thế, tôi luôn muốn mời mọi người cùng suy nghĩ với mình”- nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Bảo nói.