Tinh hoa Việt

Nhớ Chu Hoạch

TRẦN THỊ TRƯỜNG 04/12/2023 11:10

Hôm qua đông về bỗng nhớ Chu Hoạch quá, nói đúng hơn là muốn viết, muốn nhắc đến anh - một nhà thơ lạ lùng.

chu-hoach-1.jpg
Nhà thơ Chu Hoạch.

Với Chu Hoạch tôi thuộc lớp đàn em.
Khi tôi còn trẻ, lớp các anh: Tường Vân, Lưu Quang Vũ, Nghiêm Đa Văn, Trần Tiến, Lê Huy Quang… đã nổi tiếng lắm. Nhưng ông nào cũng lận đận, cũng sống bằng sự tần tảo của vợ. Chỉ Lưu Quang Vũ là sau đó kịch được diễn nhiều đời sống mới khá lên, chứ không thì “trăm sự” cũng ở tay chị Xuân Quỳnh.

Chồng tôi cũng là một họa sĩ, cũng chung số phận, nếu không có những hợp đồng (ký tên người khác) kẻ khẩu hiệu, “găng” áp phích thì chúng tôi suốt tháng quanh năm phải vay mượn để sống qua ngày. Ngày ấy, thơ Chu Hoạch phần lớn lưu truyền bằng những bản chép tay, giấy một mặt, giấy năm hào hai, hoặc giấy in báo bị loại.

Cuộc sống ngày ấy nghèo khổ. Tôi đỗ Đại học Mỹ thuật công nghiệp, chồng tôi giỏi hơn nhưng thi lại không đỗ. Anh phải ở nhà may áo bông trần. Tôi thì có học bổng, đỡ hơn.

Nhưng chúng tôi thường xuyên tranh cãi. Hồi đấy chưa hiểu, cứ tưởng mình là người không tốt, sau này ngẫm lại thấy vợ chồng tôi hay các cặp văn nghệ sĩ khác hầu hết tranh cãi là do cái ẩn ức sáng tạo chi phối.

Tôi không dành được nhiều thời gian nghĩ ngợi, học hỏi, sáng tạo vì phải vừa làm để nuôi con vừa học. Còn chồng tôi thì bức xúc bởi có tài mà phải ngồi may thuê, một việc nhàm chán và giá cả rẻ mạt. Cuối cùng tôi bỏ học đi nước ngoài xuất khẩu lao động.

Khi trở về, đời sống khá hơn, xã hội cũng cởi mở hơn với trí thức. Nhờ có vốn liếng mang về tôi tự tin xâm nhập vào đời sống nghệ sĩ. Đầu tiên là mở show với Trần Tiến ở Cung Thanh Niên (phố Tăng Bạt Hổ, Hà Nội), với Ngọc Tân ở Nhà hát Lớn, với Nguyễn Thuỵ Kha (ra tờ Cửa sổ văn hóa)...

Từ đây tôi quen Chu Hoạch.

Một hôm, ngồi ở hàng cà phê khá sang đối diện với Hồ Thiền Quang, Chu Hoạch đọc cho tôi nghe bài thơ "Một ngày":

“Đưa Em ra bến xong anh vòng về quán nước

Ở đấy - với năm xu - anh được thở dài

Mà ngắm những đốm hè nồng nực

Nhấp nháy hiện màu nhấp nháy đổi thay

Ngồi hết cái năm xu cũng là kịp vào ngày lao động

Với một chiếc xô tay anh tụt xuống cống ngầm

Thành phố đi trên đầu anh không tiếng vọng

Trừ tiếng thở của mình trầm, chậm, có hồi âm.

Ở đầu cống đằng kia cách hai trăm thước

Người thợ cống lâu năm rủ anh vào cuộc chuyện trò

Và trong cõi âm u nửa bùn nửa nước

Mỗi tiếng thì thầm cũng trở nên to

Cả hai đã nói gì trong âm u bùn nước ấy?

Khi thì nói về những cô gái đến với đời mình để lại ra đi...”

Có lẽ Chu Hoạch không nhìn thấy mắt tôi ướt nhòe. Tôi nghĩ đến chồng tôi ngày ngày ngồi may áo bông trần, và nhiều lần anh nổi cáu…

Tôi lén nhìn Chu Hoạch, tôi hình dung, cái giọng thủ thỉ ấy, cái gương mặt kia, có lẽ anh không bao giờ cáu… Anh thiền "trong cõi âm u nửa bùn nửa nước ấy", nên anh có thể tha thứ cho đời. Năm ấy anh được giải thưởng thơ của Hội Nhà văn. Giải chả nhớ được ngần nào, nhưng anh đã khao các bạn thơ một trận rượu.

Anh sống với rượu. Hay là rượu giúp anh quên đau khổ, quên trách cứ, quên cáu bẳn chứ chả chắc là anh có khả năng thiền. Tôi nhiều khi gặp Chu Hoạch ở quán cà phê Quán Thánh, thấy anh cà phê, hút thuốc mù mịt. Và rượu. Có lần, mọi người về hết rồi, anh mới khẽ khàng kể về bi kịch hôn nhân của anh…

Vợ chồng anh cũng như mọi cặp đôi khác, lấy nhau đều tự nguyện và say mê nhau. Nhưng ngày tháng bên nhau, mưu sinh mệt mỏi, có con mà không có tiền nuôi con. Rồi chị cũng ra nước ngoài, hy vọng kiếm tiền về thay đổi đời sống. Chu Hoạch ở nhà, thất nghiệp. Cả nước nghèo, đến tranh Bùi Xuân Phái, Văn Cao còn phải đổi cà phê uống dần thì Chu Hoạch phải đi kéo xe bò để sinh nhai cũng là chuyện thường.

“Tôi trốn con trai mình/ Anh bạn tôi rình trốn bố/ Hai đứa hẹn nhau trên phố/ Đi vẽ chân dung mùa thu”.

Đi vẽ nhưng họa phẩm thì đắt đỏ. Một tuýp sơn dầu bằng tuýp thuốc đánh răng nhỏ xíu, trị giá 1/6 tháng lương. Giá tiền một cây chì than có thể ăn được 1 tuần mì tôm. Toan không có, thường là vẽ trên vải bạt, bao tải. Tranh vẽ ra không phải để bán, chỉ tặng. Người ta cầm cho, người ta thích thì vui lắm...

Rồi vợ anh về nước, nhưng hai người chia tay. Cũng có lẽ không phải tại chị đổi thay mà tại anh không thay đổi. Chị thấy anh vẫn thế, có tài thơ họa, nhưng thơ họa không ăn được.

Ai mà chịu được cảnh đó. “…Tôi công nhận, em hoàn toàn có lý/ Thơ chửa bao giờ có thể nuôi ai/ Xưa đã thế và nay vẫn thế/ Cơm mới cần cho hai bữa mỗi ngày…”

Chưa kể là anh suốt đời thơ thẩn. Rồi anh đọc cho tôi nghe: “Thu rất thật thu là cái lúc chớm Đông sang/ Em rất thật em là lúc em hoang mang lựa chọn/ Anh rất thật anh là sớm biết ra đi nhẹ gọn/ Để tránh cho em mất một lời chào/ Và/ Bớt cho đời một chút gió xôn xao…". Để nói về cuộc chia tay ấy.

Nhân bản đến thế là cùng. Anh bảo: “Thôi, họ cũng có lẽ của họ, họ chịu đựng được mình thì chả lẽ họ là thánh thần? Mình còn thấy mình vô lý nữa là… mình rút lui cho họ yên tâm, cho họ khỏi lúng túng”.

Chu Hoạch giao du rộng. Chân dung sơn dầu vẽ những người nổi tiếng rất ra thần thái của họ. Có khi gặp một gương mặt thú vị anh liền lấy chiếc túi vải bạt xé ra, đóng 4 góc lên tường thành một tấm toan, bóp màu từ tuýp ra đầu ngón tay mà vẽ.
Ấy vậy mà thành một bức chân dung, bút pháp đầy cá tính. Anh kể với tôi, phụ nữ đi qua đời anh không ít, nhưng anh chỉ thấy ở họ điều anh muốn, ấy là được vẽ họ. Tình yêu có thể sẽ xuất hiện sau đó. Anh chỉ vẽ khi cảm hứng đến. Nếu anh chịu khó vẽ “tranh Bờ Hồ” gửi ở Hàng Ngang, Hàng Đào (ngày đó) cũng kiếm đủ ăn nhưng Chu Hoạch thì không. Anh thích trực họa. Nó cho anh nhiều cảm xúc.

Những người mẫu giá rẻ, hoặc cho không thì lúc nào cũng sẵn. Họ nương nhờ anh khi lâm cảnh dạt vòm. Anh cho họ ở tạm, chia sẻ sự cùng cực của đời sống. Họ vô tư cho anh vẻ đẹp tự nhiên của thân thể (anatomi), và cảm xúc của người họa sĩ trong anh lúc đó thật dồi dào.

Cũng có lần, anh bị lợi dụng, cho ở qua đêm nhưng sáng hôm sau tỉnh dậy thì mất một vài món đồ. Người khác mất cái điện thoại bàn, cái cát xét, ấm đun nước thì không là gì, với Chu Hoạch thì cả một gia sản. Nhưng anh chỉ kể với nụ cười buồn: “Nó cũng đáng thương lắm”. Giọng rất hiền từ, lại còn cười đầy nước mắt.

Đôi khi anh lại đọc: "Có một nấm mồ không đáy: - thời gian/ Có một nỗi buồn không tan trong thời gian không đáy/ Đó là nỗi buồn của chiếc giày chân trái/ Không tìm thấy chiếc giày chân phải để thành đôi". Vâng, suốt đời anh đã không tìm được thêm một chiếc giày.

Sau cái lần gặp ở cà phê Quán Thánh (Hà Nội), tôi cứ tưởng đời anh đã có tổ ấm. Tôi đã thoáng thấy người phụ nữ yêu mến thơ họa anh, do anh giới thiệu. Ấy là khoảng năm 1992. Anh và Trần Tiến, Thuỵ Kha, Lâm Râu rất hay gặp nhau mỗi lần Trần Tiến ra Hà Nội. Rồi có người mời Chu Hoạch vào TPHCM.

Bạn bè bày tranh cho anh. Lần ấy anh bày 25 tranh sơn dầu khổ lớn: 1,2 x 1,4m. Có lẽ đó là những ngày vui tươi nhất, đủ tiền nhất để có thể uống rượu, ăn nhà hàng và đôi khi bên anh cũng có những người đàn bà gương mặt rạng rỡ. Tôi cũng gặp anh một lần như thế ở trong đó, nhưng tôi không gọi…

Không hiểu sao, anh lại từ giã cái thành phố sôi động ấy để trở ra. Rồi anh thuê trọ ở ngõ Thái Hà. Cũng cứ nghĩ, anh bán được tranh rồi, đời sang trang rồi và có phụ nữ rồi. Vậy mà không ngờ, nhiều phụ nữ vây quanh như thế mà anh vẫn một mình.

Có thể vì, như họa sĩ Đặng Huy Quyển, bảo: "Chu Hoạch là người cô đơn nhưng lại sợ lòng tốt… thấy người ta tốt quá với mình, mà cứ nương nhờ lòng tốt đó thì chính mình cũng thấy ngại nên tìm cách xa lánh đi…”

Cứ thế, anh đi qua cuộc đời. Ngày 4/10/2007 sau 9 ngày bị ngã, anh đã từ biệt cõi đời. Khi anh mất nhiều người mới sực nhớ anh đã từng tiên đoán: "Ngày hôm nay, tôi nhắc đến chữ chết nhiều/ Chết đâu phải là điều cần tránh/ Chết đó là phần chia tư chiếc bánh/ Mỗi đời người nên biết cách ăn...".

Sinh năm 1941, quê ở thôn Thượng Thụy, xã Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội), Chu Hoạch từng có nhiều giải thưởng thơ của Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Hà Nội…

Gia tài thơ Chu Hoạch, theo họa sĩ Đặng Huy Quyển, có khoảng 500 bài, khoảng 200 bức tranh sơn dầu lẫn ký họa chì than. Nhiều bức tranh anh vẽ thất lạc, nhiều bài thơ anh viết đã mất, vì chính anh có lần đã tự tay đốt đi bản thảo.

Thu rất thật thu là cái lúc chớm Đông sang
Em rất thật em là lúc em hoang mang lựa chọn
Anh rất thật anh là sớm biết ra đi nhẹ gọn
Để tránh cho em mất một lời chào

Bớt cho đời một chút gió xôn xao…

THƠ CHU HOẠCH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhớ Chu Hoạch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO