Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trí thức Tây học tiêu biểu, cuộc đời ông gắn liền với những sự kiện lịch sử của phong trào đấu tranh của đồng bào miền Nam và sự nghiệp giải phóng dân tộc.
LS Nguyễn Hữu Thọ- Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (trái)
và LS Trịnh Đình Thảo- Chủ tịch Liên minh Dân tộc vì hòa bình miền Nam Việt Nam
tại căn cứ Tây Ninh. (Ảnh: T.L).
Ông là Chánh án Tòa án dân sự tỉnh Vĩnh Long. Sau chuyến ra bưng biền kháng chiến nửa tháng, ông quyết định về Sài Gòn mở văn phòng luật sư và dấn thân vào sự nghiệp đấu tranh khi Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố vào ngày 19/4/1947- sẵn sàng ngừng bắn để thương thuyết với Pháp. Ông cùng các nhân sĩ trí thức ở Sài Gòn ra bản tuyên ngôn kêu gọi Chính phủ Pháp mở lại các cuộc thương thuyết với Chính phủ Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo để sớm chấm dứt chiến tranh. Bản tuyên ngôn đã được trao đến Cao ủy Pháp ở Đông Dương và gửi ra Bắc, báo cáo với Bác Hồ.
Bác Hồ đã gửi thư cảm ơn anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ hoạt động dưới sự chỉ đạo của Ban Trí vận Thành ủy Sài Gòn do ông Hoàng Quốc Tân- TS Luật khoa ở Pháp về trực tiếp phụ trách. Ngày 16/10/1949, LS Nguyễn Hữu Thọ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Ngày 9/1/1950, trong cuộc đấu tranh biểu tình của học sinh, sinh viên Sài Gòn trước dinh Thủ hiến Nam phần, Trần Văn Ơn- học sinh trường Petrus Ký đã bị chính quyền thực dân Pháp bắn trọng thương và chết ở bệnh viện Chợ Rẫy. Trong tang lễ Trần Văn Ơn, LS Nguyễn Hữu Thọ thay mặt giới trí thức đọc điếu văn, tố cáo việc đàm áp đẫm máu học sinh, sinh viên. Ông đặt câu hỏi: “Như thế này thì nhân dân ta đã có độc lập và tự do chưa?” Mọi người đáp: “Chưa! Chưa! Chưa!”
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được cử làm Trưởng phái đoàn đại biểu các giới đấu tranh công khai đòi các quyền dân sinh, dân chủ, phản đối bắt giam 22 trí thức trong hội Liên việt Sài Gòn - Chợ Lớn, tham gia cứu trợ nạn nhân hỏa hoạn ở Đầm Sen. Tối ngày 19/3/1950, LS Nguyễn Hữu Thọ bị bắt giam vào khám Lớn ngày 27/3/1950, nhà cầm quyền đưa ông ra xét xử. Các luật sư nổi tiếng đã biện hộ cho ông. Tòa tuyên bố trả tự do tạm cho LS Nguyễn Hữu Thọ sau khi đóng 5.000 đồng thế chân.
Địch ra lệnh đóng cửa các tờ báo có cảm tình với phái đoàn đại biểu các giới Thần chung, Tâm điểm, Ánh sáng… Phái đoàn đại biểu các giới in truyền đơn vạch rõ thủ đoạn của địch, vì LS Nguyễn Hữu Thọ cùng ký tên vào truyền đơn với những người khác, nên địch vin vào cớ này để bắt ông ngày 12/4/1950 và giam vào Khám Lớn. Luật sư tuyệt thực phản đối, địch lại chuyển qua bót Catina có nhiều cán bộ cách mạng bị giam ở đây. Tháng 6/1950, địch dùng hình thức “lưu đày” luật sư đến bản Giẳng (huyện Mường Tè, Lai Châu). Trước sức ép của dư luận và sự phản đối của Đoàn Luật sư Sài Gòn, tháng 11/1952, LS Nguyễn Hữu Thọ được thả tự do.
Sáng ngày 1/8/1954, hơn 50.000 người biểu tình trên đường phố Sài Gòn đòi hòa bình, đòi tự do, dân chủ, chống đàn áp. Ngày 15/11/1954, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt LS Nguyễn Hữu Thọ cùng nhiều thành viên tích cực của phong trào hòa bình, giam ở nhà lao Gia Định. Sau đó, ông và một số vị khác trong phong trào hòa bình bị đưa đi quản thúc ở chi khu Củng Sơn, tỉnh Phú Yên.
Kế hoạch giải thoát lần thứ nhất
Giữa năm 1960, thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Xứ ủy Nam Bộ, Khu ủy khu V chỉ đạo các tỉnh, đặc biệt là Phú Yên, thực hiện kế hoạch giải thoát LS Nguyễn Hữu Thọ, có mật danh là “chị Nghĩa”, kế hoạch ấy gọi là “kế hoạch chị Nghĩa”…
Thị xã Tuy Hòa giao trách nhiệm cho chị Võ Thị Hồng Giác và anh Nguyễn Sự thực hiện kế hoạch này để kết nối với LS Nguyễn Hữu Thọ và để luật sư tin tưởng, GS Phạm Huy Thông đã từ miền Bắc viết thư vượt Trường Sơn đến Tuy Hòa. Chị Giác giao cho bà Thừa Hoàng (Phạm Thị Minh), người nấu cơm tháng cho gatar Motorin, luật sư thường ăn cơm ở đây và quen với bà Thừa Hoàng; bà đã trao thư của GS Phạm Huy Thông cho luật sư, ông đồng ý theo kế hoạch giải thoát của cách mạng.
Dự kiến 9h30 tối ngày 10/9/1960, luật sư nhận được xe đạp và đi đến chùa Núi Sầm để gặp lưc lượng hộ tống về căn cứ Tỉnh ủy Tây Ninh. Không may người mua xe đạp cho luật sư bị bắt và đã khai là mua xe cho một người tên Thọ. Địch bắt và tra tấn chị Giác và anh Sự, nhưng cả hai anh chị đều không khai báo. Rất may, người mang tên Thọ mà địch bắt là anh thợ sửa đồng hồ, địch kết tội chị Giác và anh Sự là tổ chức cho thanh niên tên Thọ kia “đi lính” cho cách mạng. Chúng đã đưa hai anh chị và anh Thọ ra tòa và kết án mỗi người 3 năm tù.
“Kế hoạch chị Nghĩa” tuy không bị địch phát hiện nhưng cũng không thực hiện được.
Kế hoạch giải thoát lần thứ hai
Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời trong Chiến khu Dương Minh Châu tỉnh Tây Ninh. Ủy ban lâm thời gồm các vị: BS Phùng Văn Cung; ông Nguyễn Văn Linh - đại diện Xứ ủy Nam Bộ; ông Ung Ngọc Ky - đại diện Đảng Dân chủ miền Nam Việt Nam; ông Nguyễn Văn Hiếu - Trưởng ban sáng lập Đảng Xã hội cấp tiến miền Nam Việt Nam; Đại tá Lê Thanh - đại diện các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam.
Như vậy là chưa có Ủy ban Trung ương chính thức và chưa có chủ tịch. Theo dự kiến, LS Nguyễn Hữu Thọ sẽ làm Chủ tịch. Ông Bùi Định (Tư Khiêm)- Ủy viên thường trực Khu ủy Khu V về gặp Tỉnh ủy Phú Yên mang theo chỉ thị của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Khu ủy Khu V giao cho Tỉnh ủy Phú Yên lên kế hoạch đưa LS Nguyễn Hữu Thọ ra căn cứ.
Sau thời gian điều nghiên kỹ lưỡng tập đánh thử, Tỉnh ủy Phú Yên quyết định áp dụng phương án dùng lực lượng quân sự đánh bất ngờ vào Chi khu Củng Sơn. Làm chủ tình hình, đủ thời gian đưa LS Nguyễn Hữu Thọ ra ngoài. Đêm ngày 18/6/1961, lực lượng vũ trang giải phóng tập kích chi khu Củng Sơn. Tổ trinh sát đặc công đến nơi cư ngụ của Đoàn Hòa bình, song LS Nguyễn Hữu Thọ được phép về Tuy Hòa gặp gia đình ra thăm nuôi từ 6h chiều ngày hôm ấy.
Đoàn Hòa bình chỉ còn 3 người: ông Trần Hàm Lăng, ông Nguyễn Thơ xin ra vùng giải phóng, riêng ông Từ Bá Phước ở lại vì sức khỏe kém (ông mất ngày 5/11/1964 sau một cơn trụy tim cấp). Sau vụ này, LS Nguyễn Hữu Thọ giả vờ đau ốm, dưỡng bệnh tại nhà thương Tuy Hòa, viên tỉnh trưởng cho phép ông ở lại thị xã thêm một tháng.
Kế hoạch giải thoát lần thứ ba
Tỉnh ủy Phú Yên giao cho ông Sáu Quyết, ông Nguyễn Lầu thực hiện “kế hoạch chị Nghĩa”, để giải thoát LS Nguyễn Hữu Thọ. Lúc này, Tòa án Phú Yên được thành lập, nhà cầm quyền đã để ông được hành nghề. Thỉnh thoảng có người đến nhờ ông làm đơn kiện.
Ông Ba Suối- một cơ sở cách mạng được phân công đến gặp luật sư với lý do đi thuê thầy kiện về tranh chấp ruộng đất trong họ. Phương án giải thoát LS Nguyên Hữu Thọ là: Luật sư đi xe đạp theo hướng quốc lộ lên phía bắc thị xã Tuy Hòa, ở đó có nghĩa địa Hoa kiều, cổng nghĩa địa ở sát đường có ngôi mộ của bà Du Ký- một Hoa kiều giàu có, mộ lớn dễ tìm.
Gần 5 giờ chiều ngày 30/10/1961, LS Nguyễn Hữu Thọ lên xe đạp đến điểm hẹn, đi thẳng vào chân núi Chóp Chài. Mọi người ùa ra đón luật sư, người thì canh gác, người đào hố chôn chiếc xe đạp, người thì đưa quần áo bà ba đen cho luật sư thay…Đảng bộ Phú Yên đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của Bác Hồ, Khu ủy Khu V. Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức đưa luật sư về căn cứ của Mặt trận Dân tộc giải phóng an toàn.
Từ ngày 16/12/1962 đến ngày 3/3/1962, tại một khu rừng phía bắc Tây Ninh, Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất được tiến hành, với sự tham dự hơn 100 đại biểu, có các thành phần tiêu biểu của các tỉnh miền Nam, có nhân sĩ - trí thức, đại diện các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, Việt kiều ở Campuchia…
Ngày 3/3/1962, Đại hội đã bầu LS Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và 5 Phó chủ tịch là: Bác sĩ Phùng Văn Cung, ông Võ Chí Công, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, đại đức Sơn Vọng, ông Ybih Aleo.
Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là linh hồn của cuộc kháng chiến, là ngọn cờ tập hợp, hiệu triệu nhân dân miền Nam vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng.