Tinh hoa Việt

Nhịp sinh sôi

PHONG ĐIỆP 12/02/2024 12:48

Những ngày đầu xuân Giáp Thìn, tôi bỗng nghĩ nhiều về hai chữ “hồi sinh”.

hoi-sinh-3.jpg
Khu dân cư Bằng La hôm nay.

Năm 2023 đánh dấu chặng đường ba năm vô cùng đáng nhớ khi cả thế giới trong đó có Việt Nam phải đương đầu với đại dịch Covid-19 khốc liệt chưa từng có. Trong quãng thời gian đầy bất ổn và xáo trộn ấy nhân loại đã chứng kiến quá nhiều thiệt hại, mất mát, hy sinh, có lúc, có nơi tưởng khó lòng gượng lại được. Vậy nhưng với ý chí và cố gắng phi thường từ chính mỗi cá nhân đến toàn xã hội, cuộc sống đã dần dần hồi sinh.

Tuy nhiên cũng cần phải nhấn mạnh rằng dịch bệnh chỉ là một trong nhiều bất trắc mà thế giới phải luôn học cách để ứng phó. Nó không diễn ra thường xuyên, trong khi luôn có vô số nguy cơ khác đe dọa loài người bất cứ lúc nào như biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, động đất, hỏa hoạn…

Nhìn lại năm 2023, nhiều nhà khoa học của Việt Nam đã gọi đây là một năm của thiên tai khi hầu hết các khu vực trên khắp đất nước đều phải chịu tổn thất do bão lũ, nắng nóng, hạn hán và cháy rừng. Cũng trong năm 2023, chúng ta đã phải xót xa chứng kiến nhiều vụ hỏa hoạn cháy nổ, để lại những hậu quả vô cùng thương tâm như vụ cháy khu chung cư mini tại Hà Nội làm 56 người chết…

Sẽ có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra từ các vụ việc để chúng ta biết cách tự bảo vệ mạng sống của chính mình và của cả cộng đồng ngày càng tốt hơn.

Song có một điều vô cùng đáng quý mà tôi nhận thấy đó là chính trong những thời điểm khó khăn, mất mát, tính gắn kết, tương trợ của cộng đồng càng được củng cố và nhân lên mạnh mẽ. Đó là nền tảng tinh thần quan trọng tạo nên sức mạnh và sự bứt phá cho đất nước trong tiến trình phát triển. Đó còn là động lực để hồi sinh những cuộc đời, những số phận từ mất mát, khổ đau.

Ngẫm ngợi về hai chữ “hồi sinh”, tôi bỗng nhớ đến chuyến công tác tại xã Trà Leng (thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) hồi tháng 7/2023. 3 năm trước, vào chiều 28/10/2020, tại thôn Bố Đề (xã Trà Leng) đã xảy ra trận sạt lở núi kinh hoàng khiến chỉ trong vài giờ đồng hồ 15 ngôi nhà đã vùi lấp hoàn toàn, kéo theo 22 người bị mất tích.

Chỉ vài ngày sau đó, lũ quét xảy ra tiếp tục xóa sổ làng Tắc Pát (xã Trà Leng). Hàng chục ngôi nhà của người dân bị nhấn chìm trong bùn đất, điểm trường tiểu học khu dân cư Tắc Pát đổ sập. Sạt lở và lũ quét khiến nhiều người dân Trà Leng rơi vào cảnh mất nhà, mất tài sản, mất người thân, tình trạng vô cùng bi đát.

hoi-sinh-2.jpg
Nụ cười trẻ thơ ở Bằng La.

Nhiều ngày sau đó, trong giấc ngủ của người dân nơi đây vẫn thường xuyên gặp ác mộng bởi ký ức kinh hoàng của trận sạt lở vẫn còn ám ảnh họ. Không thể tiếp tục để người dân sống tại khu vực nguy hiểm, chính quyền địa phương gấp rút khảo sát, tìm kiếm khu vực mới phù hợp để vận động bà con di dời, từng bước ổn định cuộc sống.

Ngày 29/4/2021, UBND huyện Nam Trà My chính thức tổ chức lễ khánh thành khu dân cư Bằng La tại khu đất bằng phẳng rộng 6 ha ở thôn 2 (xã Trà Dơn) cách trụ sở UBND xã Trà Leng gần 1 km. Một sự khởi đầu mới bắt đầu với người dân Trà Leng.

Thời điểm tôi ghé thăm Bằng La có thể cảm nhận rất rõ sự hồi sinh mãnh liệt trên mảnh đất này. Những ngôi nhà khang trang, kiên cố được xây từ nguồn ngân sách nhà nước và tiền ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, nằm gối đầu vào nhau, bình yên trong khói bếp mơ hồ. Tiếng trẻ nô đùa rộn rã bên hiên nhà. Những vườn cây bắt đầu sai trái.

Quanh làng, đường đi lối lại phong quang, sạch đẹp. Giữa làng là ngôi trường mẫu giáo xinh xắn, rực rỡ các sắc hoa, cùng nhiều họa tiết trang trí sinh động, ngộ nghĩnh khiến cho không gian trường học như một thế giới thần tiên thu nhỏ. Ở làng mới Bằng La, đã có những em bé đầu tiên cất tiếng khóc chào đời. Ký ức của các em chắc chắn sẽ là một trang mới đầy vui tươi.

