Cộng đồng người Việt Nam tại Lào hiện nay tương đối đông, với khoảng 30-40 ngàn người. Cũng nhờ mối quan hệ tốt giữa các cộng đồng cùng chung sống mà nhiều mối tình đẹp giữa người Việt và người Lào được đơm hoa kết trái.
Các gia đình Việt Lào chung sống hạnh phúc, thành đạt, họ được xem là những “đại sứ” trong việc thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Anh Nguyễn Tiến Dũng (quê ở huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) kể, năm 2003, tốt nghiệp ngành Sinh hóa, Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM.
Sau một thời gian làm việc tại Sài Gòn, anh muốn tìm một cơ hội lập nghiệp mới và lên mạng tìm hiểu thấy có dự án đầu tư cao su bên Lào nên xin đi. Qua 8 năm phấn đấu làm việc tại đất Lào, anh Dũng quen và kết hôn cùng chị Phat Vanh Thong Mani Vong, giáo viên cấp 1.
Hiện tại vợ chồng anh có hai cháu trai, một cháu gái. Chia sẻ về mối lương duyên với bà xã, anh Dũng tâm sự: “Hồi mới qua Lào, mấy anh em thuê nhà để làm việc, rồi gặp Phat Vanh Thong Mani Vong. Thấy cô gái Lào hiền hòa, không hơn thua, là mẫu người của gia đình. Tôi thấy đức tính này của cô ấy giống mẹ tôi ở quê nhà, rồi lên kế hoạch “cưa”. Sau một thời gian tìm hiểu cô ấy đã gật đầu”.
Nhưng chuyện tình của anh chị gặp không ít trắc trở bởi cả hai bên gia đình không ủng hộ. Nguyên nhân do bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán. Để đi đến được với nhau, anh Dũng phải thuyết phục mẹ. Về phần mình, Phat Vanh Thong Mani Vong cũng tìm cách giải thích để gia đình hiểu.
“Cuối cùng, hai bên đồng ý, bây giờ cả hai bên gia đình rất trân quý nhau. Phía gia đình Lào tự hào vì có người con rể chịu thương, chịu khó phấn đấu phát triển để đưa gia đình đi lên. Còn bên gia đình tôi tự hào về nàng dâu hiếu thảo”- anh Dũng phấn khởi chia sẻ.
Trao đổi thêm về công việc của mình, Dũng cho hay, hai năm đầu thu nhập chừng 120 USD/tháng. Hiện tại, mức lương chừng 800 USD/tháng, lương bà xã mỗi tháng chừng 300 USD. Do có nhiều đóng góp, anh Dũng được lãnh đạo Công ty bổ nhiệm vị trí Trưởng phòng Quản lý chất lượng của Công ty TNHH Cao su Việt Lào (Công ty Cao su Việt Lào).
“Ngoài ra công việc Công ty, tôi còn làm giống cao su. Bên cạnh đó, vợ chồng tôi đã mở được hai cơ sở xăng dầu; mua được 15 ha đất rẫy để cho thuê trồng tiêu, cà phê nên cuộc sống tương đối ổn”- anh Dũng vui mừng cho biết.
Khác với anh Dũng, anh Nguyễn Vũ Thịnh (quê huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), ngay sau khi tốt nghiệp Đại học ngành Lâm nghiệp Đại học Nông lâm TP HCM, anh xung phong đi qua Lào làm việc. Thời điểm anh Thịnh qua Lào đúng vào dịp Công ty thành lập.
Gặp chúng tôi, anh Thịnh bồi hồi nhớ lại, lúc mới qua Lào, cơ sở hạ tầng chưa có nên mấy anh em thuê nhà để ở và làm việc. Đây chính là căn nhà của bố vợ sau này, nhà vợ bán cà phê. Các anh thường qua lại quán rồi quen Nang Keo Lattana Kouvanhthong, con gái chủ nhà. Đến lúc Công ty có văn phòng làm việc, anh Thịnh và một số anh em vẫn ở lại làm việc thêm hai năm nữa. Đây chính là thời gian thích hợp để tìm hiểu, cô gái con chủ nhà. Đến năm 2010, hai anh chị quyết định đi đến hôn nhân.
Anh Thịnh cho biết, vì kết hôn với người nước ngoài, phải làm thủ tục, hồ sơ tương đối khó, với nhiều thủ tục khác nhau, trong đó phải về Việt Nam xác nhận độc thân, xác nhận không có tiền án tiền sự. Tiếp đó qua Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Lào xác nhận, hồ sơ, rồi tiếp tục được đưa lên tỉnh, qua Sở Ngoại vụ.
Hiện tại vợ chồng anh có hai cháu, trong đó cô con gái đầu lòng 9 tuổi, học lớp 3, đã biết giúp ba mẹ nhiều việc và một cậu con trai 8 tuổi học lớp 2, cả hai con đang học trường Việt Lào. Mặc dù sinh ra và lớn lên tại Lào nhưng hai cháu vừa nói được tiếng Lào vừa nói được tiếng Việt. Hàng ngày, anh Thịnh cũng thường dạy cho vợ nói tiếng Việt.
Do tạo dựng được mối quan hệ tốt với chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội nước sở tại nên ngoài công việc hàng ngày, vợ chồng anh Thịnh luôn có những hoạt động hỗ trợ để tăng cường tình hữu nghị Việt Lào, hỗ trợ người dân về kỹ thuật trồng cây cao su. Mỗi khi có bão lũ, anh em trong Công ty đã vận động hỗ trợ người dân.
Còn anh Võ Đại Quang, 30 tuổi, Tổ trưởng Tổ 18 Nông trường Bachiang 1 tâm sự: Ở quê nhà Bà Rịa-Vũng Tàu, đời sống nhiều khó khăn nên em muốn tìm cho mình một hướng đi mới. Năm 2013, được tin Công ty có tuyển lao động từ Việt Nam qua Lào làm việc, em muốn thử sức mình ở một nơi làm việc mới, rồi nhanh chóng quyết định qua đây.
Là “tân binh”, được các chú, các anh chị hết lòng quan tâm nên công việc gặp nhiều thuận lợi. Tại đây, anh Quang gặp Nàng Nin, cô gái Lào xinh đẹp, chất phác. Sau thời gian hẹn hò, đến năm 2017, bọn anh Quang và chị Nàng Nin quyết định đi đến hôn nhân. Hiện nay, vợ chồng em đã có một bé trai kháu khỉnh. Mỗi tháng thu nhập của Quang tính ra tiền Việt khoảng 10 triệu đồng, lương vợ cũng được hơn 5 triệu đồng, đời sống gia đình ổn định
Đánh giá về người chồng Việt của mình, Nàng Nin cho rằng, đàn ông Việt rất chăm chỉ, làm việc lại sáng tạo. Từ ngày cưới nhau, gia đình đã về Việt Nam được ba lần, Việt Nam rất đẹp, người dân hiền hòa, tốt bụng.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Thế Dũng, Tổng Lãnh sự Việt Nam (phụ trách 4 tỉnh Nam Lào) khẳng định, mối quan hệ Việt - Lào đã hình thành từ lâu, hai bên luôn duy trì mối quan hệ hữu nghị thủy chung, bền chặt, đó là tài sản vô giá của hai dân tộc.
Theo ông Dũng, hiện nay cộng đồng người Việt định cư tại tỉnh Champasak khá đông, khoảng 8.000 người. Để hỗ trợ người Việt hòa nhập tốt với người bản địa, chúng tôi phối hợp với Hội Người Việt Nam tại Lào, Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tổ chức các hoạt động hỗ trợ người Việt bằng hình thức tư vấn, truyên truyền để người Việt Nam sống tại Lào hiểu được luật pháp nước sở tại, đồng thời phối hợp tổ chức dạy tiếng Việt.
“Với số lượng người Việt khá đông như vậy, các cặp hôn nhân người Việt và người Lào là rất lớn. Quan hệ Việt - Lào đã trở thành truyền thống, việc công dân Việt Nam kết hôn với người Lào thì cũng như hai “nhà” kết hôn với nhau. Để tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân hai nước, cũng như việc quan tâm đến các cháu nhỏ của gia đình Việt Lào, chúng ta đã phối hợp với chính quyền sở tại quan tâm nhiều chương trình, trong đó xây dựng trường Việt Lào ở 4 tỉnh Nam Lào để các cháu có điều kiện học hành tốt hơn, dạy tiếng Việt. Nhờ vậy mà các cháu sinh ra ở đây nghe nói tiếng Việt rất tốt, thậm chí có nhiều cụ già 70 - 80 tuổi, đã ở đây mấy đời nhưng sử dụng tiếng Việt khá thành thạo. Việc sử dụng tiếng Việt là cực kỳ quan trọng trong việc giữ gìn được bản sắc văn hóa người Việt, cũng từ đó giúp cho việc giao lưu, trao đổi văn hóa giữa hai nước được thuận lợi hơn”, ông Bùi Thế Dũng cho biết thêm.
Ông Bua Són Vông Song Kon, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh tỉnh Champasak cho biết, thực hiện chính sách giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Lào, cũng như thực hiện theo pháp luật của Lào, đã khuyến khích cho người Việt Nam kết hôn với người Lào. Với những người Việt Nam qua đây sinh sống, làm ăn, luôn sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện để phát triển. Thực hiện các chương trình hỗ trợ cho các gia đình hôn nhân Việt - Lào, cụ thể các cháu học hành được miễn phí từ mẫu giáo cho tới hết lớp 12, tạo điều kiện nhập quốc tịch cho người Việt kết hôn với người Lào, các cháu sinh ra cũng đương nhiên là quốc tịch Lào. Bên cạnh đó, những người Việt ở Lào trên 10 năm có nguyện vọng nhập quốc tịch cũng được xem xem cho nhập.
Ban lãnh đạo Công ty TNHH Cao su Việt Lào cho biết, trong quá trình xây dựng và phát triển, Công ty đã liên tục phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã được Đảng, Nhà nước hai nước Việt Nam và Lào tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Cụ thể:
Năm 2010, Tổng Giám đốc Công ty được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”.
Năm 2019, tập thể Công ty được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và các đồng chí: Giám đốc, Phó Giám đốc được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba.
Tập thể Công ty được Chủ tịch nước CHDCND Lào tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba và Huân chương Hữu nghị.
Được Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam tặng Cờ thi đua 5 năm (2005, 2006,2007,2016,2017).
Được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tặng Cờ thi đua 4 năm (2009,2010,2011,2018).
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng cờ 3 năm liền từ 2016-2018.
Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc (các năm 2012-2014 và năm 2017)…
Và nhiều tập thể, cá nhân thuộc Công ty được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…tặng Bằng khen.