U18 Việt Nam khép lại hành trình của mình ở giải vô địch Đông Nam Á trên sân nhà sau trận thua tủi hổ trước Campuchia. Sau thất bại ấy, HLV Hoàng Anh Tuấn đã xin từ chức, nhưng điều đó có lẽ cũng không thể giúp lứa cầu thủ mà ông Tuấn dẫn dắt có một tương lai tươi sáng hơn.
U18 Việt Nam đã có một giải đấu vo cùng thất vọng.
U18 Việt Nam có một giải đấu vô cùng thất vọng, không chỉ bị loại ở vòng bảng U18 Đông Nam Á trên sân nhà mà còn để lại một lối chơi thiếu gắn kết và có phần xấu xí. Trận thua U18 Campuchia như giọt nước tràn ly, trong lịch sử Việt Nam chưa bao giờ để thua Campuchia ở cấp độ đội tuyển.
“Bóng đá trẻ chúng ta cần thời gian. Không phải chúng ta tập trung đào tạo tốt thì sẽ có cầu thủ tốt ngay. Các học viện lớn trên thế giới như học viện bóng đá của Barcelona, sau khi Iniesta ra đi thì Barcelona đâu có tài năng nào đâu. Họ vẫn phải đi mua các cầu thủ chất lượng ở CLB khác” - HLV Hoàng Anh Tuấn lấy CLB của Messi để bào chữa.
Nhưng những lý giải cho thất bại của HLV người Khánh Hoà không làm người hâm mộ thông cảm. Tất cả đã thấy một U18 Việt Nam chơi bạc nhược, thiếu bản sắc, thiếu cả tinh thần thi đấu.
Thất bại trước U18 Campuchia gây sốc nhưng việc U18 Việt Nam bị loại thì không khiến ai bất ngờ. Đây đã là lần thứ ba liên tiếp các đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn dừng bước ngay tại vòng bảng giải Đông Nam Á.
Thất bại của U18 Việt Nam thực sự đáng báo động. Kể từ khi lứa trẻ như Công Phượng, Văn Toàn, Quang Hải và Văn Hậu được đôn lên cấp độ cao hơn thì bóng đá trẻ của nước nhà không giữ được những thành quả vốn có, mà thậm chí còn liên tiếp để thua ở những giải đấu gần đây. Nếu cứ tiếp tục như vậy, chỉ vài năm nữa, bóng đá Việt Nam lại đi vào vết xe đổ mà chính mình đã tạo ra.
Những người phản đối ông Hoàng Anh Tuấn hoàn toàn có lý do để đặt câu hỏi về tài năng của chiến lược gia này bởi lần gần nhất ông qua được vòng bảng giải Đông Nam Á và những chiến tích vĩ đại sau này đều chỉ gắn liền với một lứa cầu thủ. Trong 3 giải U18 Đông Nam Á gần nhất, những đội U18 Việt Nam dưới quyền chỉ đạo của HLV này đều nói lời tạm biệt với cuộc chơi ngay sau vòng bảng.
Thua kém các đối thủ về chuyên môn đã đành, U18 Việt Nam còn không có cả tinh thần thi đấu, dù được chơi trên sân nhà. Cứ nhìn cảnh các CĐV cổ vũ cho Campuchia lại thấy quá buồn cho bóng đá trẻ Việt Nam.
Cần phải nhắc lại rằng thành công lớn của HLV Park ở cấp độ ĐTQG và U23 là việc tạo ra thứ tâm lý vững vàng cho từng cầu thủ. Chúng ta có thể yếu hơn và thua đối thủ, nhưng không phải vì những sai lầm xuất phát từ tâm lý của từng cá nhân. Song thứ tâm lý ấy dường như không tồn tại ở cấp độ U18 này, hoặc chí ít ở giải đấu U18 Đông Nam Á diễn ra trên chính sân nhà. Đội U18 Việt Nam đã thua Campuchia và bị loại bởi lẽ đó.
Đáng lo ngại hơn, U18 Việt Nam không phải đội tuyển gây thất vọng duy nhất. Vài ngày trước đó, một đội bóng Việt Nam khác là U15 của HLV Đinh Thế Nam cũng bị loại bởi Malaysia ở bán kết giải Đông Nam Á. Một năm trước, cũng đội U15 này không thể qua nổi vòng bảng giải đấu trên đất Indonesia.
5 giải đấu gần nhất của cấp độ U15 và U18 ở khu vực, bóng đá Việt Nam chỉ một lần vượt qua vòng bảng. Nếu tính cả kỳ SEA Games 2017 thảm họa, đó là thất bại thứ 6 liên tiếp.
Chuỗi thành tích tệ hại của một loạt các đội bóng trẻ tạo ra nhiều hệ lụy. Cần nên biết rằng trong gần hai năm qua, triều đại Park Hang Seo gần như không nhận được sự bổ sung mới nào từ hệ thống bóng đá trẻ.
Những diễn biến trên có vẻ rất vô lý đặt trong bối cảnh chiến thắng của U23 Việt Nam và tuyển quốc gia. Tuy nhiên, nó đang phản ánh rất chính xác quy luật của hoạt động đào tạo trẻ.
Từ thất bại của U18, chúng ta đã thấy khoảng trống rất lớn từ lớp kế cận của bóng đá Việt Nam - đó thực sự là điều đáng lo ngại nhất chứ không phải là chuyện bị loại ngay ở vòng bảng giải khu vực như đã thấy.