Những câu chuyện mà tôi bắt gặp ở Bằng La trong chuyến công tác cho thấy sự đứng dậy mạnh mẽ kiên cường của người dân nơi đây để nỗ lực tạo dựng cuộc sống, góp phần tạo nên sự hồi sinh diệu kỳ trên mảnh đất này. Câu chuyện của gia đình anh Nguyễn Minh Đức và chị Hồ Thị Nan là một trong số đó.

Trận sạt lở đã cướp đi của chị Nan người chồng thân yêu và toàn bộ nhà cửa, tài sản. Chị may mắn được lực lượng chức năng cứu thoát khỏi đống bùn đất trong tình trạng toàn thân bầm dập, gẫy xương quai xanh. Nhưng nỗi đau về thể xác không so sánh được với nỗi đau mất mát người thân. Chị đã từng có lúc tuyệt vọng muốn buông xuôi...

Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Người chồng quá cố hẳn sẽ chẳng thể yên lòng nơi cửu tuyền nếu biết chị cứ mãi chìm trong đau đớn, khổ sở. Bởi vậy chị Nan đã tự động viên mình, quyết tâm gạt đau buồn, đứng dậy làm lại cuộc đời.

Chị đã mở lòng mình, cho mình cơ hội để bước tiếp. Và chị đã gặp anh Đức, người cùng làng, cùng gánh chịu những tổn thất nặng nề từ trận thiên tai. Hai người đã thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ với nhau. Anh chị đã cùng nhau tạo dựng nên một gia đình mới. Hiện nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền anh chị gây dựng được một khoảng rừng để trồng quế.

Để có thêm thu nhập, hai vợ chồng còn mở thêm cửa hàng tạp hóa nhỏ ở gian ngoài của ngôi nhà đang sinh sống do chính quyền phân cho. Anh Đức khoe, gia đình mình vừa được ngân hàng chính sách cho vay 50 triệu đồng để nuôi dê.

Cuộc sống của gia đình anh từng bước ổn định, giờ hai vợ chồng chỉ cần có đủ sức khỏe, chịu khó làm ăn là không còn phải lo nghĩ gì nữa. Và điều ấm áp nhất là anh chị đã có đứa con đầu lòng mới được đầy năm. Tiếng nói cười của con trẻ mang lại sinh khí và sự ấm áp cho ngôi nhà của họ.

Trong số những gia đình phải gánh chịu mất mát nặng nề nhất sau vụ sạt lở đất ở Trà Leng không thể không nhắc đến gia đình ông Hồ Văn Đề (sinh năm 1935), dân tộc Bh’noong. Ông Đề là trưởng thôn Bố Đề, một trong hai thôn bị xóa sổ sau sự cố thiên tai năm 2020. Chỉ trong một buổi chiều gia đình ông đã mất đi 8 người thân... Ở tuổi đã xế chiều, ông đâu ngờ mình phải tận mắt chứng kiến cảnh mất con, mất cháu.

Vậy nhưng người trưởng thôn bản lĩnh ấy đã kìm nén nỗi đau, gượng dậy, làm chỗ dựa cho gia đình và bà con trong thôn. Người trưởng thôn không hề cô đơn bởi bên cạnh ông có sự quan tâm, động viên kịp thời của các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm và cả cộng đồng. Không chỉ được hỗ trợ nhà ở, gia đình ông Hồ Văn Đề và bà con trong thôn còn được hỗ trợ các đồ dùng thiết yếu, trâu bò, cây giống...

Ông xúc động: “Nhờ có Nhà nước, chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ mà cuộc sống của gia đình tôi dần ổn định”.

Hiện tại khu dân cư Bằng La có 36 hộ dân, đa số là dân tộc Bh’noong. Sinh kế của bà con chủ yếu là trồng quế, cau và cây ăn quả, được chính quyền và doanh nghiệp hỗ trợ bao tiêu sản phẩm. Mức thu nhập trung bình mỗi hộ đạt khoảng 40-50 triệu đồng/năm.

Tuy đây mới chỉ là con số khiêm tốn nhưng nếu đặt trong bối cảnh của một ngôi làng vừa mới bước ra từ thảm họa, bắt đầu từ con số 0 thì mới thấy đây là nỗ lực rất lớn.

Tôi ngẫm ngợi từ câu chuyện của Trà Leng đến sự phục hồi thần kỳ của một số lĩnh vực, ngành nghề sau “cơn bão” Covid-19 đã phần nào minh chứng rằng, nếu biết đứng dậy từ mất mát, đau thương sẽ giúp cho chúng ta mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn.

Năm Quý Mão với nhiều thử thách, khó khăn đã lùi lại phía sau. Bước vào năm Giáp Thìn, tôi tin vào sự hồi sinh vẫn sẽ còn tiếp tục…

Ngẫm ngợi từ câu chuyện của Trà Leng đến sự phục hồi thần kỳ của một số lĩnh vực, ngành nghề sau “cơn bão” Covid-19 đã phần nào minh chứng rằng, nếu biết đứng dậy từ mất mát, đau thương sẽ giúp cho chúng ta mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhịp sinh sôi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO